Tháng 05/2008 vừa qua, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Đồng Phú đã kết thúc chuyên án lớn, phanh phui một đường dây phạm tội, móc ngoặc mua bán đất rừng, dẫn tới hàng trăm hécta rừng của tỉnh Bình Phước (BP) bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều quan chức, cán bộ chính quyền và Ban quản lý rừng địa phương có liên quan tới đường dây tội phạm này…
“Cò đất” lũng đoạn giao khoán rừng
Đầu năm 2001, UBND tỉnh BP ban hành chính sách khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô cho dân nghèo, đồng bào dân tộc có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Trên cơ sở đó, khoảng giữa năm 2003, Ban quản lý rừng kinh tế (BQLRKT) Suối Nhung đã triển khai giao khoán quản lý bảo vệ rừng với khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng cho các hộ dân.
Lợi dụng quen biết với một số cán bộ BQLRKT Suối Nhung, hai tay chuyên làm “cò” mua bán đất rừng là Tôn Quốc Yên (SN 1951) và Trần Văn Khinh (SN 1937) – cùng ngụ ấp 6 xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú – đã đi vận động một số hộ dân có nhu cầu giao khoán rừng. Yên và Khinh hứa sẽ đứng ra làm thủ tục cho các hộ dân. Để được giao khoán đất rừng, mỗi hộ dân phải nộp cho Yên và Khinh từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/ha.
Yên và Khinh nói, tiền này dùng để nộp cho BQLRKT Suối Nhung làm thủ tục nhận khoán (?). Kết quả trò vận động nhận giao khoán bảo vệ rừng, có 18 hộ dân đã nộp hơn 537,2 triệu đồng cho hai “cò” đất nói trên. Không biết số tiền trên đã được Yên và Khinh rót cho ai, nhưng sau đó, BQLRKT Suối Nhung đã làm thủ tục giao khoán cho 18 hộ dân, với tổng diện tích 485,7ha đất rừng.
Trong đó, có 416ha đất còn rừng (lồ ô xen gỗ) và chỉ có 69ha đất trống. Hai ông Trương Văn Đỏ và Nguyễn Anh Dũng (Trưởng ban và Phó ban BQLRKT Suối Nhung) chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc giao nhận khoán đất rừng cho 18 hộ dân.
Hàng trăm hécta rừng bị tàn phá
Trên thực tế, do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo BQLRKT Suối Nhung, số diện tích giao khoán cho các hộ dân không phải như hợp đồng đã ký là 485,7ha, mà lên tới 544,7ha đất rừng (295,9ha đất trống, 248,8ha đất còn rừng). Và, thay vì phải bảo vệ, khoanh nuôi hoặc tái sinh rừng như hợp đồng đã ký kết; sau 3 năm (2003 – 2006), các hộ dân đã tàn phá 226,9ha rừng.
Từ giữa năm 2003, qua kiểm tra, Sở NN-PTNT tỉnh BP đã xác định BQLRKT Suối Nhung buông lỏng quản lý, để mất rừng. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về 2 lãnh đạo cao nhất của BQLRKT Suối Nhung là Trương Văn Đỏ và Nguyễn Anh Dũng.
Cùng với hành vi buông lỏng quản lý dẫn tới rừng bị phá vô tội vạ, ông Đỏ và ông Dũng còn phó mặc cho các “cò” đất quen biết là Yên, Khinh và Lợi mặc sức thao túng, lũng đoạn, tha hồ dùng hàng trăm hécta đất rừng – thuộc BQLRKT Suối Nhung – làm món hàng mua bán, trục lợi qua nhiều tầng nấc, với nhiều hộ dân có nhu cầu giao khoán đất rừng.
Một “thị trường” mua bán đất rừng công khai diễn ra giữa các “cò” đất Yên – Khinh – Lợi (cò cấp 2 của Yên và Khinh) với các hộ dân, với những khoản tiền mua bán đất rừng trái phép, lên tới hàng trăm triệu đồng v.v…
Đặc biệt mỗi lần một hợp đồng sang nhượng, mua bán đất rừng từ hộ dân này sang hộ dân khác, do các “cò” đất đích thân mang tới, mặc dù đối tượng đứng tên trên hợp đồng sang nhượng không phải là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhưng BQLRKT Suối Nhung vẫn… đồng ý; đồng thời, cho nhân viên xuống cắm mốc, rọc tuyến bàn giao đất rừng trên thực địa; giao xong là… biến, bỏ mặc đất và rừng trong tay các hộ dân ra sao…
Cuối năm 2004, ông Đỏ và ông Dũng bị cách chức. Ông Đinh Đức Hạnh được bổ nhiệm làm Phó BQLRKT Suối Nhung. Ông Hạnh cho kiểm tra tình hình giao khoán rừng của 18 hộ dân, mới phát hiện rừng bị mất thêm là 140,7ha.
Tháng 08/2004, Thanh tra tỉnh BP về kiểm tra, đã xác định toàn bộ 18 hộ được giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng đều không đúng quy trình, đối tượng, theo quy định của UBND tỉnh BP (không phải là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương), nên dẫn tới việc quản lý bảo vệ rừng kém hiệu quả, để mất rừng.
Tháng 09/2005, Thanh tra tỉnh BP tiếp tục kiểm tra và xác định khu vực giao khoán cho 18 hộ dân, diện tích rừng bị chặt phá để trồng cây lâm nghiệp là 139,6ha. Cuối cùng, vào tháng 08/2006, khi Cơ quan CSĐT – Công an huyện Đồng Phú vào cuộc, mới xác định hậu quả của việc giao khoán rừng trên tại BQLRKT Suối Nhung đã làm 226,9ha rừng lồ ô bị các hộ dân xoá trắng, gây thiệt hại, với giá trị thành tiền mà Cơ quan điều tra tạm ước tính lên tới hàng tỉ đồng…