Theo khảo sát của Trung tâm tư vấn quốc gia về sáng kiến hiệu quả năng lượng thì khả năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của các ngành công nghiệp tại Việt Nam còn rất lớn. Ví dụ như công nghiệp ximăng có thể TKNL tới gần 50%; dệt may 25% và chế biến thực phẩm 20%.
Một khách sạn hay doanh nghiệp (DN) lớn chỉ cần thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn huỳnh quang cũng có thể tiết kiệm tới 60% chi phí chiếu sáng. Vậy tại sao DN không tiết kiệm?
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Với những DN tư nhân, cổ phần hóa và thức thời thì họ tiết kiệm từng đồng. Đơn giản bởi đó là những “đồng tiền xương máu”. Minh chứng thời sự nhất là trong giai đoạn khó khăn, FPT áp dụng bắt buộc cắt giảm chi phí năng lượng khoảng 10%. Trước đó, khách sạn Majestic (TP.HCM) áp dụng chương trình TKNL và họ đã giảm được tới 72% chi phí chiếu sáng; khách sạn Victory cũng tiết kiệm được 65%. Những ví dụ điển hình khác là Công ty Bình Tiên chỉ cần sắp xếp hệ thống bóng đèn cũng đã tiết kiệm được 62.820kWh/năm…
Tuy nhiên theo khảo sát của Trung tâm Tư vấn quốc gia về sáng kiến hiệu quả năng lượng thì hầu hết các ngành công nghiệp trọng yếu, tiêu thụ nhiều năng lượng lại không hề có ý thức, công nghệ TKNL. Cuối năm 2007, tại Hội thảo TKNL trong DN nhỏ và vừa, BQL dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng” cảnh báo: Lĩnh vực dệt may có mức lãng phí 25% năng lượng. Còn lĩnh vực công nghiệp thép vẫn có thể TK 20% năng lượng; chế biến thực phẩm có thể tiết kiệm tỉ lệ tương tự; cá biệt ở lĩnh vực ximăng có thể tiết kiệm được khoảng 50% năng lượng…
Theo các chuyên gia, DN Nhà nước lâu nay kinh doanh theo cơ chế “lời ăn, lỗ Nhà nước chịu”. Từ tư tưởng “cha chung không ai khóc” đã dẫn tới tình trạng ỷ lại vào Nhà nước; thiếu ý thức TKNL; không chịu cải tiến và áp dụng công nghệ TKNL. Một so sánh đơn giản là khi khách sạn Majestic có thể TK hàng trăm triệu đồng/tháng thì chỉ một máy xả hồ trong ngành dệt may chưa được cải tiến đã lãng phí 700 triệu đồng/năm. Bộ Công Thương cũng thừa nhận công nghiệp Việt Nam đã lãng phí quá nhiều năng lượng. Cụ thể để có được 1USD cho GDP thì VN mất trên 1kWh điện; trong khi Hàn Quốc mất 0,518kWh, Malaysia mất 0,740kWh, Philippines cũng chỉ cần 0,512kWh…
Từ thực tế trên, các nhà khoa học kiến nghị Việt Nam cần sớm đưa TKNL, nhất là TKNL trong các ngành công nghiệp trọng yếu thành chiến lược dài hạn. Trên thực tế tại Việt Nam đã có không ít những dự án, nghiên cứu TKNL. Cụ thể, các nhà khoa học đã chứng minh ở quy mô DN dệt may nhỏ, chỉ với máy biến tần giá khoảng 21 triệu thì mỗi năm DN dệt may tiết kiệm được 20 triệu tiền điện/năm…
Nhiều DN ngành ximăng, giấy, chế biến thực phẩm… cũng đã ứng dụng một số sáng chế kỹ thuật. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế phối hợp nên giữa nhà khoa học và DN chưa gặp nhau và bắt tay để thương mại hoá ứng dụng TKNL này. Các nhà khoa học kiến nghị: Để thực hiện chiến lược TKNL trong DN, ngoài việc lấy công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi TK; Chính phủ cần cụ thể hoá chính sách bằng việc lấy ứng dụng công nghệ trong nước hoặc tiên tiến của thế giới làm biện pháp để TK.