TP. HCM: Chưa xử phạt nổi ô nhiễm nghiêm trọng

Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) cho biết, từ tháng 11/2007 đến nay chưa xử phạt được trường hợp nào vi phạm về ô nhiễm môi trường, kể cả phạt hành chính. Ngày 29/07, tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm giữa HĐND TP.HCM với HĐND các quận, huyện, câu chuyện về ô nhiễm môi trường tiếp tục là đề tài nóng. Hiện ô nhiễm môi trường không chỉ ở nội thành mà ở ngoại thành cũng đã rất trầm trọng.

Giảm ô nhiễm nội thành, ngoại thành hứng

Ông Đỗ Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng, hiện tình trạng ô nhiễm ở ngoại thành đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong nhân dân. “Hầu như trong bất cứ một cuộc tiếp xúc cử tri nào, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là một đề tài được nhiều người chất vấn”, ông Vân nói.

Theo ông Vân, gần như những ngành nghề nào độc hại nhất đều tập trung về khu công nghiệp (KCN) tự phát Tân Phú Trung (huyện Củ Chi). Mặt khác, theo kế hoạch của thành phố thì những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong nội thành đều bị đẩy ra ngoại thành tạo nên một dây chuyền gây ô nhiễm.

“Ngoài ra, người dân Củ Chi còn hứng chịu bao khốn khổ từ bãi rác Tam Tân. Do không được xử lý cẩn thận nên rác bốc mùi kinh khủng, nước trong các hầm rác chảy ra ngoài kênh rạch, khu dân cư… Ban ngày, những hộ dân cách đó vài km còn không dám mở cửa, ban đêm thì không dám bật quạt. Nước từ bãi rác Tam Tân và KCN Tân Phú Trung chảy ra ngoài môi trường, ngấm xuống đất khiến hệ thống nước ngầm của cả huyện bị ô nhiễm nặng. Trong khi ở đây, hầu hết các hộ gia đình đều dùng nước giếng khoan vì không có nước máy”, ông Vân bức xúc.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Giữa, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn kêu: “Huyện Hóc Môn cũng phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dự án di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành. Bãi rác Đông Thạnh tuy đóng cửa từ lâu nhưng mỗi ngày vẫn có khoảng 60 xe chở phân hầm cầu từ khắp nơi chạy về đây đổ. Phân hầm cầu được đổ vào những hố lớn, rồi không được che đậy, xử lý gì mà để tự bốc hơi, tự phân hủy. Mùi hôi thối bay xa khắp cả huyện, rất kinh khủng!”.

Còn ở quận 8, chuyện xử lý rác làm chính quyền đau đầu. Theo ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 8, có điều đáng kinh ngạc là hiện mỗi ngày Công ty Dịch vụ Công ích quận 8 thu gom được khoảng 263 tấn rác (không kể các ngày chủ nhật làm tổng vệ sinh thì lượng rác tăng thêm khoảng 5 tấn/lần).

Thế nhưng, công ty này chỉ được giao kế hoạch đổ 255 tấn/ngày (được thanh toán kinh phí). Vậy số lượng chênh khoảng 8 -10 tấn rác/ngày, công ty không được thanh toán tiền vận chuyển nên không thể vận chuyển đi đổ.

 
Cấm cứ việc cấm, rác vẫn tràn ngập.

Luật pháp quy định “tréo ngoe”

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đào Anh Kiệt lý giải, ô nhiễm môi trường bùng phát mạnh như hiện nay là do dân số cơ học tăng nhanh. Ngoài ra, ý thức người dân kém, cộng với việc người Việt Nam hay xả rác và ở bẩn hơn các nước xung quanh khiến ô nhiễm tràn lan.

Hiện chiến dịch phân loại rác tại nguồn của thành phố hầu như bị thất bại hoàn toàn, vì nếu có phân loại thì các nghiệp đoàn thu gom vận chuyển rác cũng sẽ “phân loại” lại.

Theo ông Kiệt, hầu hết rác ở thành phố hiện do các đầu nậu phụ trách thu gom. Đây là những đường dây lớn chi phối công tác vận chuyển rác của cả một khu vực mà đôi khi Nhà nước không thể tham gia được. Thậm chí có trường hợp, chủ tịch một phường bị đánh trọng thương vì không cho đường dây này vận chuyển rác.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường TP.HCM thừa nhận: “Từ tháng 11/2007 đến nay, chúng tôi vẫn chưa xử phạt được trường hợp vi phạm về ô nhiễm môi trường nào, kể cả phạt hành chính”.

Ông Hải cho rằng, luật pháp hiện hành quy định “tréo ngoe”, muốn xử lý hình sự bắt buộc phải xử lý hành chính trước. Mà khi xử lý hành chính cũng chỉ xử lý được tổ chức, chứ không xử lý được cá nhân, khi chuyển sang hình sự thì lại không biết xử lý ai. Nếu xử lý người đứng đầu thì họ lách qua, lách lại vì còn nhiều kẽ hở để đối phó.

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hiện Thủ tướng Chính phủ đã duyệt đề án xây dựng hệ thống xử lý nước thải 9 lưu vực thành phố với 9 nhà máy xử lý nước. Khi hoàn thành, dự án này sẽ tập trung giải quyết tình hình ô nhiễm trên toàn địa bàn TP.

Tuy nhiên, khả năng kinh phí không thể cùng một lúc xây dựng tất cả các hạng mục của dự án, nên đến nay chỉ mới thực hiện được giai đoạn 1 của nhà máy xử lý nước thải ở Bình Hưng Hòa A, khi hoàn thành nhà máy này sẽ tiếp nhận và xử lý 500.000m3 nước thải/ngày đêm.