Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina năm nay thời tiết 2 miền Nam, Bắc đều mưa nhiều, đây là yếu tố thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết( SXH) phát triển. Bên cạnh đó thì ý thức phòng bệnh của người dân còn kém, phòng chống SXH đang bị loại bỏ khỏi các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng nếu không có những biện pháp tích cực thì dịch SXH năm nay có nguy cơ bùng phát dữ dội.
Bệnh dịch đang gia tăng hằng ngày
Theo điều tra, giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ước tính đến hết tháng 7 tổng số mắc SXH trên cả nước khoảng 20.000 ca bệnh. Cụ thể: Miền Trung có hơn 2.500 ca, Tây Nguyên là dưới 100 ca, miền Bắc hơn 200 ca, chủ yếu bệnh vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam với số người mắc trên 16.000 trường hợp, 20 ca tử vong cũng xảy ra ở khu vực này.
PGS.TS. Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TW cho biết, những năm gần đây, đỉnh của dịch SXH xảy ra mạnh vào các năm 1998, 2004. Năm 2007 là một đỉnh nhỏ với hơn 100.000 ca bệnh. Những diễn biến về số người mắc và tử vong hiện nay đang nóng lên hằng ngày, dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp, con số cập nhật về số người mắc từ các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh ngày hôm sau luôn cao hơn ngày hôm trước. Vấn đề này được các nhà chuyên môn đánh giá dịch SXH hiện đang ẩn chứa nguy cơ bùng phát vô cùng nghiêm trọng.
Ở các tỉnh phía Nam, dịch sốt xuất huyết năm nay xuất hiện sớm và liên tục tăng cao. Đối tượng mắc chủ yếu vẫn là trẻ em dưới 15 tuổi. Tuy nhiên số người trưởng thành mắc bệnh đang có dấu hiệu tăng dần. Tỷ lệ chết/mắc là 20/20.000 được đánh giá là một thành công của y tế dự phòng và điều trị, do phát hiện các ca bệnh sớm, công tác điều trị không chỉ tập trung ở các bệnh viện trung tâm như Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 mà đã có phác đồ điều trị tận các bệnh viện tuyến huyện.
Ở các tỉnh miền Bắc, không phải là trung tâm của dịch SHX nhưng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 200 ca bệnh. Tuy đã 3 năm nay không xảy ra ca tử vong nào do SXH nhưng bệnh lại tập trung chủ yếu ở Hà Nội với số mắc khoảng 150 ca, tỉ lệ SXH của Hà Nội những năm gần đây luôn chiếm từ 70-80% số ca bệnh của cả vùng. Đối tượng chủ yếu mắc là người lao động, học sinh – sinh viên tại các khu nhà trọ tạm bợ, vệ sinh kém. PGS. Đính cho rằng sở dĩ Hà Nội xảy ra tình trạng này là do tốc độ tăng dân số cơ học cao (lượng di chuyển dân số từ lượng học sinh – sinh viên, người lao động từ các vùng khác đến chưa tạo được miễn dịch với bệnh), tốc độ đô thị hóa gấp gáp ở các vùng ven đô quá nhanh so với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
Ý thức phòng bệnh rất kém
Mặc dù dịch bệnh cứ “đến hẹn lại lên” nhưng theo ông Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường (Bộ y tế) thì ý thức người dân với dịch bệnh vẫn không được cải thiện. Ông Nga cho biết, tình trạng nước mưa đọng lại quanh nhà trong các gáo dừa, bát sứt, lốp xe hỏng có ở khắp mọi nơi, đặc biệt là phía Nam, ở đây có những nhà dân chứa tới vài chục hay tới cả trăm vại nước mưa. Hơn nữa hiện tượng thời tiết La nina làm mùa mưa tới sớm và nhiều hơn mọi năm. Đây chính là môi trường thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sôi mạnh. Ông Nga còn nhấn mạnh ý thức chủ quan của người dân miền Nam đối với SXH chẳng khác gì ý thức của người dân Bắc về ăn uống vệ sinh phòng bệnh tiêu chảy cấp.
Đối với người dân miền Bắc, kết quả không có ca tử vong mấy năm qua làm cho họ chủ quan lơ là với dịch bệnh sốt xuất huyết, coi đó là “chuyện của người miền Nam”. Do vậy nếu dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, ồ ạt hơn thì khó phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Nếu không có chương trình phòng chống SXH quốc gia?
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với quá nhiều các loại dịch bệnh. Theo ông Đính, ngành y tế dự phòng đang phải “xé nhỏ” lực lượng của chính mình để đối phó với từng loại bệnh: ở miền Bắc là tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, ở miền Nam là sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng… không kể đến các bệnh dịch khác vẫn lẻ tẻ nổi lên và lưu hành thường xuyên. Chính vì vậy mà sự chú ý của cộng đồng, các phương tiện truyền thông và đặc biệt của chính các cấp chính quyền đối với phòng chống SXH cũng bị giảm sút.
Mặc dù lực lượng cán bộ y tế dự phòng còn thiếu và yếu nhưng với riêng những chương trình như phòng chống SXH, y tế dự phòng đã gây dựng được một bản đồ hoạt động có quy mô từ trước đến nay, thiết lập được một hệ thống giám sát bệnh từ tuyến thôn, ấp vì thế dịch bệnh mới được khống chế và giảm dần số ca tử vong vì SXH. Có được điều này là nhờ SXH được đưa vào Chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Nhưng từ cuối năm 2007 đến nay, SXH bị đưa ra khỏi các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia, làm cho hoạt động phòng chống SXH không có kinh phí từ Trung ương, các tỉnh hoạt động cầm chừng tùy theo nguồn kinh phí lúc có, lúc không của địa phương. Lực lượng cộng tác viên phòng chống SXH rơi vào tình trạng bị động khiến hiệu quả phòng chống SXH đang giảm nhanh chóng, công tác tuyên truyền bị buông lỏng, công tác vệ sinh môi trường quanh nơi ở bị lãng quên.
Dự kiến tháng 08/2008, Bộ y tế sẽ tổ chức một hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh để đánh giá hiện trạng của hoạt động phòng chống SXH hiện nay. Với kinh phí quá ít ỏi và nhân lực quá mỏng của mình, ý thức của cộng đồng với dịch bệnh còn quá kém thì ngành y tế không đủ sức duy trì nổi kết quả bấy lâu của phòng chống SXH, chưa nói gì đến kết quả tốt hơn.
Thực trạng của SXH hiện nay ẩn chứa trong nó đầy đủ các yếu tố có thể xảy ra một trận dịch lớn được các nhà chuyên môn ví như một cơn cuồng phong. Hậu quả sẽ không lường hết được khi hoạt động phòng chống SXH bị đưa ra khỏi Chương trình mục tiêu y tế quốc gia.