Sa mạc Sahara sẽ trở thành nhà máy cung cấp điện vĩ đại

Tham vọng này đang là trọng tâm của một dự án xây dựng siêu lưới điện mới trị giá trên 70 nghìn tỉ USD, cho phép các nước châu Âu cùng sử dụng điện từ nguồn không gây hại cho môi trường.

Theo một số nhà khoa học, có thể xây dựng ở sa mạc Sahara một loạt trang trại thu năng lượng mặt trời như là một biện pháp chủ chốt để giảm lượng khí thải cacbonic.

Các tấm thu năng lượng mặt trời sẽ bao trùm lên một diện tích nhỏ hơn xứ Wales (tức dưới 21.000 km2). Ý tưởng này đã được Thủ tướng Anh Gordon Brown và TT Pháp Nicolas Sarkozy ủng hộ.

Theo các nhà khoa học, ánh sáng mặt trời rất mạnh ở vùng sa mạc Bắc Phi này có thể sản xuất một lượng điện nhiều gấp ba lần điện cung cấp bởi các tấm thu năng lượng mặt trời tương tự ở Bắc Âu.

 
Nhà máy lớn nhất dùng mái để thu năng lượng mặt trời hiện đóng tại Munich, Đức. Nó sẽ trở thành nhỏ bé nếu so với dự án mới ở Sahara.

Tại Diễn đàn mở Khoa học Châu Âu ở Barcelona, Tây Ban Nha, ông Arnulf Jaeger Walden thuộc Viện Năng lượng của Uỷ ban Châu Âu nói rằng, các tấm thu năng lượng này chỉ cần hấp thu 0,3% ánh sáng mặt trời trên sa mạc Sahara và các sa mạc Trung Đông cũng đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của châu Âu.

Tháng trước, ý tưởng này đã được thảo luận tại Liên minh Địa Trung Hải vừa mới được hình thành và khai trương tại một hội nghị thượng đỉnh ở Paris.

Điện sẽ được truyền theo các đường dây cáp điện cao thế trực tiếp. Chi phí cho việc xây dựng các đường dây này có thể lên đến 2 tỉ USD mỗi năm và kéo dài đến năm 2050. Lúc đó, các trang trại năng lượng mặt trời có thể sản xuất 100GW điện.

Doug Parr, nhà khoa học chủ chốt của tổ chức Nước Anh Hoà bình xanh, cũng bày tỏ sự ủng hộ dự án này: “Được cho là có hiệu quả về mặt chi phí, mạng lưới năng lượng tái tạo qui mô lớn này hoàn toàn là một kiểu cách tân cần phải có nếu chúng ta muốn chiến thắng sự biến đổi khí hậu”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây cũng đã dự báo rằng thế giới cần đầu tư 45 nghìn tỉ USD vào các hệ thống năng lượng trong vòng 30 năm tới.