Việc khai thác quặng thiếc trái phép dọc theo hai bên bờ suối Đạ Chay (Đạ Nhim, Lạc Dương, Lâm Đồng) nhộn nhịp không kém so với công trường nơi Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đang thi công công trình thuỷ điện Đạ Khai, đã tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đường 723 vốn được mệnh danh là “cung đường xanh Tây Nguyên”.
Hàng chục máy xúc, máy hút, bàn đãi thiếc cỡ lớn thi nhau nạo vét, đào bới với công suất tối đa đã làm lòng hồ Đạ Khai nằm cạnh đường 723 bị biến dạng hoàn toàn. Giờ đây thật khó mà nhận ra khung cảnh của khu vực này, bởi không còn suối và những vạt rừng xanh.
Những gì còn lại chỉ là những hố đất nham nhở, đống sỏi bạc phếch… Cả một vùng rừng, suối rộng và thơ mộng nay đã trở thành vùng đất chết do thường xuyên có khoảng 200 người từ các nơi đến khai thác thiếc sa khoáng trái phép. Chỉ tính riêng đoạn đường từ cầu số 1 đến cầu số 2 (dài khoảng 2 km), nhưng diện tích đất xung quanh bị cày xới đã lên đến hàng chục ha. Mặt bằng của khu vực này giờ đây lô nhô hàng chục chiếc lều và lán trại cùng ngổn ngang hầm, hố, giếng hàm ếch…
Ông Nguyễn Xuân Tiền, Phó trưởng Công an xã Đạ Nhim cho biết: “Trước đây, khung cảnh của khu vực này rất đẹp, suối chảy xen giữa 2 vạt rừng tươi xanh, nước trong và sạch có thể dùng cho sinh hoạt. Nay chỗ nào còn hình dạng của suối thì nước đã đục ngầu và nhiễm hoá chất, nên không thể sử dụng được nữa”.
Qua tìm hiểu được biết, khu vực lòng hồ thuỷ điện Đạ Khai được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Đạ Khai quản lý sử dụng từ ngày 22/07/2005, với thời hạn sử dụng là 50 năm (theo Quyết định số 1865/QĐ-UBND). Ban Quản lý đã đền bù tất cả diện tích lòng hồ cho các hộ dân.
Để có nguồn vật liệu xây dựng đường 723, UBND tỉnh Lâm Đồng lại cấp giấy phép số 118 (ngày 25/12/2006) cho phép Công ty 7/5 khai thác cát trên lòng suối Đạ Chay. Theo đó, Công ty 7/5 có trách nhiệm khai thác cát theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác liên quan, với điều kiện bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở đây lại hoàn toàn trái với những quy định bằng văn bản, giấy tờ.
Sau hơn 1 năm khai thác cát, đầu năm 2008, khi phát hiện tại đây có khoáng thiếc, một số cá nhân đã chuyển hoạt động khai thác cát đơn thuần sang khai thác thiếc sa khoáng vì cái lợi lớn trước mắt. Đến tháng 04/2008, việc khai thác khoáng thiếc bắt đầu diễn ra trên diện rộng và tràn sang nhánh suối phía Đông của lòng hồ Đạ Khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tại đây.
Không dừng lại ở đó, nhiều người lợi dụng lúc thi công đường 723 đoạn Thái Phiên – Trại Mát (TP Đà Lạt) đổ xô đi “tận thu” quặng thiếc ngậm trong đá. Khi đập hết đá lộ thiên, nhiều người lại đào bới tìm đá trong lòng đất. Điều này gây ảnh hưởng xấâu đếán tiến độ thi công và chất lượng con đường. Chưa hết, đêm đến, các đối tượng khai thác thiếc trái phép bắt đầu quay lại khai thác thiếc ở chân núi Hòn Bồ làm thay đổi cảnh quan cả một vùng. Một khu vực rộng lớn hơn 1 ha dưới chân núi nằm sát đường 723 đã bị cày xới không thương tiếc với hàng trăm hầm sâu hoắm, có hầm sâu đến 30 m.
Một số người dân ở đây cho biết, do nền đất yếu, nên trong khi khai thác đã xảy ra không ít vụ sập hầm gây chết người, nhưng do lợi nhuận, nên nhiều người vẫn bất chấp cả tính mạng. Chỉ đến khi khu vực này được giao cho doanh nghiệp Trà Ngọc Duy (từ tháng 06/2008), quản lý bảo vệ, đầu tư trồng Atisô và chế biến trà, thì việc khai thác thiếc trái phép ở khu vực này mới tạm chấm dứt.
Tuy nhiên, đến nay, dù doanh nghiệp đã cố gắng hoàn nguyên các hầm thiếc, nhưng vẫn còn nhiều hầm, hố như những cái bẫy nguy hiểm, nhất là chỉ cần một trận mưa lớn là có thể sinh ra hiện tượng đất chuồi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường 723 và hoa màu của dân địa phương.
Khác với khu vực núi Hòn Bồ, ở hồ Đạ Khai, mặc dù Ban Quản lý Dự án Thủy điện Đa Khai cùng với chính quyền xã Đạ Nhim đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, giải toả, song cứ xử lý xong, rút đi thì mọi việc… đâu lại vào đó.
Ông Nguyễn Khắc Tuân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Đạ Khai cho biết: “Hiện lòng hồ mới tích được một phần nước để phục vụ thi công, do đó khu vực chưa bị ngập là nơi đang bị một số cá nhân khai thác thiếc trái phép. Việc đào đãi quặng thiếc chỉ mang lại cái lợi nhỏ trước mắt, còn về lâu dài sẽ làm bồi lắng lòng hồ, không những gây ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, giảm công suất phát điện, mà còn huỷ hoại môi sinh, môi trường của khu vực”.
Trong khi các cơ quan hữu quan đang còn xem xét và chưa vào cuộc xử lý triệt để, thì khu vực này vẫn đang “oằn mình” để chống đỡ lại những chiếc máy xúc, máy đào của một số “đại gia” thi nhau đào đất nham nhở để tìm quặng. Diện tích bị xâm hại hiện là 50 ha và chắc chắn sẽ còn lan rộng ra từng ngày. Nếu các cơ quan có trách nhiệm của Lâm Đồng không sớm ra tay ngăn chặn một cách triệt để nạn khai thác quặng thiếc trái phép ở khu vực này thì hậu quả gây huỷ hoại môi trường nơi đây là không thể lường trước được.