Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học ngành lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã chủ động đề ra các giải pháp kỹ thuật phòng chống cát bay; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trên lĩnh vực lâm nghiệp, làm tăng diện tích rừng phòng hộ cho sản xuất nông nghiệp… Một trong những giải pháp chống hạn hữu hiệu được thực hiện ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong là sử dụng chất polyme (AMS- 1) để tích nước trồng rừng phi lao trên đồi cát bay.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong đã triển khai sử dụng chất polyme cho cây trồng lâm nghiệp trong điều kiện không cần tưới nước bổ sung. Phương pháp sử dụng chất polyme để trồng rừng phi lao đã mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ sống của cây phi lao có sử dụng hợp chất polyme cao hơn so với rừng trồng không sử dụng chất polyme, nhờ vậy nên tỷ lệ sống của rừng trồng được tăng lên.
Việc sử dụng chất polyme cũng đã đem lại nhiều lợi ích như: làm giảm hơn 98% tỷ lệ chết của thực vật, giảm 80% công sức chăm sóc thực vật, bên cạnh đó, Polyme còn có khả năng cải thiện cấu trúc, tính chất của đất và thêm nhiều ứng dụng khác…
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong: AMS-1 là chất có khả năng phân huỷ sinh học, không gây hại đến môi trường, có thể phát huy tác dụng trữ nước trong 2 năm và phân huỷ sau khoảng 3-4 năm. Loại vật liệu này khi gặp nước có thể nở ra gấp 400 lần, giúp giữ ẩm cho những vùng đất khô hạn, đất cát hoặc trên đồi núi, những vùng không có khả năng giữ nước.
Với các biện pháp kỹ thuật hữu hiệu trong việc trồng rừng chống cát bay, Bình Thuận hoàn toàn có khả năng trồng rừng ở vùng hạn, cải tạo môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân vùng khô hạn. Nhờ những dự án trồng rừng, Bình Thuận đã có được diện tích rừng phi lao trên 300 ha dọc theo vùng đất cát ven biển, giúp hạn chế phần nào tốc độ sa mạc hóa.