Năm 1992, Paul Talalay, giáo sư dược học của trường Đại Học Y khoa Johns Hopkins Hoa Kỳ cùng các cộng sự đã tìm thấy chất glucoraphanin trong súp lơ xanh (tiếng Anh: cải broccoli), chất này vào cơ thể biến thành sulforaphane có tác dụng kích hoạt một số gen tế bào sản sinh enzyme để khử độc những hóa chất gây ung thư.
Talalay và cộng sự của ông đã tiến hành những thử nghiệm về tác dụng của chất sulforaphane trên vi khuẩn HP (Helicobacter pylory), một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên 3 đến 6 lần. Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn rất khó bị tiêu diệt ngay khi sử dụng 2 hay 3 loại kháng sinh kết hợp lại với nhau. Tuy nhiên sulforaphane có thể tiêu diệt một cách dễ dàng vi khuẩn HP dù vi khuẩn nằm sâu trong các lớp niêm mạc dạ dày (theo kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm của các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Nancy -Pháp).
Một nghiên cứu khác tiến hành trên chuột bị gây ung thư dạ dày cưỡng bức (cho uống một hóa chất gây ung thư) đã thấy những con chuột trước đó cho uống sulforaphane thì tỷ lệ bị khối u dạ dày ít hơn 39% so với những con chuột không xử lý sulforaphane.
Không dừng lại ở những thí nghiệm trên động vật, nhóm các nhà nghiên cứu của Talalay đã chuẩn bị cho những thử nghiệm lâm sàng trên người bị nhiễm vi khuẩn HP ở Nhật đối với tác dụng của cải broccoli. Ở Nhật có khoảng 80% người trưởng thành bị nhiễm vi khuẩn HP và ung thư dạ dày là căn bệnh gây chết người số 1 đối với phụ nữ Nhật.
Nếu những thử nghiệm này thành công thì đây là một thành công của phương pháp điều trị ung thư bằng ăn uống, một phương pháp dễ áp dụng cho những vùng khác nhau trên thế giới có tỷ lệ ung thư dạ dày cao.
Những nghiên cứu gần đây cũng phát hiện thêm rằng sulforaphane và một số hoạt chất chứa trong họ cải như diindolymethane, indole-3-carbinol còn có tác dụng hiệp đồng trong việc ức chế sự phát triển của một số bệnh ung thư như ung thư kết tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang.
Kết quả thử nghiệm trên người cho thấy mỗi tuần ăn một khẩu phần sup lơ một lần có khả năng làm giảm 52% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn, và tương tự, với một khẩu phần cải broccoli mỗi tuần, nguy cơ mắc bệnh ung thư này cũng giảm 45%.
Có một câu hỏi đặt ra là cần phải ăn bao nhiêu cải broccoli để có thể thu được hiệu quả phòng chống ung thư?
Một nghiên cứu kéo dài một năm trên những người tình nguyện mỗi tuần dùng 4 bữa broccoli đã thấy tỷ lệ bị nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt giảm rõ rệt. Cần chú ý rằng hàm lượng tiền chất chống ung thư glucoraphanin trong cải broccoli non cao hơn trong cải trưởng thành nhiều lần (cải 3 ngày tuổi có hàm lượng glucoraphanin cao hơn trong cải thành thục 30 lần). Như vậy mỗi bữa chỉ cần ăn 2 cây cải non và mỗi tuần chỉ cần khoảng 8-10 cây là đủ (cung cấp khoảng 200 – 400 microgram
sulforaphane mỗi ngày). Mầm cải phải ăn sống không đựợc nấu chín vì glucoraphamin bị nhiệt phá hủy. Người ta tính ra rằng lượng glucoraphanin của 1kg cải broccoli nấu chín chỉ bằng với lượng glucoraphanin có trong 50g mầm cải sống.
Các hoạt chất chống ung thư (glucoraphanin, indole-3-carbinol…) không những có trong cải broccoli còn có trong các rau thuộc họ hoa thập tự (cruciferous vegetables) như cải bắp, sup lơ, cải xoong, cải bruxen, cải xoăn…; hàm lượng các hoạt chất này trong cây non giầu hơn trong cây trưởng thành nhiều lần.
Ở nước ta cũng đã có những nghiên cứu về các hoạt chất chống ung thư trong cải broccoli. Chẳng bao lâu nữa các loại thực phẩm chức năng chứa các hoạt chất này sẽ vào thị trường, góp phần quan trọng vào việc phòng chống viêm loét dạ dày và một số bệnh ung thư như dạ dày, tuyến tiền liệt, bàng quang… đang phổ biến ở nước ta và trên thế giới (ung thư tuyến tiền liệt làm chết nhiều nam giới chỉ sau ung thư phổi, hàng năm gần bảy trăm ngàn người trên thế giới được chẩn đoán là bị ung thư tuyến tiền liệt và có 220 ngàn người trong số đó bị chết vì bệnh này).
Tuy nhiên sử dụng cải broccoli non (và một số loại rau mầm của cây họ cải) cũng là một cách phòng chống ung thư hiệu quả, chủ động, không phụ thuộc vào thuốc hay thực phẩm thuốc.