Sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, mỹ nghệ, xây dựng, công nghệ chế biến gỗ… của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực gỗ và lâm sản tại Việt Nam (VN) sẽ được quy tụ trong Hội chợ triển lãm Gỗ và Lâm sản – Viwoofa 2008 vào tháng 11 tới.
Với mục tiêu đem đến cho người tiêu dùng hiểu biết sâu sắc hơn về thế mạnh của các sản phẩn gỗ VN, đẩy mạnh sức tiêu thụ nội địa, hội chợ Viwoofa 2008 do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và UBND thành phố Hà Nội tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 14 – 17/11/2008 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp VN (Số 2 – Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Hội chợ là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của ngành công nghiệp gỗ, lâm sản Việt Nam nhằm mục đích góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển sản xuất thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm hàng hoá tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Đây thực sự là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam với mục đích vì sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ lâm sản Việt Nam./.
Dự kiến có khoảng hơn 300 gian hàng trưng bày các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, mỹ nghệ, xây dựng, công nghệ chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm sản, ngoài gỗ, Ban tổ chức kỳ vọng, đây sẽ là ngày hội của các DN, các hiệp hội làng nghề chế biến gỗ và lâm sản trong nước.
“Ngoài ý nghĩa quảng bá sản phẩm, hội chợ còn là cơ hội biểu dương các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân, làng nghề, DN sản xuất, kinh doanh mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm”, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN cho biết.
Trong những năm gần đây, sản phẩm gỗ đã trở thành một trong 5 mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của VN liên tục tăng cao từ năm 2000 đến nay. Năm 2007, đồ gỗ đứng thứ 5 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất.
Tuy nhiên việc tiêu thụ nội địa các sản phẩm gỗ lại chưa được quan tâm đầy đủ. Sau khi Việt Nam là thành viên của WTO, sản phẩm gỗ của các nước thành viên sẽ tràn vào Việt Nam và được phép kinh doanh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Đây chính là một khó khăn rất lớn mà các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang phải đối mặt.
Nhận định nhu cầu, mức độ tiêu thụ các sản phẩm gỗ trong nước đang có sự tăng trưởng mạnh cùng áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt với các hãng nước ngoài, xu hướng tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa đang được các DN gỗ có tên tuổi trong nước như Trường Thành, Minh Dương, AA nhắm tới.
Để khắc phục tình trạng trên, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng giao lưu, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ cho người tiêu dùng trong nước hiểu biết sâu sắc về thế mạnh của sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay.