ThienNhien.Net – Một báo cáo gần đây của nhóm các chuyên gia về môi trường và phát triển bền vững đã khuyến cáo Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác cần phải làm tốt hơn nữa trong việc xem xét các tác động môi trường từ những dự án mà họ cấp vốn tại các nước nghèo.
Nghiên cứu đã xem xét một phần số tiền 400 tỷ đô la đầu tư vào gần 7.000 dự án từ năm 1990 – 2007, và phát hiện ra những cam kết gần đây về bền vững môi trường của WB và các viện thành viên, trong đó có Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), đã không được thực hiện trong khi tiền vẫn được đổ vào các con đập (thủy điện), đường dây dẫn, các đồn điền cọ và những lĩnh vực khác.
Các tác giả của bản báo cáo môi trường dày 181 trang (bản đầu tiên do Nhóm Đánh giá Độc lập của WB thực hiện năm 2002) cho rằng, WB và các đối tác phải tăng cường chú ý tới việc bảo vệ môi trường khi mà độ nhạy cảm đối với các rủi ro môi trường đang tăng lên và nguồn tài chính cho các dự án liên quan tới biến đổi khí hậu cũng ngày càng nhiều.
Vinod Thomas – người điều hành trực tiếp của nhóm đánh giá cho hay, “Giờ đây họ cần phải thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa việc bảo vệ môi trường và giảm nghèo”.Theo ông, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu bền vững môi trường không được đưa lên làm ưu tiên thì tất yếu mọi đầu tư đều sẽ thất bại.
Báo cáo còn bao gồm phản hồi từ nhà quản lý ngân hàng, trong đó thừa nhận một vài khoản thiếu hụt và cũng khẳng định rằng ở nhiều khu vực, đã có những chuyển biến để cải thiện môi trường, tìm cách bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng xứng đáng được hưởng lợi,,(là các nước đang phát triển và các ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân) và cũng thay đổi cách sản xuất.
Giám đốc nhóm kiểm tra của WB – Cheryl Gra cho rằng, việc thường xuyên theo dõi nội bộ về các khía cạnh môi trường của dự án là một chỉ thị cho hiệu quả công việc cần đạt được.
Ngân hàng Thế giới đã thông qua bộ tiêu chuẩn môi trường thông dụng đầu tiên vào năm 2001, với nhiệm vụ quản lý môi trường nhưng trọng tâm là giảm đói nghèo. Tuy nhiên, đánh giá mới lại phát hiện ra thiếu sót mục tiêu môi trường vẫn tồn tại trong từng bước cho vay vốn, từ định hướng ưu tiên cho các dự án phát triển tới các tiêu chuẩn môi trường và quan trắc cần thiết trong lĩnh vực này.
Đông đảo các nhà vận động chiến dịch môi trường đồng ý với những phát hiện của nhóm nội bộ.
Korinna Horta, nhà kinh tế học tới từ Quỹ Quốc phòng Môi trường (Environmental Defense Fund), đã mô tả cách thức IFC – một chi nhánh của WB đã khuyến khích mở rộng chăn nuôi gia súc, các cánh đồng đậu nành và đồn điền cọ dầu, tất cả đều dẫn tới phá rừng ở miền nhiệt đới, ngay cả khi WB đã liên tục cảnh báo về việc mất rừng và tạo nguồn quỹ để hạn chế phá rừng. Horta cũng cho hay, hiện nay WB chưa có một cơ chế thanh toán hợp lý thay thế để đảm bảo cho các chính sách môi trường và xã hội được thực hiện ngay từ khi bắt đầu dự án.