Ngày 22/07, tại Hội nghị bàn về vai trò của đất ngập nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh vật Tiến hóa Max Planck của Brazil đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ đất ngập nước để chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị tổ chức tại thành phố Pantanal, miền Trung Tây Brazil, với sự tham gia của 700 nhà khoa học đến từ 28 nước, các nhà khoa học cảnh báo việc các khu vực đất ngập nước trên Trát Đất đang bị hủy hoại nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng mất cân đối về phân bổ lượng mưa trong vòng từ 1 đến 2 thập kỷ.
Theo các nhà khoa học thuộc Viện trên, những ảnh hưởng do đất ngập nước bị hủy hoại sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong vòng 10 đến 20 năm tới, với lượng mưa giảm mạnh tại nhiều khu vực. Tại các nước có khí hậu nhiệt đới, mùa khô sẽ càng khô hơn còn mùa mưa sẽ ẩm ướt hơn.
Hiện nay, diện tích đất ngập nước tuy chỉ chiếm 6% diện tích bề mặt Trái Đất, song lại lưu giữ tới 20% lượng khí thải cácbon của Trái Đất, tương đương 2/3 lượng khí cácbon có trong không khí.
Các nhà khoa học cho biết lượng khí cácbon này sẽ thoát ra không khí, làm gia tăng tình trạng ấm lên của Trái Đất, vì các đất ngập nước đang bị đe dọa hủy hoại bởi hoạt động rút nước làm nông nghiệp, phát triển đô thị, ô nhiễm, rút than bùn… Thêm vào đó, Trái Đất ấm lên cũng là nguyên nhân khiến các đất ngập nước càng khô cạn.
Theo báo cáo của các nhà khoa học, khoảng 60% đất ngập nước trên Trái Đất đã bị tàn phá trong thế kỷ vừa qua. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần tăng cường nỗ lực bảo vệ đất ngập nước, đặc biệt tại hai nước Australia và Mỹ.
Khu vực Pantanal diễn ra Hội nghị có khu đất ngập nước rộng 160.000 km2, chiếm phần lớn diện tích 2 bang của Brazil và trải rộng sang lãnh thổ Bolivia và Paraguay./.