“Chuyến đi thăm, làm việc của đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tới Singapore để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác quản lý đô thị và đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa rất thiết thực trong công tác điều hành, quản lý ở TP.HCM. Do vậy, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu tham khảo, để rút ra kinh nghiệm cho mình” – đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh sau khi cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy TP.HCM nghe báo cáo kết quả chuyến đi công tác của đoàn đại biểu TP.HCM tới Singapore từ ngày 8 đến 17/06.
Kỳ 1: Vì lợi ích cộng đồng
“Sống – làm việc – vui chơi”
Bài học đầu tiên mà đoàn TP.HCM rút ra: Singapore có được cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường” như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm – năm 1971 – và được thực hiện cho đến nay. Gọi là quy hoạch tổng thể nhưng thực tế đã được chi tiết hóa tại từng dự án thông qua thiết kế đô thị bằng mô hình (mô tả về kiến trúc, tầng cao, màu sắc công trình, đường sá, đường vành đai, đường sắt, công trình an sinh xã hội…).
Cá biệt mới có dự án được điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của nhà đầu tư nhưng với điều kiện phải bảo đảm kết nối hạ
tầng theo quy hoạch chung và được cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ xét duyệt chặt chẽ. Công trình gần sông, hồ, biển, công viên, quảng trường đều thấp tầng, công trình ở xa thì cao tầng, làm cho các công trình đều thấy được cảnh quan sông nước và không gian rộng lớn.
Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 – 10 tầng) và thấp tầng (1 – 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ). Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) do nhà nước đầu tư.
Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch, nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh xung quanh các khu công nghiệp theo phương châm “sống – làm việc – vui chơi”. Mục đích là để giảm chi phí đi lại, tiết kiệm trong sinh hoạt và giải quyết lao động tại chỗ.
Thu hồi đất – kiên quyết
Tại Singapore, đất đai được phân ra 2 sở hữu (nhà nước và tư nhân), trong đó đất sở hữu nhà nước chiếm 98%. Tùy theo từng dự án, từng loại đất và quy hoạch thì nhà đầu tư được thuê thời hạn 20, 30, 50 và 99 năm. Hết thời hạn, người thuê đất phải tháo dỡ công trình, trả lại đất cho nhà nước vô điều kiện.
Trong trường hợp còn thời hạn thuê mà nhà nước thu hồi thì hai bên thương lượng giá bồi thường, nếu vẫn không thương lượng được thì đưa ra tòa án hoặc khiếu nại đến chính phủ. Nếu phán quyết cuối cùng cũng không thành thì nhà nước cưỡng chế thu hồi đất.
Về phương pháp xác định giá đất, Singapore cũng thực hiện như ở Việt Nam là sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp tính giá trị thặng dư của nhà đầu tư. Thế nhưng, trường hợp đất và tài sản thuộc sở hữu nhà nước đưa ra đấu giá thì Singapore thực hiện theo quy trình: Nhà nước định giá và người tham gia đấu giá (hoặc nhà đầu tư) cũng đưa ra giá của mình (thông tin giá được bảo mật).
Khi công bố giá, giá nhà đầu tư nào cao hơn 85% giá nhà nước đưa ra thì nằm trong khung trúng giá và giá nhà đầu tư nào bỏ cao nhất thì trúng đấu giá (khác với Việt Nam là nhà nước định giá rồi công bố giá và tiến hành đấu giá).
Trường hợp sau thời điểm chỉ định thầu hoặc trúng đấu giá và khu đất điều chỉnh quy hoạch làm tăng hệ số sử dụng đất (hoặc có những thông tin làm tăng lợi nhuận đối với khu đất) thì nhà nước tiến hành điều chỉnh thu thêm 70% của lợi nhuận phát sinh và nhà đầu tư hưởng 30% của lợi nhuận phát sinh.
