Theo các sách thuốc cổ, việc thường xuyên ăn vải giúp bổ não, lợi tỳ vị, phục hồi rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu. Vải cũng làm đẹp da, rất có lợi cho sức khỏe phụ nữ.
Vải có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, caroten, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2, C. Ngoài việc dùng ăn tươi, quả vải còn có tác dụng chữa bệnh từ lâu đời với tên thuốc trong y học cổ truyền là lệ chi.
Các sách thuốc cổ có ghi: “Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, làm mạnh khỏe, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc chữa được nhiều bệnh. Cùi vải phơi khô là thuốc bổ nguyên khí, rất có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi và phụ nữ”.
Cùi quả vải (lệ chi nhục) được dùng phổ biến dưới dạng nước giải khát với cách chế như sau: Chọn 1 kg quả vải chín đỏ, bóc vỏ và hạt (để riêng), chú ý không làm nát cùi. Lấy 3 lít nước đã hòa tan 0,5 kg đường kính và 5 g acid citric, đun sôi trong khoảng 5-10 phút.
Khi nước còn ấm, cho cùi vải vào rồi đựng trong lọ kín, đun cách thủy khoảng 20 phút để diệt khuẩn. Để nguội, nút kín. Khi dùng, lấy nước và cùi vải ra cốc, pha thêm nước đun sôi để nguội cho đủ ngọt để uống. Đây là loại đồ uống ngon, mát, rẻ tiền trong mùa hè với tác dụng thanh nhiệt, chỉ khát, bổ dưỡng, tiêu độc.
Cùi vải phơi khô 10 quả, phối hợp với đại táo 5 quả, thái nhỏ, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống trong ngày là thuốc dưỡng huyết, bổ tỳ, chống tiêu chảy.
Để chữa nấc, lấy cùi vải khô 7 quả, gừng tươi 6 g, nấu với đường đỏ mà dùng.
Người ta cho rằng Dương Quý Phi đời nhà Đường (Trung Quốc) nhờ ăn quả vải thường xuyên mà đã trở thành một tuyệt thế mỹ nhân thời đó. Nhưng cũng có người cho rằng ăn nhiều vải sẽ phát nhiệt, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây chảy máu cam, sinh mụn nhọt, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Hạt vải (lệ chi hạch) cũng được dùng làm thuốc. Cách chế biến là bổ đôi, đồ qua hơi nước, rồi phơi khô để tránh bị sâu mọt. Thường dùng loại hạt to, mẩy, màu đen sáng bóng. Nó có tác dụng giảm đau trong các bệnh tinh hoàn sưng đau, thống kinh, dạ dày lạnh đau, thoát vị bẹn. Liều dùng hằng ngày 3-6 g dưới dạng thuốc sắc.
Chữa đau bụng kinh hoặc sau đẻ: Hạt vải đốt tồn tính (không để cháy thành than) 20 g, hương phụ sao 40 g, tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 8 g với nước muối nhạt hoặc nước cơm, ngày 2-3 lần.
Chữa tinh hoàn sưng đau: Hạt vải, vỏ quýt xanh (thanh bì), quả hồi ba thứ lượng bằng nhau, sao qua, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần 8 g với rượu.
Chữa đau nhức răng: Hạt vải gọt vỏ ngoài, lấy nhân, sấy khô, tán bột, rây mịn. Khi dùng, chấm thuốc vào chỗ răng đau làm nhiều lần trong ngày.