Bài học truyền thông về thảm họa môi trường

ThienNhien.Net – Tất cả những thảm hoạ diễn ra như cơn bão lốc qua Myanmar hay trận động đất ở Trung Quốc vừa qua rất cần những thông tin cảnh báo chính xác cả trước và sau sự cố. Điều đó đã nhấn mạnh nhu cầu về truyền thông các thảm họa môi trường một cách hiệu quả ngày nay .

Hiệu quả xử lý một sự cố lớn hay thiên tai ở một quốc gia thể hiện độ nhạy cảm của nước đó với nhu cầu của dân cư trong nước. Điều đó phần nhiều phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, ngay trước và sau sự kiện.

Vào giữa thập niên 1980, trước khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, cộng đồng đã từng phản ứng mạnh mẽ về việc xử lý thông tin sai về vụ nổ nhà máy Chernobyl. Các nhà chức trách mất hơn 24 giờ để chính thức thừa nhận sự cố, đồng thời thể hiện sự lúng túng trong chiến lược cứu trợ. Điều này càng làm gia tăng thiệt hại của thảm họa này.

Các tác động mới đây của lốc xoáy Nargis ở Myanmar và trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã tạo ra những thách thức lớn đối với quốc gia này trong việc xử lý sự cố, xử lý thông tin về phòng chống và làm giảm nhẹ hậu quả.

Từ mỗi thảm họa, những câu hỏi lớn được đặt ra về thất bại trong việc áp dụng thông tin khoa học vào việc lập kế hoạch chống thiên tai, và cái giá phải trả là hàng nghìn sinh mạng. Mỗi thảm họa cần phải được cảnh báo với những thông tin chính xác. Và các nhà chức trách ở nước đó phải có trách nhiệm đối với những thông tin được đưa ra.

Trong trường hợp của Myanmar, các thiệt hại quá rõ rệt. Trước tiên, đó là thất bại trong việc tăng cường kiến thức rộng khắp về sự phá hủy các khu rừng ngập mặn, làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ với các cộng đồng ven biển.

Một trong những bài học rõ ràng nhất trước đó là trận sóng thần xảy ra cuối tháng 12/2004 ở Ấn Độ Dương, liên quan tới nhiều nước, trong đó có Bangladesh. Nhưng các nhà chức trách của Myanmar dường như ít chú ý tới bảo tồn rừng ngập mặn. Các cán bộ của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, đồng bằng châu thổ Irrawaddy – khu vực rừng ngập mặn lớn nhất nước này, nơi bão Nargis đổ bộ – đã mất một nửa diện tích rừng từ năm 1975.

Thứ hai, người ta thấy rõ Myanmar thiếu cơ sở hạ tầng truyền thông toàn diện, và trong đó có thể bao gồm cả yếu tố ý chí chính trị, để đảm bảo rằng thông tin dự báo, cảnh báo về thảm họa đến được với những nơi cần thông tin nhất.

Các cảnh báo về bão lốc đã được đưa lên văn phòng khí tượng quốc gia nhưng không có cách nào để thông tin nhanh chóng đến với những người đang gặp nguy hiểm nhiều nhất. Hơn thế, việc thiếu các phương án bảo vệ dự phòng và cứu trợ nói lên rằng ngay cả những người nhận thức được vấn đề cũng chưa hành động hiệu quả.

Trái lại, ở Trung Quốc, tình hình lại diễn ra khác hẳn. Chính phủ đã nhận được lời khen ngợi rộng rãi nhờ thông tin nhanh chóng về mức độ của thảm họa và đã đề nghị nỗ lực cứu trợ từ quốc tế – trái ngược hoàn toàn với trận động đất năm 1976 ở Đường Sơn (thuộc tỉnh Hà Bắc, Đông bắc Trung Quốc).

Điều đó được thể hiện trong việc các chuyên gia về động đất đã tự nguyện, cởi mở trả lời thắc mắc của các nhà báo địa phương. Trước đấy, họ vẫn khăng khăng rằng các câu hỏi như vậy đều phải gửi trực tiếp tới nhân viên chính phủ. Gắn với sự kiện này là việc chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một điều luật mới về việc tiếp cận thông tin của công chúng, có hiệu lực vào ngày 01/05/2008.

Nhưng ngay ở Trung Quốc, các câu hỏi lớn cũng được đặt ra. Chẳng hạn như, liệu có đảm bảo rằng các nhà khoa học, những người đã sẵn lòng chia sẻ trong tình huống khẩn cấp sẽ giữ thái độ này trong những lần ít khẩn cấp hơn. Bên cạnh việc tự nguyện ra mắt báo chí, các viện khoa học cần phải được đào tạo về việc truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và dễ hiểu.

Đồng thời, thực tế cho thấy các tin đồn không có cơ sở từ giới truyền thông về các chấn động đất mới cũng phản ánh nhu cầu đào tạo các nhà báo khoa học để họ có những phát ngôn đáng tin cậy hơn.

Quan trọng không kém là việc báo chí đã tìm ra lý do tại sao các trường học sụp đổ, đặc biệt là khi các tòa nhà xung quanh vẫn đứng nguyên. Trong nhiều trường hợp, vấn đề nảy sinh không phải do thiếu thông tin khoa học hay kỹ thuật, mà do sai lầm trong việc sử dụng thông tin đó.

Áp lực lớn

Sự cởi mở thông tin về các thảm họa môi trường có phải trả gặp thách thứć không? Dĩ nhiên là có. Đơn cử như vụ nổ Chernobyl, sau này khi chính phủ Xô Viết càng công khai thông tin về thảm họa thì những chỉ trích về thất bại của nó nhằm bảo vệ người dân càng nhiều hơn.

Điều này cũng thể hiện rõ trong tình huống ở Myanmar, lý giải vì sao kênh truyền hình trung ương chỉ phát đi những hình ảnh về chuyến thăm của thủ tướng nước này tới nơi dân cư bị ảnh hưởng, các lán trại cho những người sống sót trong khi không phát đi cảnh quay những thân thể phồng rộp và trẻ em đói khát gần 3 tuần liền sau cơn lốc. Tất cả cốt che đậy nhằm tạo ra những bình luận tốt trong nước.

Về lâu dài, các nỗ lực áp đặt hạn chế độc quyền tin tức về thiên tai, đặc biệt là trong kỷ nguyên thông tin điện tử toàn cầu, chắc chắn sẽ phản tác dụng bởi khi người dân càng biết rõ tình hình thực tế, họ sẽ càng mất lòng tin vào những điều họ đã biết.

Cho người dân biết thông tin mà họ cần để bảo vệ bản thân họ khỏi những cơn lốc hay động đất tương lai là nhiệm vụ cần thiết của những người làm truyền thông khoa học. Việc xác định và vượt qua các rào cản chính trị và những khó khăn khác để đưa thông tin đến với nơi cần hay được áp dụng vào thực tế là công việc vô cùng quan trọng.