Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tại các nước công nghiệp phát triển chỉ có khoảng 15% dân cư thế giới sinh sống, sản xuất ra 74,8% lượng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu của toàn cầu, nhưng sử dụng những 86% hàng hóa, dịch vụ mà cả thế giới cung cấp. Trong khi đó, hằng năm trên thế giới có tới 24 ngàn người bị chết đói hoặc do hậu quả của đói, tập trung tại các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ La-tinh.
“Nghịch lý” muôn đời
Đầu năm nay, khảo sát của Viện Gallup tại 134 quốc gia cho kết quả là 26% dân số thế giới trong độ tuổi lao động (khoảng 1,3 tỉ người) thường xuyên không đủ khả năng nuôi nổi gia đình họ. Trả lời câu hỏi: “Trong 365 ngày qua, có khi nào bạn không đủ tiền để mua sắm lương thực, thực phẩm cho gia đình mình?”, chỉ có 10% người châu Âu thú nhận “có lúc”, cũng gật đầu “có” là 25% người châu Á, còn người Mỹ La-tinh là 29%. Riêng châu Phi, có đến 54% người được hỏi nói rằng họ thường xuyên bị rơi vào tình trạng đau khổ đó.
Hiện tại, 1/3 số người nghèo đói (mức chi tiêu dưới 1 USD/ngày) đang sống ở châu Á. Tình trạng thiếu ăn nổi rõ nhất ở Philippines và Campuchia (lần lượt là 64 và 58% dân số), trong khi đó ở Singapore chỉ có 4%, ở Nhật 6%. Song, tình trạng nghèo đói ở châu Phi là nặng nề nhất. Trong số 33 nước châu Phi được Viện Gallup nghiên cứu, hầu hết người dân ở 18 nước khẳng định họ đang phải cầm cự với cuộc sống đói nghèo.
Chẳng hạn, 79% người Liberia được hỏi đều kêu đói, ở Cộng hòa Trung Phi là 75%, ở Zimbawe là 71%. Chỉ có ba nước Bắc Phi xem ra “dễ thở” hơn là Tunisia (9%), Algeria (12%) và Senegal (22%). Tại Mỹ La-tinh, tình trạng bi quan nhất là tại Haiti: 63% số người được hỏi tự nhận là nghèo đói, kế đó là Nicaragoa (43%) và Dominica (48%). Ba nước trong khu vực này có mức sống tốt hơn cả là Brazil (chỉ có 21% than nghèo), Guyan (23%) và Uruguay (24%).
Theo công bố của tạp chí Forbes, 200 doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2007 sản xuất ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ đạt giá trị 30.000 tỉ USD. Trong khi đó, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa của cả châu Phi (mà một nửa đã thuộc về hai nước Nam Phi và Nigeria) vẫn thua kém giá trị cộng gộp của bốn doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Năm 2007, toàn thế giới có 497 triệu phú (tức là chiếm 0,000008% dân số thế giới), sở hữu lượng tài sản trị giá 3.500 tỉ USD (hơn 7% tổng giá trị sản phẩm hàng hóa của toàn thế giới) trong khi 40% những người nghèo khổ nhất thế giới chỉ được hưởng 5% thu nhập của nền kinh tế toàn cầu.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, hiện có gần 1 tỉ người trên hành tinh này phải sống với mức dưới 1 USD/ngày, khoảng 3 tỉ người khác (gần 1/2 dân số thế giới) sống với mức 2 USD/ngày. Liên Hiệp Quốc dự báo rằng đến năm 2010, dân số thế giới sẽ lên đến 7,5 tỉ người và dù tình thế có tốt lên đến đâu thì vẫn sẽ có khoảng 1 tỉ người sống với mức dưới 1 USD/ngày và 2 tỉ người khác sống với mức 2 USD/ngày! Cứ 4 người nghèo khổ nhất (mức dưới 1 USD/ngày) thì có 3 người sống ở nông thôn, song điều đó không có nghĩa là ở thành thị là ai cũng đỡ khổ.
