Làng rượu Bá Giang, Hà Tây: Những ẩn họa môi trường

Hàng trăm năm nay, làng Bá Giang, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây đã nổi tiếng với đặc sản rượu quê. Và cũng bằng ấy thời gian, nghề nấu rượu kèm chăn nuôi ở đây đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Ông Phạm Như Mùi, 66 tuổi, ở cụm 6 cho biết: “Mỗi ngày, nhà tôi nấu hàng trăm lít rượu để bán ở Hà Nội, Sơn Tây”. Người dân Bá Giang tận dụng bã đậu, bỗng rượu để chăn nuôi. Trung bình, một hộ gia đình ở đây nuôi 15 con lợn, có nhà đất rộng nuôi cùng lúc 80 con lợn thịt, một năm 3 lứa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, duy trì tiếng tăm của loại rượu được coi là đặc sản quê hương thì Bá Giang phải đối mặt với chất thải chăn nuôi và khí thải từ đun nấu rượu.

Vào thăm bất kỳ một gia đình nấu rượu nào của thôn, chúng tôi đều thấy sân thềm lát gạch sạch sẽ, chum vại, xoong nồi sạch bong. Mặc dù nuôi lợn đàn nhưng chuồng lợn không hề có chất thải.

Nhưng bước vào khu bếp, nơi nồi rượu đang sôi, mùi cacbon từ than bốc lên ngột ngạt. Không khí nóng nực, khó chịu. Anh Hoàng Kim Chuật (cụm 6) cho biết, mỗi ngày nhà anh đốt hai chục viên than tổ ong, từ sáng sớm cho đến đêm khuya.

Người nấu rượu cũng luôn chân luôn tay, nhưng không bao giờ đeo khẩu trang bảo hộ. Ông Mùi kể: “ở đây nhiều người bị mắc bệnh gan, phổi lắm nhưng hình như chẳng ai nghĩ là vì sao bị bệnh này. Khó chịu nhất là lúc nhóm bếp và lúc thay than, bụi than xộc thẳng vào mũi”.

Thôn Bá Giang có hơn 1.000 hộ dân, theo số liệu thống kê thì 77,68% trong số đó nấu rượu và làm đậu, tương đương với gần 780 hộ làm nghề này. Như vậy, nếu một viên than tổ ong nặng 1kg thì một ngày, cả thôn Bá Giang sẽ đốt 15.600kg than, thải khí ra môi trường, không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.

Chất thải chăn nuôi của Bá Giang được xử lý theo kiểu “sạch nhà, bẩn xóm”. Toàn bộ khu dân cư bên phía giáp bờ sông Hồng làm đường ống dẫn chất thải chăn nuôi đổ thẳng ra sông nên không có mùi hôi thối, còn khu dân cư trong đê thì thải ra cánh đồng.

Hai bên đường bê tông là những rãnh nước thải đen kịt được đậy nắp nhưng ruồi nhặng dày đặc. 200m của mương dẫn nước thải này chưa có nắp đậy, giống như hồ chứa phân tươi lộ thiên.

Ông Hoàng Quốc Vượng – Cụm trưởng cụm dân cư số 4 cho biết: “Nhiều người đã ngã xuống đoạn mương này, trong đó có trẻ em và một số khách thập phương đến tham dự lễ hội thả diều mấy năm về trước. Điểm cuối cùng của đường dẫn nước thải này là cánh đồng nên toàn bộ những ruộng rau muống xung quanh khu vực mương bị phân tràn sang chết khô hết, gần 40 mẫu lúa hỏng không cho thu hoạch”.

Đợt mưa vừa rồi, 6 tiếng sau khi hết mưa nước mới rút. Phân tươi từ cống rãnh, mương dềnh lên đường ngập ngụa. Trời cứ nắng lên là cả khu vực nồng nặc mùi phân tươi xú uế, nhưng chỉ có 19% số hộ chăn nuôi có hầm biogas xử lý chất thải.

Nguy hiểm hơn, chất thải này đã ngấm xuống đất và ăn vào nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương. Ông Vượng bức xúc: “Mấy năm trước, giếng nước nhà tôi múc lên là lập lờ nước hến, để một lúc chuyển sang màu vàng. Một đơn vị quân đội đã về xét nghiệm và kết luận nguồn nước bị nhiễm Mangan (Mn) nặng. Chúng tôi phải lọc mấy lần rồi mới dám ăn”.

Theo báo cáo mới nhất, trong vòng 5 năm trở lại đây, 70% số người chết tại địa phương do ung thư gan, phổi, chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Nguồn nước của Bá Giang mới được xét nghiệm lại, nước dùng của 3 hộ gia đình ở cụm 4 không đảm bảo và có yêu cầu lấp bỏ giếng.

Theo phản ánh của một số người dân, chính quyền xã Hồng Hà đã từng hứa sẽ hỗ trợ mỗi hộ gia đình một khoản tiền để các gia đình xây hầm bioga xử lý chất thải nhưng công trình đã hoàn thành mấy năm nay mà họ chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.

Vậy nên, khi UBND xã vận động, hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường thì không được sự đồng thuận của bà con nữa. Gần đây, một số tổ chức nước ngoài của UNICEF, Thụy Điển,… đã đến tìm hiểu và hứa giúp đỡ Bá Giang 14 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Tuy nhiên, có lẽ do chính quyền xã còn vướng bận trong việc thay đổi nhân sự nên mọi việc vẫn chưa được thực thi. Hàng nghìn người dân Bá Giang đang giàu lên bởi đặc sản rượu quê nhưng cũng ngổn ngang nỗi lo sức khỏe khi chất thải chưa được xử lý.