Với khẩu hiệu: "Ông, bà chính là người cho, còn chúng tôi là những người chuyển lại cho người nhận", gần 5 năm nay, nhóm Ve Chai của ông Nguyễn Văn Hoàng đã có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm của Huế để nhặt bao nylon, lượm ve chai, xin quần áo cũ… bán lấy tiền giúp người nghèo.
Gặp nhóm Ve Chai không khó, nhưng để “bắt” họ nói thì thật khó, bởi “việc chúng tôi làm rất bình thường, chẳng có chi đáng kể…”.
“Hoàng ve chai”
Hỏi tìm ông Nguyễn Văn Hoàng thì hàng xóm của anh ở đường Phan Chu Trinh có người biết, người không, nhưng hỏi “Hoàng ve chai” thì gần như người dân thành phố Huế ai cũng ít nhiều biết, ít nhiều kể một chuyện gì đó rất thú vị về người đàn ông có gương mặt phúc hậu, đã 67 tuổi, nhưng trông còn rất “trai” này. Thật khó để có được một cuộc nói chuyện trọn vẹn với ông, bởi ngày cũng như đêm, ông luôn tất bật và gần như cuốn theo với chuyện điều hành nhóm Ve Chai, thăm và giúp đỡ những người nghèo, chăm sóc bệnh nhân AIDS…
Bởi vậy phải tới lui mất 3 hôm mới nghe ông kể được chuyện năm 2003, trong Đại hội Bác ái xã hội 3 miền (của Thiên chúa giáo) tổ chức tại Huế, ông nghe được thông tin ở thành phố Vũng Tàu, linh mục Nguyễn Văn Châu đã lần đầu tiên nghĩ ra và tổ chức mô hình đi lượm ve chai bán lấy tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn rất thành công.
“Vốn trước đó nhóm của tui đã ấp ủ dự định phải làm một cái gì đó để giúp đỡ phần nào cho những phận nghèo, nhưng chưa biết phải làm như thế nào, khi nghe thấy mô hình ở Vũng Tàu hay quá, tui quyết định học tập và tổ chức ngay một nhóm như vậy tại Huế. Lúc đầu nhóm có 4 người” – ông Hoàng nhớ lại: “Tui cùng với 3 thanh niên còn rất trẻ có cùng mục đích. Việc đầu tiên, chúng tôi đặt tên nhóm là “nhóm Ve Chai”, sau đó góp tiền lại để mua một chiếc xe bagác để làm phương tiện thu gom phế liệu…”. Cái tên “Hoàng ve chai” ra đời từ đó.
Hơn 5 năm nay, cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, nhóm lại tập hợp, rồi chọn tuyến, khi thì đi dọc sông Hương, khi thì vào các chợ, hoặc đến các nhà dân… để nhặt, xin từng vỏ chai, túi nylon, báo cũ, quần áo và thậm chí là cả rác thải để chất lên xe. Cuối buổi, nhóm Ve Chai ngồi lại để phân loại những thứ có được: Quần áo cũ để dành cho người nghèo; vỏ chai, bao nylon đem bán đong gạo giúp người đói; sách vở cho các bạn trò nghèo hiếu học…
“Hiện nhóm chúng tôi đang hỗ trợ lâu dài cho 12 đối tượng nghèo, trong đó có 2 em bị nhiễm HIV/AIDS dưới 5 tuổi, mỗi người 100.000đ/tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn lập một quỹ dự phòng (hiện khoảng 5 triệu đồng) để hỗ trợ những trường hợp khó khăn đột xuất và dự phòng để cứu trợ đồng bào gặp nạn khi lụt bão” – ông Hoàng kể.
Khơi dậy lòng nhân ái
Đến thời điểm này, nhóm Ve Chai đã có 18 thành viên thường trực, phần lớn là những sinh viên và học sinh đang theo học ở các trường trung học và đại học ở thành phố Huế. Nguyễn Ngọc Thu Uyên – nữ sinh lớp 12 của trường Nguyễn Trường Tộ, Huế, vừa mới gia nhập nhóm nhóm Ve Chai được hơn một năm – kể: “Em biết đến nhóm Ve Chai vì nhóm tuần mô cũng ghé qua nhà em để xin phế liệu. Lúc đầu em thấy lạ, nhưng sau thấy công việc của các anh chị trong nhóm hay quá nên em xin gia nhập nhóm”.
Theo chân nhóm Ve Chai một buổi chiều đi vòng quanh các tuyến đường Nguyễn Huệ – Phan Chu Trinh – Phan Đình Phùng… của thành phố Huế mới biết công việc của nhóm không phải là khó, nhưng để làm được thật không dễ dàng gì. Đi cả buổi mỏi chồn chân, mồ hôi nhễ nhại, đói lả người, nhưng tiền thu được từ bán phế liệu chỉ vỏn vẹn có 87 ngàn đồng! Tuy vậy, cả nhóm ai cũng hồ hởi, phấn khởi bởi “kiến tha lâu đầy tổ” và “cứ nghĩ đến việc số tiền mình kiếm được dù không nhiều, nhưng sẽ giúp ích cho một ai đó là quên hết mệt nhọc”.
