“Vua ếch” thương binh

Ở chiến trường về, người thương binh hạng 4/4 Lê Hồng Sơn đã đi tiên phong trong việc làm giàu nhờ nuôi ếch ở quê hương. Người dân trong thôn trìu mến gọi ông bằng cái tên: “vua ếch”.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người thương binh hạng 4/4 Lê Hồng Sơn trong một buổi chiều đầy mây và trời như muốn trút cơn mưa sau những ngày hạ nắng nóng oi ả. Ngôi nhà ấy nằm trong một ngõ nhỏ ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, thế nhưng khi hỏi những người dân quanh vùng thì không ai là không biết đến…

Tôi đã trò chuyện với rất nhiều người từng là lính, tôi nhận thấy ở họ một điểm chung là sự lạc quan, vui vẻ. Trước khi đến tìm người thương binh mang thương tật 31% này, tôi cũng đã hình dung ông như vậy. Và quả thật, ông đúng như trong tưởng tượng của tôi.

Ông tiếp đón, trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở, chân tình, thỉnh thoảng ông còn xen vào câu chuyện nhiều điều thú vị khác. Ông nói nhiều cho chúng tôi một cách hăng say về tất cả những gì liên quan đến ếch, nhưng khi chúng tôi hỏi về cuộc đời ông thì ông lại cười xòa và nói qua quýt.

Sinh năm 1950 trong một gia đình thuần nông, tháng 4 năm 1970 thì đi bộ đội, trở thành bác sỹ Quân y, đến năm 1983 khi đất nước đã hòa bình, ông trở về quê hương và lại tiếp tục với công việc của một người nông dân. Vỏn vẹn chừng đấy là điều ông nói về mình. Và hầu hết quỹ thời gian còn lại của cuộc trò chuyện ông dành hết cho ếch.

Ông kể lại, ông đã nuôi cá và nuôi tôm càng xanh nhưng nhận thấy hiệu quả của chúng không cao. Vừa khó nuôi lại có ít thị trường tiêu thụ. Năm 2005, ông bắt đầu chuyển sang nuôi ếch với số vốn vay ban đầu nhỏ, dần dần mỗi năm ông vay thêm một ít vốn nữa để mở rộng diện tích, đến nay cơ ngơi của ông là 1 hécta ếch với khoảng 10 tấn ếch vừa thu mua vừa sản xuất; 30-40 vạn ếch con và hơn 2.000 đôi ếch bố mẹ.

Ông nói về ếch như một người bạn tri âm với một niềm đam mê mạnh mẽ: “Ếch là một loại thủy sản dễ nuôi, thức ăn chủ yếu trong tự nhiên là cua, châu chấu, trùn… và trong nuôi công nghiệp là cám dạng viên”. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chăn nuôi ếch cũng đều thuận lợi mà nó còn không ít khó khăn. Nếu không cẩn thận người nông dân sẽ đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Khó khăn nhất phải kể đến việc ếch thường xuyên mắc một số bệnh như mù mắt, động kinh, nấm bàn chân, ghẻ lở, sình bụng… Khi mắc phải những chứng bệnh này thì rất khó chữa, hiện nay vẫn chỉ biết phòng bệnh nhờ giữ gìn vệ sinh môi trường sống của chúng là chủ yếu. Phải thường xuyên thay nước cho ếch. Việc thay nước này cũng không hề đơn giản chút nào.

Ông Sơn còn so sánh việc thay nước phải có nhịp điệu như là âm nhạc vậy. Một tháng phải thay nước 2 lần với tỉ lệ 1/3 nước cũ và 2/3 nước mới, và phải rắc thuốc, muối ăn xuống để khử độc.Việc nuôi ếch nghe thì có vẻ dễ nhưng không phải hộ nuôi nào cũng thành công.

 
Mô hình nuôi ếch khép kín của ông Sơn.

Theo ông Sơn thì nuôi ếch cần đến 3 yếu tố là: vốn, đất đai và khoa học. Ông Sơn đã rất sáng tạo ở chỗ biết xây dựng mô hình nuôi ếch khép kín với 3 tầng nước. Tầng trên là ếch, tầng giữa là vô số các loại cá như cá rô phi, cá chép… và tầng dưới cùng là cua, ốc nhằm tận dụng thức ăn thừa của ếch.

Không chỉ chăn nuôi ếch, gia đình ông Sơn còn kết hợp trồng thêm các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, khế, đu đủ… và chăn nuôi gà.

Chị Thủy – con gái ông Sơn vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại vừa tâm sự: “Từ ngày nuôi ếch, cuộc sống gia đình khá giả hơn rất nhiều. Còn đàn gà này, nhà nuôi vừa là để cải thiện đời sống vừa là để lo cho đám cưới sắp tới của cậu út”, vừa nói chị vừa chỉ vào đàn gà đang ăn ở gần đó cho chúng tôi thấy.

Được biết, ông bà Sơn có 3 người con, chị Thủy là con gái duy nhất nhưng không may bị nhiễm chất độc da cam, chỉ ở nhà giúp đỡ bố mẹ, còn 2 người con trai đều tốt nghiệp đại học.

Nhìn các con của ông bà ngoan ngoãn, lễ phép với cha mẹ, chúng tôi thấy vô cùng khâm phục vợ chồng ông, từ hai bàn tay trắng làm nên cơ ngơi đồ sộ, ngôi nhà 2 tầng khang trang đang xây dựng sắp hoàn thành, các con ăn học tử tế, hiếu kính với cha mẹ.

Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt, ếch nhà ông Sơn lớn rất nhanh và đều khỏe mạnh, ếch được cung cấp cho hầu hết các tỉnh phía Bắc. Mức giá bình quân là 38.000-40.000đ/kg. Chưa kể vào những ngày trong đông, thời tiết lạnh, ếch khan hiếm, giá ếch vào khoảng 80.000-90.000đ/kg. Mỗi năm gia đình ông cũng thu được khoảng 200 triệu đồng. Do đó ông có thêm vốn tích luỹ đầu tư, mở rộng sản xuất.

Trong thời gian tới, ông còn có dự định sẽ liên kết với những cơ sở khác để xây dựng hợp tác xã thuỷ sản có chất lượng cao.

Khi đã thành đạt từ nghề nuôi ếch, người thương binh Lê Hồng Sơn đã không quên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Không giấu bí quyết làm giàu, ông đã giúp đỡ rất nhiều hộ trong thôn học tập theo mô hình chăn nuôi ếch khép kín của mình.

Những ai mua ếch của ông, ông đều ghi lại tên tuổi và địa chỉ, nếu ai không bán được thì ông sẵn sàng mua lại để tránh xảy ra tình trạng ép giá trên thị trường. Ông còn lập hẳn một đường dây tư vấn cho những người nuôi ếch ở xa.

Không chỉ tư vấn qua điện thoại mà ông còn trực tiếp đến các cơ sở chăn nuôi ếch ở nhiều nơi khác, từ Hải Phòng, Thanh Hóa, rồi Yên Bái… Ông nói việc đi như thế giúp ông học hỏi được rất nhiều điều từ những kinh nghiệm, bài học của những người khác để từ đó rút ra cho mình hướng đi đúng.

Người thương binh Lê Hồng Sơn ấy lại tiếp tục chiến đấu, nhưng là chiến đấu với cuộc sống khó khăn vươn lên làm giàu cho gia đình và góp phần làm giàu cho quê hương đất nước.