Với một tour du lịch ven sông Thu Bồn, bạn sẽ thưởng thức sự kỳ vĩ của một di sản văn hoá thế giới và một làng nghề đã có từ lâu đời. Điểm đến làm tất cả mọi người đều háo hức, đó là Mỹ Sơn – một phế tích kiến trúc còn sót lại của đế chế Chăm Pa được công nhận là di sản văn hoá thế giới từ tháng 12 năm 1999.
Tour “hành trình di sản” từ đô thị cổ Hội An đến thánh địa Mỹ Sơn mà ngành du lịch Quảng Nam thiết kế từ nhiều năm qua, thật tự nhiên, lại là con đường đi dọc dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Dòng sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn trôi qua xứ sở rồi tuôn trào về đại dương bao la qua Cửa Đại này là dòng trầm tích, ẩn chứa trên mình sự phong phú và sâu thẳm những giá trị nhân văn. Những du khách đến từ phương Tây cứ xuýt xoa ngạc nhiên trước những vẻ đẹp dân dã và bình dị của làng quê miền Trung Việt Nam trên suốt hành trình ngược về phía đầu nguồn.
Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn nằm giữa rừng già Duy Xuyên. Trải dài suốt thung lũng trên một không gian rộng lớn là một quần thể đền tháp Ấn Độ giáo lớn nhất, đặc trưng nhất của nghệ thuật Chăm Pa, có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Nhiều du khách quốc tế tỏ ra vô cùng thích thú và ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ vĩ và bí ẩn của khu thánh địa. Quả như vậy, người Chăm cổ ở Việt Nam đã được tôn là bậc thầy của nghệ thuật xây gạch. Không hề dùng đến các chất kết dính thông thường, các viên gạch xây như chỉ được mài khít, chồng xếp nhưng liền khối vững chắc. Giá trị của các di tích ở Mỹ Sơn còn được thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc, chạm nổi trên gạch, trên đá với những hình ảnh sống động về các vị thần trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, các tu sĩ, vũ nữ, hoa lá, muông thú và các vật tế lễ…
Chú bé “nghệ nhân” làng mộc Kim Bồng. |
Chặng đường về của chúng tôi được người hướng dẫn chọn phương tiện du thuyền trên sông Thu Bồn. Xuống bến ở một làng quê thuần Việt với những lối mòn ngoắt ngoéo dẫn ra bờ sông và luỹ tre ken dày ngút ngàn lá rơi dày mặt nước. Trưa nắng lấp loá như mát lại bởi những nương ngô xanh ngát phù sa, bởi mái chèo của những ngư dân khoan thai đẩy đưa mặt nước, những đám trẻ hồn nhiên giỡn sóng và những ngôi làng bình yên trải dài hai phía bờ sông. Làng mộc Kim Bồng đón khách trong tiếng cưa xẻ, đục đẽo rộn ràng.
Làng cổ này đã có lịch sử từ thế kỷ 15 trong một cuộc di dân thuở tổ tiên của họ “hành phương Nam” chinh phạt. Nghề xưa trên đất Bắc đã phát huy ở vùng lập cư mới này và những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã trở thành vốn quý của triều đình nhà Nguyễn trong quá trình kiến thiết cung đình và mở mang các vùng dân cư. Nhiều đình chùa, miếu mạo, nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị ở khắp các vùng quê của khúc ruột miền Trung đã in dấu bàn tay tài hoa trên thớ gỗ của những người thợ của làng quê bên dòng Thu Bồn.
Nghệ nhân Huỳnh Ri nói rằng, tổ tiên của ông từ Thanh Hoá đến Quảng Nam từ năm 1462 và đến nay đã có mười hai đời theo nghề thợ mộc. Nhiều du khách không giấu niềm thán phục trước những sản phẩm độc đáo được khắc chạm bằng gỗ mà họ được chứng kiến ở làng mộc Kim Bồng, không ít người đã thích thú lựa chọn một vài món hàng mà họ muốn mang về nhà để làm kỷ niệm sau chuyến đi đến xứ sở của những “vẻ đẹp tiềm ẩn” này.
Một ngày rong ruổi trên dòng Thu Bồn, nơi sản sinh câu dân ca dễ thương Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa ngấm đã say đã cho du khách tràn ngập trong nhiều trạng thái, sắc thái cảm xúc. Hành trang của mọi người như giàu có thêm từ bữa tiệc thị giác và cảm nhận. Thuyền cập bến khi trên bờ, những dãy đèn lồng đã sáng lên sắc màu huyền ảo và những mái ngói rêu phong cổ kính soi bóng lung linh xuống dòng Hoài Giang. Bữa tiệc buffet trên thảm cỏ xanh giữa lòng phố cổ là nơi mọi người chia sẻ cùng nhau những xúc cảm sau một ngày dạo gót trên xứ Quảng đa sắc, đa tình.