Nhiều năm trước, khi con cá tra được nuôi rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì con tôm sú còn tung tăng ngoài biển. Năm 1990, tôm sú được nuôi “e dè” ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Từ “lấm lét” phá rừng ngập mặn, “nuôi chui” trên đất lúa một vụ bấp bênh, nay đã phát triển thành một vùng nuôi suốt duyên hải ĐBSCL với tốc độ gây “sốc”. Đó là thời điểm cả nước thiếu gạo, hầu hết chính sách quy hoạch, đầu tư nông nghiệp (thủy lợi, KHKT, giống, vốn…) đều tập trung cho cây lúa. Đã có hàng loạt biện pháp hành chính được triển khai để ngăn chặn. Nghĩa là, ngay buổi đầu đấu tranh cho mình một “danh phận”, sú đã đắng cay!
Chúng tôi cần được đối thoại công bằng
Các biện pháp hành chính không “hạ hỏa” được cơn cuồng nhiệt hâm mộ tôm sú của hàng vạn “fan” nông dân. Bà con nông dân đeo bám con tôm sú quyết liệt kể cả lúc thất bại do nôn nóng, thiếu kinh nghiệm. Chính quyền, ngành nông nghiệp các địa phương theo dõi thực tiễn sản xuất, thấy nuôi tôm sú có hiệu quả, thay vì ngăn chặn kiểu máy móc, mệnh lệnh đã chủ động có những giải pháp điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển, hỗ trợ sản suất.
Những năm đó, Sóc Trăng tuy rất nghèo, đã chi ngân sách 20 tỷ đồng/năm (tương đương 200 tỷ đồng theo thời giá hiện nay) cho thủy lợi mặn. Đó là kết quả của việc nông dân được suy nghĩ trên mảnh đất của họ cộng với thái độ biết lắng nghe, dũng cảm chia sẻ của những người có trách nhiệm! Cùng với lúa, con tôm đã vinh danh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Hơn 250.000 ha nuôi tôm sú ở ĐBSCL đã giải quyết nửa triệu việc làm từ lao động trực tiếp ở vùng nuôi đến khu vực thu mua, chế biến, kéo theo sự phát triển của thương mại, dịch vụ…
Nhưng số phận người nông dân luôn hẩm hiu. Đất trồng lúa loại “nhất đẳng điền” bị thu hồi làm sân golf cho người giàu tới chơi, làm “nghĩa địa sinh thái” cho người giàu khoe sự phú quý đến tận nấm mồ người thân của họ, mà người trồng lúa chẳng mấy khi được hỏi ý kiến, thậm chí không được thương lượng giá bồi hoàn mà tất cả đều là áp đặt từ quy hoạch đến áp giá, cưỡng chế di dời thì phận “con tôm cái cá” cũng đâu hơn gì! Nếu cá tra, basa quá lứa không bán được, cục nợ như cục bột ủ men nở phình mỗi ngày, bị một số doanh nghiệp (DN) thu mua kiểu chiếm dụng vốn (bắt cá trước, trả tiền sau từ 10 ngày đến 1 tháng) thì “phận sú” cũng khốn đốn.
Ở Sóc Trăng, năm 2006 tôm được giá, người nuôi phấn khởi. Năm 2007 phá huề. Năm 2008 sản lượng tôm giảm 15%, mọi chi phí đều tăng theo lạm phát nhưng giá tôm loại 30 con/kg có thời điểm tụt xuống mức 70.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, đến cuối tháng 06/2008 đã thả giống trên 77.098 ha. Nuôi chuyên tôm 9.671 ha; tôm – lúa 67.481 ha. Sản lượng tôm Kiên Giang năm nay đạt thấp là do chất lượng tôm giống kém; tôm bị chết do sốc môi trường, lây nhiễm bệnh đốm trắng đỏ thân…
Trầy trật mới có được con tôm nhưng khi bán thì cay đắng. Bác Lê Văn Trót (Duyên Hải – Trà Vinh) cười buồn: “Nông dân tui mất lòng tin với mấy ông DN lắm. Được hay rớt giá chủ yếu tuỳ bụng mấy ổng. Nói làm ăn lớn, theo cơ chế thị trường? Thế giới bao la, Sài Gòn tui chưa tới nói gì Mỹ, EU. Tui chỉ xin hỏi: có DN chế biến thủy sản nước nào “lớn” và “cơ chế thị trường” mua tôm theo con nước như Việt Nam không? Nước kém: nhích giá lên, nước rong: dìm giá xuống. Đó là tính toán nhỏ nhen, cốt lợi cho mình bất cần sống chết của nông dân chứ đâu phải là thái độ của “bạn đồng hành”!”.
Chuyện không sợ Mỹ mà sợ…
Ông Võ Quan Huy – chủ trang trại tôm ở Liêu Tú (Long Phú – Sóc Trăng) nói: “Khi nhà nước đầu tư cho nông nghiệp thường chọn cách dễ làm chứ không chọn cách làm hiệu quả!”. Ông Đinh Thiên Cần – cũng chủ trang trại tôm ở Sóc Trăng nói: “Chính sách chống phá giá tôm của Mỹ khiến đầu ra con tôm Việt Nam lao đao. Nhưng tôi không sợ Mỹ mà sợ các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; không sợ “đầu ra” mà sợ “đầu vào”; không sợ nói thẳng mà sợ đối thoại không công bằng!”.
Một chủ nuôi tôm khác bức xúc: “Hội họp cỡ Hiệp hội Tôm mời, mấy ông DN không thèm dự; do UBND tỉnh hoặc thứ trưởng, bộ trưởng mời mấy ổng dự lớt lớt, nói năm ba câu phá huề. Chắc thủ tướng chủ trì thì nông dân mới được đối thoại công bằng! Mà nào có một chuyện mấy ông DN! Nhiều chuyện lắm!”.
