Trong tình hình hiện nay, khi giá các mặt hàng trên thị trường đều tăng cao, nhiều thách thức đang đặt ra trong công tác nông dân, nông nghiệp và nông thôn, đòi hỏi tỉnh Ðắk Nông giải quyết thỏa đáng.
Chăm lo đời sống nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân Ðắk Nông Trần Xuân Hồng cho biết, nhằm hỗ trợ nông dân có vốn, khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống, Hội Nông dân các cấp luôn đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân”, với số tiền hàng tỷ đồng, giải quyết cho hàng nghìn lượt hộ vay đầu tư sản xuất và chăn nuôi. Các cấp hội cũng đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội tỉnh tạo điều kiện cho 13.207 hộ vay, với tổng số vốn lên tới 121,8 tỷ đồng.
Đồng thời, các cấp hội cũng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc cho hội viên vay, đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Bên cạnh đó, các cấp hội đã phối hợp với các ngành nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông, khuyến công, Chi cục Thú y, Chi cục bảo vệ thực vật của tỉnh… tổ chức được 920 lớp tập huấn, các cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng cho hơn 46 nghìn lượt người; 1.109 lớp tư vấn về ngành nghề nông thôn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho gần 50 nghìn lượt nông dân… để áp dụng vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
Về huyện Ðắk Song, được các cán bộ ở Hội Nông dân kể nhiều về trường hợp gia đình anh Y Xuân, ở bon Bu N’Drung, xã Ðắk N’Drung từ một gia đình nghèo khó, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân nay đã vươn lên trở thành người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ làm kinh tế giỏi nhất huyện.
Trao đổi về vấn đề này, anh Y Xuân cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong bon, đất nương rẫy nhiều, nhưng do thiếu vốn và không có kế hoạch làm ăn nên chỉ biết trồng sắn, cây hoa màu đủ ăn qua ngày. Thế rồi trong những lần được Hội Nông dân xã, huyện tổ chức đi học tập các mô hình làm kinh tế tiêu biểu, tạo điều kiện cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng… tôi nhận ra với mảnh đất hiện có của gia đình có thể cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần nếu biết thay đổi tư duy làm kinh tế. Thế là tôi đã quyết định chuyển toàn bộ khu đất trồng sắn của gia đình trước đây sang trồng cà-phê và tiêu. Kể từ khi thay đổi cách làm kinh tế đến nay đời sống gia đình tôi đã khá lên nhiều, hằng năm tổng thu nhập đạt hơn 350 triệu đồng”.
Nhiều hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, có điều kiện giúp đỡ những hộ còn nghèo đói vươn lên thoát nghèo và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng lên đáng kể, đến cuối năm 2007 đạt 9,8 triệu đồng/người/năm.
Bộ mặt các vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như xã Ðắk N’Drung, Trường Xuân (huyện Ðắk Song); xã Ðắk Búk So, Quảng Trực (huyện Tuy Ðức); xã Quảng Khê, Quảng Sơn (huyện Ðắk Glong); xã Ðắk Drô, Nâm Nung (huyện Krông Nô)… đã có nhiều khởi sắc.
Vẫn còn không ít thách thức
Hiện nay sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn ở trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, hàng hóa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Các hoạt động dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa nông sản chưa phát triển mạnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng còn nhiều bất cập. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, làm cho địa bàn nông thôn và quỹ đất nông nghiệp có xu hướng ngày càng bị thu hẹp lại; nhu cầu chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ là rất lớn, trong khi đó quy mô phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ chưa đủ điều kiện để thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp sang.
Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất thấp so với yêu cầu; việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động ngay trong lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn cao; khoảng cách thu nhập, chênh lệch đời sống, thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị có xu hướng ngày càng tăng; một bộ phận nông dân thiếu vốn, đất sản xuất; sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị cao nhưng lại khó tiêu thụ, giá cả không ổn định làm cho nông dân chịu nhiều thua thiệt; khả năng tích lũy của nông dân nói chung còn rất thấp, rất dễ tái nghèo khi mất mùa. Trong khi đó giá cả tiêu dùng, các loại hàng hóa vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu… tăng chóng mặt, kéo theo giá nhiều loại hàng hóa khác tăng theo, làm cho người nông dân gặp nhiều khó khăn.
Tháo gỡ khó khăn cho nông dân
Ðể tháo gỡ những khó khăn cho nông dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ðắc Nông Lê Diễn đã chỉ đạo các cấp hội nông dân phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể và hội quần chúng trong tỉnh có phương án hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, dạy nghề, phục hồi, phát triển các làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân, nhất là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân, nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ðác Nông Trần Xuân Hồng khẳng định: “Hội Nông dân sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác nghiên cứu chế biến các phế phẩm như vỏ cà-phê, các chất thải nông nghiệp thành phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào.
Ðồng thời, Hội tiếp tục đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước; tín chấp với các nhà máy phân bón lớn, có uy tín trong nước tạo điều kiện cho nông dân mua phân bón trả 50% số tiền, đến vụ thu hoạch trả thêm 50% còn lại để có điều kiện đầu tư chăm sóc cây trồng”.
Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với các ngành liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học-Công nghệ, Chi cục Thú y, Trung tâm khuyến nông, Chi cục bảo vệ thực vật… đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng, chăn nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao cho nông dân, nhất là nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để phát triển bền vững…