Nguyễn Trần Quỳnh Anh – một thành viên nữ khác của nhóm – buồn buồn: “Rứa là nhiều rồi đó, có nhiều bữa, tiền thu được còn ít hơn”. Một thành viên nữ tâm sự: “Thú thiệt, lúc đầu em cũng có chút ái ngại khi đi làm công việc này, nhưng giờ thì không còn nữa, bởi số tiền chúng em kiếm được dù ít, nhưng lại góp phần đỡ đần được cho rất nhiều người trong hoạn nạn”.
“Mẹ đỡ” của những bệnh nhân HIV/AIDS
Không chỉ nhặt ve chai giúp đỡ người nghèo, nhóm thiện nguyện của ông Hoàng còn là những cộng tác viên của dự án từ thiện tôn giáo, do Tổ chức NAV (Na Uy) tài trợ kinh phí để tư vấn, chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS ở Huế từ nhiều năm nay. “Ngày thứ bảy dành cho người bệnh” là một trong những hoạt động chính của nhóm từ thiện tôn giáo. Cứ đến ngày thứ bảy hàng tuần là các tình nguyện viên tập hợp tại Trung tâm tư vấn, điều trị nội ngoại trú HIV/AIDS, ở khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện T.Ư Huế để cùng “sống” với người bệnh, từ hỏi han sức khoẻ, đi chợ, nấu cơm…
“Ngoài ngày thứ bảy dành cho những bệnh nhân nặng ở bệnh viện, mỗi tháng một lần, các tình nguyện viên còn phân công nhau về thăm hỏi, chăm sóc những người bệnh nhẹ ở cộng đồng” – ông Hoàng nói: “Thường chúng tôi đến để theo dõi tình trạng, diễn tiến sức khoẻ của họ thế nào, rồi tư vấn cho họ và người thân cách phòng, chống, hướng dẫn sinh hoạt hàng ngày”.
Trong những việc mà các tình nguyện viên đã làm, đáng kể nhất là việc tẩm liệm những bệnh nhân chết. Đây là công việc “rùng rợn”, mà thường không phải tình nguyện viên nào cũng đủ can đảm để làm, dù đã đọc… thuộc như cháo sách hướng dẫn!
Ông Hoàng nhớ lại một trong hàng chục ca mà mình đã tham gia tẩm liệm trong mấy năm nay: “Đó là chị Lộc, ở xã Điền Hương, huyện Phong Điền, TT-Huế. Khi bệnh viện cho chị về nhà để chờ chết thì gia đình đã làm riêng cho chị một cái chòi ở vườn sau để sống một mình và suốt mấy tháng liền không ai hỏi han, chăm sóc. Khi chúng tôi về thăm thì cũng là lúc chị mất. Sống thì xa lánh đã đành, nhưng khi chị chết, người nhà cũng chỉ đứng ở xa mà nhìn. Không còn cách nào khác, mấy anh em chúng tôi phải tự đi mua quan tài, rồi làm thủ tục, thay quần áo, rửa ráy, tẩm liệm cho chị”.
Chính bản thân và những việc làm của các tình nguyện viên như ông Hoàng đã làm giảm đi rất nhiều sự kỳ thị của cộng đồng, người thân… đối với những người nhiễm HIV. Và quan trọng hơn cả, là qua họ, những người nhiễm đã biết chấp nhận những gì đã xảy ra với mình để sống thanh thản… trong những ngày còn lại trên dương thế.
Chị T – một bệnh nhân HIV/AIDS mà tôi tiếp cận được – tâm sự: “Họ tốt lắm. Hồi tui mới nhiễm, cả người thân trong gia đình cũng nhìn tui bằng ánh mắt xa lánh, khinh bỉ. Khi tui đến đây, tui đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy các anh chị ấy đến ngồi chung giường với tui, rồi chăm sóc, hỏi han, động viên. Đã có lúc tui muốn bỏ tất cả để thắt cổ mà chết, nhưng chính các anh chị ấy đã truyền cho tui niềm tin để tiếp tục sống cho đến bây giờ”.
Gặp tôi ba – bốn dạo, dạo nào ông Hoàng cũng nhắn: “Khi có phế liệu hư bỏ không sử dụng xin ông, bà vui lòng liên lạc với nhóm Ve Chai chúng tôi ở số điện thoại sau: 054.826313, chúng tôi sẽ đón nhận để bán và chia sẻ với người nghèo. Ông, bà chính là người cho, còn chúng tôi là những người trung chuyển trao lại cho người nhận”.
Hỏi duyên cớ nào dẫn đến việc bao nhiêu năm nay, ông và nhóm Ve Chai của ông lại có thể tỉ mẩn, hết lòng với người nghèo và bệnh nhân HIV/AIDS một cách vô điều kiện như vậy? Ông cười, hồi lâu mới trả lời tôi, nhưng lại bằng một câu hỏi khác: “Làm việc thiện mà cũng có nguyên nhân à?”.