Kinh hoàng… hạn

Các địa bàn được mệnh danh là "rốn lũ" hay "túi nước" ở miền Trung – Tây Nguyên nay đang phải gồng mình chống chịu đợt hạn hán nghiêm trọng. Đang trong mùa mưa, nhưng huyện Ea Súp- nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của Đắk Lắk lại phải gồng mình hứng chịu cơn đại hạn quái ác nhất từ trước đến nay. Hay như Quảng Bình và Quảng Trị, người dân cũng đang phải hứng chịu cảnh khô khát và thiếu nước trầm trọng.

Rốn lũ khát giữa mùa mưa

Chúng tôi vượt hơn 100km đường mòn vào xã Ea Rốk, một trong những vùng đang phải hứng chịu cơn đại hạn trái mùa ở Tây Nguyên. Lão nông Phan Văn Hài, thôn 5, xã Ea Rốk cúi xuống đưa bàn tay chai sần bứt một nắm lúa cháy khô vàng rồi xoè ra cho tôi xem, giọng tắc nghẹn: “Chú xem, lúa mà như vậy thì giờ trời có mưa nước thần xuống cũng không cứu nổi”.

Ông Hài cho biết, năm nay cha con ông tiếp tục đầu tư vào 8ha lúa cạn để vớt vát lại vụ thu đông năm ngoái bị lũ cuốn trôi. Ông đã đổ vào 8ha lúa hơn 40 triệu đồng tiền phân bón, giống má. Nếu như vụ hè thu năm ngoái, ông có thể thu hoạch hơn 30 tấn lúa thì năm nay coi như mất trắng. “Giờ cũng chỉ mong sao vớt vát được vài tấn lúa giống đã đổ ra để còn có cái mà ăn”- ông Hài nói. Một phần diện tích lúa đã ngậm đòng nhưng gặp đại hạn nên ông Hài đã cày bỏ để chuyển sang trồng đậu xanh khi có mưa xuống. Nhưng đây lại là “canh bạc” với trời mà thắng thua chưa biết thế nào, bởi chỉ cần mưa lũ ập đến sẽ cướp trắng tất cả.

Anh Lương Huấn Trúc, cán bộ địa chính– nông nghiệp xã Ea Rốk dẫn tôi băng qua những cánh đồng lúa cạn trải dài một màu vàng ệch đến nhức mắt dưới cái nắng oi nồng mà như lời anh là cái nắng tai quái chưa từng xảy ra ở Ea Súp. Cây lúa cạn và các loại hoa màu như đậu xanh, bắp lai…lá cứ héo rũ. Một vài số liệu nhanh mà tôi thu lượm được: Gần 500ha lúa cạn mất trắng, cây bắp lai giảm hơn 50% năng suất, cây đậu xanh chỉ đạt năng suất bình quân 8-9 tạ/ha, trong đó có hàng trăm ha đã chết khô…Nhưng chắc chắn thiệt hại còn lớn hơn thế.

Tại xã Ia R’wê, ông Lê Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã đang như ngồi trên đống lửa. Cây trồng trọng điểm của xã là điều cao sản với hơn 6.000ha đã vào thời kỳ kinh doanh nhưng không cho trái, trong khi nguồn sống của nhân dân trong xã dựa vào cây lúa cạn và các loại hoa màu trồng xen dưới tán điều. Khi thấy lúa bị cháy, nông dân cày bỏ và gieo đậu xanh, nhưng cây đậu vừa nhú lá, gặp hạn hán nên ngọn khô queo lại, không thể sinh trưởng. Hiện dân ở Ia R’wê phải đổ xô vào rừng kiếm kế mưu sinh.

Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Ea Súp cho biết: “Thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay toàn huyện có ít nhất hơn 3.000ha lúa cạn gần như bị mất trắng, hơn 1.000ha bắp lai mất trắng hoặc cho năng suất cực thấp, 200ha đậu xanh chết khô…Cơn đại hạn hoành hành dữ dội trên một vùng rộng lớn của huyện, gồm các xã: Ea Rốk, Ia Rwê, Ia Lốp, Ia J’lơi, Cư Bang…”.

Cũng theo ông Toản, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cơn đại hạn kỳ quái như vậy: hạn giữa mùa mưa. Hơn thế, Ea Súp vốn là vùng rốn lũ của Đăklăk. Trời không mưa, nguồn nước chống hạn từ thuỷ lợi lại không có, vì vậy việc chống hạn ở Ea Súp đang là vô kế khả thi. Kế hoạch đạt hơn 70.000 tấn lương thực của Ea Súp trong vụ xuân hè này coi như đổ bể.

Hiện huyện Ea Súp có 2 công trình thuỷ lợi lớn là Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ, nhưng diện tích lúa, hoa màu được 2 công trình này tưới chỉ khoảng 1.700ha. Ea Súp Thượng đang là công trình thuỷ lợi lớn nhất của Đăklăk cho đến thời điểm hiện nay với năng lực tưới theo thiết kế hơn 9.000ha. Nhưng cho dù đã thực hiện tích nước được 4 năm thì nó vẫn chưa phát huy được tác dụng bao nhiêu vì hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh. Thậm chí theo ông Toản, dù có hoàn chỉnh hệ thống kênh mương thì Ea Súp Thượng cũng chỉ đảm bảo nước tưới cho nhiều nhất là 5.000 ha lúa, tức là bằng nửa công suất thiết kế. Ngay như ở Ea Rốk, dự án thuỷ lợi Ea Khanh đã được “thai nghén” từ lâu, nhưng cho đến nay nó vẫn nằm trên giấy.

 
Người dân Quảng Bình đang phải đối mặt với nạn thiếu nước.

Quảng Bình: Lâm Thuỷ khô khát…

Chúng tôi đã đến Lâm Thuỷ, một xã miền núi rẻo cao đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) nhiều lần, đã từng cùng các thầy, cô giáo vượt qua hàng chục con suối trong mùa mưa lũ đến các bản làng xa xôi nhất của xã. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi lại phải chứng kiến một cảnh ngược lại: thiếu nước…

“Hầu hết các con suối đều đã cạn nước…”- đó là khẳng định của ông Hoàng Khăn, Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Thuỷ khi nói chuyện với chúng tôi. Bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Lâm Thuỷ lâu nay sử dụng nước sinh hoạt bằng cách dùng ống dẫn nước từ thượng nguồn các con suối trên địa bàn. Khoảng cách từ địa điểm mà người dân đắp đập, đặt ống dẫn nước đến trung tâm các bản xa đến vài cây số. Năm nay, mặc dầu thời tiết có phần đỡ khắc nghiệt hơn so với mọi năm nhưng nước ở các con suối hầu hết đã cạn. Có đến hàng chục điểm đặt ống dẫn nước tại các bản đều không có nước hoặc chỉ rỉ rả chảy .

Đã từ nhiều năm nay, vào mùa khô hàng năm, bà con dân bản ở đây phải thực hiện những chuyến hành trình dài gần 1km gánh nước từ khe Mạ về phục vụ sinh hoạt. “Đói cơm không bằng khát nước” cũng là nỗi bức xúc của Hoàng Lúa, Trưởng bản Mới. “Bây giờ, thay vì mua sắm những thùng lớn để chứa nước sinh hoạt, chúng tôi phải mua những xô, chậu, can nhựa nhỏ hơn để có thể vừa dùng chứa nước vừa dùng để gánh nước. Trước đây, dân bản mình có một số gia đình đói cơm, nhưng vẫn chịu đựng được. Bây giờ, không có nước, dân bản không chịu được khát.

Quảng Trị: Túi nước bị khô

 
Quảng Trị mùa khô hạn.

Nếu ở Hà Tĩnh có Kỳ Anh là “chảo lửa túi mưa” thì ở khu vực Bắc Trung bộ có tỉnh Quảng Trị chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập.

Nhất là vào mùa mưa thì Quảng Trị biến thành một túi nước khổng lồ vì đồng đất ở đây thấp hơn mực nước biển đến 2m nên hứng hết nước từ thượng nguồn chảy về. Tuy nhiên năm nay túi nước hình như bị… thủng, nước đi đâu hết. Chính vì thế, Quảng Trị đang phải gồng mình chống hạn. Theo thống kê chưa đầy đủ tỉnh này đang có trên 6.200ha lúa bị thiếu nước, trong đó bị hạn nặng tới gần 6.000ha.

Đi dọc theo QL 1A, rẽ về các xã ven biển, nhất là Đông Hải Lăng, Đông Gio Linh, dọc theo tuyến thuỷ lợi Nam Thạch Hãn nhìn cây lúa chỉ thấy một màu vàng úa, nhiều cánh đồng hạn trắng nứt nẻ, cây lúa quăn cháy trơ đất, nhiều máy bơm há hốc vòi nằm đó không hoạt động được vì kênh mương hết nước.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Phó Chủ nhiệm HTX Đa Nghi (xã Hải Ba, Hải Lăng) chỉ những ruộng lúa nứt nẻ cho biết, hạn đã làm cháy trên 40ha lúa ở các đồng Ve Ve, Chạc Cày, Bàu… Cận kề là HTX Hợi Yên (Hải Quế) gieo cấy được 92ha thì cả 92ha bị hạn, trong đó diện tích hạn nặng, cháy lúa là 58ha…

Ngược theo Thánh địa La Vang lên đầu mối công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn hồ cũng cạn kiệt, đập phơi mình dưới nắng, lượng nước tháo chảy cố gắng tối đa cũng chỉ đạt 6/30m3/s so với bình thường trong khi đó đập xả thuỷ điện Rào Quả lại hư van không xả được nước nên đã hạn càng hạn thêm. Diện tích lúa dọc tuyến thuỷ nông Nam Thạch Hãn từ Cam Lộ qua Triệu Phong về Hải Lăng…hầu như khô hạn vì không có nước tưới.