Ngày 25/07, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường (C36), Bộ Công An, đã nhận được báo cáo ban đầu về vụ việc những container đang bị niêm phong ở cảng ICD Phước Long 1 (quận 9, TP.HCM).
Ngày 18/03/2008, Công ty Megastar (trụ sở tại xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar (có trụ sở tại Hà Nội) ký hợp đồng mua của Công ty Smorgon Hartwell Recycling ở Hồng Kông (nhưng theo hồ sơ, thực tế số hàng này có nguồn gốc xuất xứ từ Auckland – New Zealand) 2.500 tấn thép phế liệu đã qua nấu luyện và 1.000 tấn thép phế liệu được đóng thành khối, với giá 570 USD.tấn và tổng giá trị hợp đồng gần 2 triệu USD.
Ngày 26/06, Công ty Megastar có văn bản số 2606 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hưng Yên với số lượng hàng thì được “ép” lại còn 1.128 tấn với 11 vận đơn.
Trước đó, ngày 01/05/2008, toàn bộ lô hàng nói trên chứa tổng cộng trong 56 container về đến Việt Nam và đưa vào các cảng ở TP.HCM. Theo đó, 7 container được đưa về cảng IDC Phước Long 1, 10 container được đưa về cảng VIC; 39 container cảng Cát Lái và Tân Cảng.
Tuy nhiên những gì mà phía Công ty Megastar thể hiện trong các tờ khai tại hải quan (ngày 02/07/2008) thì hoàn toàn khác với “tinh thần” thông báo của Công văn 2606. Nghĩa là thay vì ghi đúng “thép phế liệu đã qua nấu luyện” thì trên các tờ khai chỉ được thể hiện 3 chữ: “thép phế liệu”.
Suốt quá trình theo dõi, PC36 phát hiện hàng đã về cập cảng nên cử tổ điều tra xuống cảng Phước Long 1 phối hợp cùng với Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 và cả khu vực 1 (quản lý khu vực cảng Tân Cảng) tiến hành kiểm tra.
Cơ quan chức năng phát hiện sự thật ở 2 container tại cảng IDC Phước Long và 1 container tại cảng Tân Cảng là thép phế liệu dạng thanh, cây, phụ tùng, máy móc, hộp số đã qua sử dụng có dính dầu nhớt tạp chất…
Số phế liệu này chưa được phân loại, làm sạch và được xem là vi phạm Luật Môi trường. Sau đó, PC36 phối hợp với phía hải quan và đại diện Sở TN&MT TP.HCM tiếp tục kiểm tra 5 container còn lại ở cảng Phước Long cũng cho thấy kết quả tương tự. Có đến 6.815 tấn phế liệu được xem là không còn giá trị sử dụng, chứa tạp chất (vải, nhựa…) chưa được phân loại…
Được biết, năm 2007, Công ty Megastar từng nhập loại hàng tương tự về cảng Hải Phòng và bị hải quan xử lý, đưa tên doanh nghiệp vào loại “vạch đỏ”, nên doanh nghiệp này đã chọn cách đưa hàng “chui” qua cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM hòng qua mắt cơ quan chức năng.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Đặng Mạnh Liêu, Phó trưởng PC36, Công an TP.HCM cho biết: “Tình hình tội phạm vi phạm Luật Bảo vệ môi trường ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, nhưng công tác xử lý gặp nhiều khó khăn vì mức xử phạt quá nhẹ”.
Phải đến ngày 01/08/2008, khi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này (sửa đổi) có hiệu lực thì mới có thể khắc phục được bởi mức xử phạt cao nhất lên đến 500 triệu đồng.
Mới đây tại TP.HCM, UBND thành phố đã có chỉ đạo cho Sở TN&MT rà soát những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”.