Những số liệu thống kê trong ba năm gần đây cho thấy có tới 1/3 người dân thành thị (tức là khoảng 1 tỉ người) phải sống trong những căn nhà ổ chuột hoặc nhà ống hết sức chật chội, chưa kể điều kiện an sinh xã hội của họ rất yếu kém. Trong khi đó, ở các nước công nghiệp phát triển, người nào chi tiêu trong một ngày chỉ tốn 50 – 70 USD là đã bị liệt vào loại nghèo, còn nếu bị bệnh mà phải vào bệnh viện thì mức chi tiết kiệm mỗi lần cũng mất 500 USD!
Hiện nay, có khoảng 2,6 tỉ người ở các nước đang phát triển không được hưởng điều kiện khám chữa bệnh tối thiểu, khoảng 1,1 tỉ người chưa được tiếp cận thường xuyên với nguồn nước sạch, mỗi ngày được sử dụng nhiều nhất là 20 lít nước. Trái ngược lại, bình quân mỗi ngày người dân châu Âu dùng tới 150 lít nước, còn người Mỹ tới 600 lít!
Còn theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ, hiện nay, hằng năm có khoảng 26,5 – 30 ngàn trẻ em bị chết vì đói khổ, trong số đó 27 – 28% là trẻ em suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển. Toàn thế giới hiện vẫn có khoảng 72 triệu trẻ em từ sáu đến chín tuổi không được đến trường và tất nhiên hầu hết các em đều là “người chủ tương lai” của những nước nghèo.
Mở đầu thiên niên kỷ mới, người ta thông báo trên thế giới vẫn còn hàng trăm triệu người mù chữ và đến nay con số này chưa giảm đi được bao nhiêu. Theo nhận định của tạp chí New Internationalist, chỉ cần sử dụng 1% chi phí quân sự trên toàn thế giới là đủ để tất cả trẻ em trên thế giới đều được cắp sách đến trường.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có 1,6 tỉ người chưa được sử dụng điện thường xuyên trong đời sống hằng ngày, khoảng 2,5 tỉ người chỉ dùng các nguồn chất đốt có sẵn trong thiên nhiên để nấu ăn, sưởi ấm (80% người dân châu Phi, gần một nửa dân số của Trung Quốc và Ấn Độ). Việc đốt củi gỗ thường xuyên đã khiến không ít người bị các bệnh nặng về hô hấp và bị tử vong (khoảng 1,5 triệu người mỗi năm).
“Giậm chân tại chỗ”
Từ năm 1974, Liên Hiệp Quốc đã hạ quyết tâm trong vòng 10 năm giải quyết được nạn đói trên trái đất. Đến năm 1990, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phải điều chỉnh mục tiêu, chỉ mong đến năm 2015 giảm được một nửa số người thiếu đói trên thế giới. Thế nhưng ngay sau đó, theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế và xã hội học, đến năm 2015, toàn thế giới vẫn có khoảng 800 triệu người thiếu đói, tức là không hề giảm so với năm 1990.
Nếu châu Á có ít nhiều tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo thì tình hình ở châu Phi chưa có gì sáng sủa, đúng hơn là vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo nhận định của Liên Hiệp Quốc, tới nay vẫn có 54 quốc gia không thể tự đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân.
Dù trong ba thập niên gần đây, toàn thế giới đã nâng thêm được 63% sản lượng lúa so với trước đó, tương tự là 31% trái cây, 37% rau và 148% lúa mì nhưng tỷ lệ sinh sản khá cao và sự phân bổ sản phẩm xã hội giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn quá chênh lệch nên bài toán mà Liên Hiệp Quốc tự đặt ra không phải là nan giải nữa, mà sẽ không có lời giải nếu các nước giàu vẫn khư khư ôm lấy quan điểm của họ, còn các nước nghèo thì lại không đủ mạnh để vượt lên trên số phận hẩm hiu của mình.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi 3 năm nay, phong trào trồng cây lương thực để làm nhiên liệu sinh học phát triển, đặc biệt là ở Brazil và Mỹ, đã vậy Mỹ lại vẫn vận dụng các biện pháp trợ giá nông nghiệp khiến giá lương thực thế giới trong thời gian qua tăng cao, tạo nên nguy cơ cả tỉ người có thể bị đe dọa tính mạng vì thiếu đói. Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh lương thực thế giới ngày 04/06/2008, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phải kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và đề ra các giải pháp cả ngắn và dài hạn với tổng chi phí lên đến 15 tỉ USD. Điều đáng buồn là dường như các nước giàu vẫn chưa mạnh mẽ hưởng ứng đề nghị trên.