Nhà ở xã hội – tổ ấm của đa số người dân
Về chính sách bố trí thuê, mua căn hộ tái định cư đối với các hộ thuộc dự án do nhà nước đứng ra thu hồi đất thì hộ dân được ưu tiên mua ngay căn hộ tốt nhất (căn đầu hồi, vị trí đẹp…). Nếu giá căn hộ cao hơn giá nhận bồi thường thì nhà nước bù lỗ thông qua chính sách hỗ trợ thêm cho người dân bị thu hồi đất.
Ngay từ khi triển khai thực hiện quy hoạch chung phát triển Singapore (1960 – 1970), nhà nước đã có hàng loạt chương trình tuyên truyền cho người dân thực hiện nếp sống văn minh tại các khu chung cư cao tầng, có phân tích những mặt thuận lợi khi ở nhà cao tầng, từ đó tạo dần thói quen cho người dân sống trong chung cư cao tầng cho tới ngày nay.
Mỗi khu phố có nhiều cao ốc với 1.200 – 2.800 hộ dân; giá trả góp nhà hàng tháng bằng 20% thu nhập, người có thu nhập thấp tại Singapore hiện nay vào khoảng 8.000 đô Sin/tháng.
Các hộ và các công trình phụ dẫn đến căn hộ được thiết kế phục vụ rộng rãi cho mọi người dân, kể cả người già, tàn tật. Các khu phố được kết nối với các khu trung tâm tài chính, trung tâm TP qua hệ thống các trục đường chính, các tuyến xe điện, tàu điện ngầm.
Chương trình nhà ở xã hội được nhà nước tài trợ 100% vốn đầu tư và nhà nước là chủ đầu tư, không có nhà đầu tư là tư nhân. Mỗi người dân chỉ được sở hữu một căn hộ từ quỹ nhà ở xã hội do nhà nước quản lý. Trường hợp có nhà ở xã hội rồi mà muốn có thêm nhà tư nhân thì phải bán căn nhà xã hội cho nhà nước để giải quyết cho người khác.
Ngược lại, đã có nhà tư nhân mà muốn mua nhà xã hội thì phải chờ 30 tháng trở lên mới được xét (theo giải thích của nhà chức trách là để chống đầu cơ). Nhà ở xã hội chỉ giải quyết cho người có quốc tịch Singapore chứ không cho người nước ngoài.
Nhà ở xã hội sau khi bán, nhà nước vẫn tiếp tục quản lý, bởi đất xây dựng chung cư và công trình phụ (lối đi chung, công viên, cầu thang bộ, cầu thang máy và các công trình tiện ích khác) vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
Nhà nước phát triển nhà ở xã hội theo khuynh hướng không kinh doanh. Singapore hiện có khoảng 3,58 triệu trong tổng số 4,6 triệu dân sử dụng nhà xã hội do nhà nước xây dựng.
“Thành phố vườn”
Singapore hiện có 300 công viên với 9.000 ha và được trồng hầu hết các loại cây nhiệt đới, bán nhiệt đới. Ý tưởng phát triển Singapore thành “thành phố vườn” được hình thành từ những năm 1960, gắn với ý tưởng quy hoạch chung phát triển Singapore theo định hướng trở thành TP sạch với phương châm “Singapore là vườn cây của chúng ta”.
Từ những năm 1980 trở lại đây, Singapore trồng cây ăn trái và các loại cây quý hiếm; tạo những hầm cây; tiến hành quy hoạch thay thế cây tạp; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát cây xanh bằng công nghệ thông tin để phát hiện các cây bệnh và theo dõi tuổi đời của cây…
Singapore phấn đấu đến năm 2015 kết nối các công viên bằng các con đường trong công viên, kết hợp trồng cây xanh trên các tòa nhà (công viên trên nóc). Từng đường phố có sự thiết kế từng chủng loại cây, có chiều cao được khống chế và cắt tỉa tạo dáng phù hợp. Trong các công viên, cây được tạo thành rừng cây tự nhiên. Kinh phí bảo dưỡng cây xanh mỗi năm ở Singapore vào khoảng 100 triệu đô Sing.