Ông Đinh Thiên Cần nói thêm: “Năm 2003 Mỹ áp dụng chính sách chống phá giá đánh vào tôm Việt Nam. Đó là năm “hoạn nạn” nhưng tôm loại 30con/kg vẫn bán 6,5USD/kg. Tôi nghiệm ra “chơi” với Mỹ dễ thôi vì họ chơi theo luật. Họ muốn tôm loại 1? Tôi có cách nuôi tôm đạt loại 1, chấp nhận giảm sản lượng, nâng cỡ tôm, tính ra vẫn có lãi. Họ muốn tôm sạch? Chưa bao giờ tôm của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Long Phú – Sóc Trăng) qua kiểm định phát hiện có dư lượng kháng sinh. Nhưng tôi sợ DN Việt Nam. Họ luôn kiểm định tôm của chúng tôi trước khi mua nhưng hàng của họ lại bị đối tác phát hiện dư lượng kháng sinh và trả về.
Mất uy tín tôm Việt Nam là do ai? Do quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển? Do thu mua qua trung gian mà những “mối” này được hưởng chế độ “miễn trừ” kiểm định nghiêm ngặt cần thiết như với chúng tôi?! Chưa bao giờ vấn đề này được đối thoại thẳng thắn làm rõ trách nhiệm, khiến mỗi khi có lô hàng tôm bị trả về là các cơ quan truyền thông báo chí lại gởi đến công chúng cơn lốc thông tin mang nội dung khuyến cáo người nuôi tôm. Đó là một bất công!
Tôi không sợ “đầu ra”! Tôi sợ “đầu vào”! Nói gì mình cũng có tích luỹ, sợ cho bà con nghèo nuôi vài vuông tôm, nợ “trắng đầu đỏ thân” hệt như con tôm bệnh. 1/ Tôm giống: kiểm ở A: bệnh, chuyển sang kiểm ở B: sạch bệnh. Cuối cùng cũng nó mà bán được tuốt. Kiểm dịch hầu hết là hình thức. Ai phải chịu hậu quả khi tôm giống có giấy xác nhận đã kiểm dịch mà vẫn nhiễm dịch chết hàng loạt? Trả lời: Nông dân; 2/ Thực phẩm, dược phẩm cho tôm: giá lên xuống tự do.
Người ta đổ thừa cho quy luật cung cầu trong khi ở Mỹ, EU… để định giá một món hàng, người sản xuất , người bán phải minh bạch với cơ quan có thẩm quyền về giá thành, giá thu vào… và được lãi trong tỷ lệ cho phép. Không chỉ thả nổi giá mà còn thả nổi chất lượng! Người sản xuất, người bán con giống nhiễm bệnh; phân bón, thức ăn gia súc, thủy sản, nông dược… giả hoặc kém chất lượng rủi bị phát hiện chỉ bị tịch thu hàng, đóng phạt nhẹ hều. Làm nông dân khuynh gia bại sản: chưa thấy ai, đơn vị nào bị xử lý theo luật định.
Chuyện “chân đen”, “chân trắng”
“Chân” này không mắc mớ gì đến quý cô “chân dài” mà là cách nói gọn của nông dân Nam bộ, liên quan đến việc gần đây một số DN vận động bà con chuyển từ nuôi tôm sú (chân đen) sang tôm thẻ chân trắng với lý do: thị trường thế giới ưa chân trắng hơn chân đen; chân trắng năng suất cao và có hiệu quả kinh tế hơn.
Bà con nuôi tôm có ý kiến: Nuôi tôm sú đã lâu, dù giá cả thất thường nhưng chúng tôi biết điều chỉnh cách nuôi ra cỡ tôm thị trường cần, biết giá thành, lượng tiêu thụ nội địa, ước lượng tiêu thụ xuất khẩu, biết giá ở “ngưỡng sinh”, “ngưỡng tử”… Với chân trắng, họ (DN) hết lời ca ngợi nhưng dứt khoát không ký hợp đồng bao tiêu. Người nuôi mù thông tin thị trường nhưng biết nuôi chân trắng một thời gian môi trường nuôi sẽ xấu đến mức có hối mà quay lại nuôi tôm sú cũng không được nữa. DN chê “chân trắng” thì còn “chân đen”, cá lóc, cá tra, mực, sò, cua… Còn nông dân chúng tôi chắc ngửa mặt lên trời mà khóc.
Th.Sĩ Võ Văn Bé (Sóc Trăng) nói, môi trường nuôi tôm sú của Thái Lan sau hàng chục năm đã ô nhiễm nặng nề, họ phải chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong khi ĐBSCL với ưu thế về địa hình, mực nước biển… môi trường nuôi tôm sú rất ổn định, vậy thì chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng làm gì nhất là khi đã nuôi tôm thẻ chân trắng thì khó chuyển đổi sang nuôi giống thủy sản khác? Để nuôi tôm thẻ chân trắng, Thái Lan chuẩn bị cơ sở kỹ thuật, cơ sở sản xuất con giống, thức ăn… 7 năm. ĐBSCL hơn 10 năm nuôi tôm sú mà tôm giống vừa thiếu vừa không kiểm dịch nổi, giá và chất lượng thức ăn nuôi tôm thả nổi, giá thu mua thất thường.
Việc chuyển đổi con giống phải trên cơ sở luận chứng, quy hoạch khoa học, đầu tư có chiều sâu bằng nguồn lực chuyển đổi thuyết phục. Nếu không, sự thả nổi thông tin khiến dân đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng thì những bất trắc gây điêu đứng cho nông dân là điều không tránh khỏi!