Hiện tại chỉ có 1 khu rừng ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu (GFTN) được thị trường đồ gỗ nhiều quốc gia công nhận. GFTN là một tiêu chuẩn của lâm nghiệp bền vững theo sáng kiến của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF).
Tại hội thảo về nguyên liệu gỗ do Hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) tổ chức hôm 24/06 tại TP.HCM, bà Lê Thị Lộc, điều phối viên của chương trình kinh doanh lâm sản tại Việt Nam (VFTN) (một bộ phận của GFTN), cho biết hiện tại mới chỉ có 1 khu rừng ở miền Trung nằm trong mạng lưới của GFTN.
Đó là khu rừng rộng 2.700 héc ta ở Quảng Nam của Công ty Forexco do VFTN đánh giá và công nhận.
Bà Lộc cho biết, trong thời gian tới, chương trình tiếp tục đánh giá và công nhận thêm một số khu rừng ở tỉnh Quảng Trị nhưng số lượng khu rừng đạt chứng nhận của VFTN ở Việt Nam như vậy là quá ít so với sự phát triển của công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đạt hơn 2,4 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái.
“Khó khăn hiện nay là nhiều khu rừng do các lâm trường quốc doanh quản lý đủ điều kiện về kinh doanh gỗ có trách nhiệm nhưng chủ rừng là các lâm trường lại không quyết định được kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình”, bà Lộc nói tại hội thảo.
Nhiều lâm trường đã nộp đơn xin được đánh giá và chứng nhận kinh doanh lâm sản có trách nhiệm và VFTN đã tổ chức đánh giá nhiều lần với kinh phí hàng chục ngàn đô la Mỹ mỗi lần nhưng không thể cấp chứng nhận.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 1,5 triệu héc ta rừng kinh tế (tức rừng cho khai thác phục vụ mục đích kinh doanh) nhưng đa phần chủ rừng là các lâm trường quốc doanh, còn các chủ rừng tư nhân chỉ quản lý diện tích nhỏ, manh mún.
Được thành lập vào năm 2005, lúc đầu VFTN có 4 doanh nghiệp thành viên gồm Trường Thành, ScanCom Việt Nam, Đại Thành và Thanh Hòa. Tới nay, VFTN đã có 7 doanh nghiệp thành viên, bao gồm 4 công ty chế biến gỗ, 2 công ty thương mại chuyên kinh doanh nguyên liệu và 1 chủ rừng là lâm trường ở Quảng Nam nói trên.
Theo bà Lộc, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cũng nộp đơn xin đánh giá và công nhận nhưng gặp khó khăn do chương trình bắt buộc các doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc gỗ, quy trình chế biến và nhiều tiêu chuẩn khác, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa chú tâm nhiều tới công tác lưu trữ hồ sơ và tuân thủ các quy trình chế biến đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ.
GFTN (viết tắt của Global Forest & Trade Network) hiện nay có 370 công ty ở 30 quốc gia tham gia làm thành viên với doanh số 53 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Mục tiêu của mạng lưới này là liên kết các doanh nghiệp kinh doanh lâm sản có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường sinh thái trên toàn thế giới.