Từ lâu người ta đã thường nói "Ăn uống không rau như đau không thuốc" ý muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của rau quả đối với đời sống con người. Tuy nhiên, gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm đang tăng vọt và số lượng người phải nhập viện cấp cứu ngày càng nhiều. Nguyên nhân được xác định do rau trái có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Để khắc phục tình trạng trên mô hình trồng rau sạch tại nhà bằng phương pháp thuỷ canh phù hợp với người dân ở khu vực đô thị. Có thể tận dụng không gian ở hiên nhà, sân thượng hay hành lang… giúp các gia đình không có vườn đất vẫn có thể tự trồng trọt, cung cấp rau xanh an toàn cho bữa ăn hàng ngày.
Theo Trung tâm giống cây trồng Phú Thọ, ứng dụng công nghệ thủy canh để sản xuất rau an toàn là một hệ thống trồng cây trong dung dịch không tuần hoàn được Trung tâm phát triển rau đậu Châu Á do tiến sỹ Hideo Imai và David Midmore nghiên cứu và hoàn thiện.
Trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh không phải điều chỉnh độ pH do tạo ra chất đệm giữ ổn định độ axit, không phải sục khí và cho nước chảy liên tục. Bằng kỹ thuật này cây rau được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết, cách ly với nguồn sâu bệnh, phân tươi, nước ô nhiễm, tránh được các độc tố. Mô hình trồng rau thuỷ canh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bởi cây rau hoàn toàn sạch và an toàn. Các loại rau ăn lá đều thích hợp với môi trường thuỷ canh: rau xà lách, rau cải canh, rau húng, rau muống.
Quy trình trồng rau thủy canh khá đơn giản:
Chuẩn bị vật liệu chọn hộp xốp có chiều dài 40 cm – 50 cm, cao 15 cm, nylon đen lót hộp, rọ nhựa có đường kính rọ 5 cm, đáy 2,9 cm, cao 7,3 cm, giá thể (trấu hun) và các chất dinh dưỡng đóng can bán trên thị trường.
Đặt thùng thủy canh trực tiếp trên nền xi măng, ban công, sân nhà… nơi co ánh nắng mặt trời, làm lưới để che chắn côn trùng, hộp xốp phải được lót nylon đen vào đáy hộp, ny lon đen có tác dụng giữ dung dịch và tạo môi trưòng thuận lợi cho sự phát triển của rễ, khoan lỗ vào các hộp có đường kính tương đương với miệng trong nhựa, khoảng cách các lỗ theo mật độ cây trồng.
Ví dụ: Rau cải xanh, xà lách, rau dền, cải trắng khoan 12 lỗ; rau muống, rau húng, rau cải ngọt khoan 20 lỗ. Lót lưới nhựa vào đáy rọ để trấu không rơi xuống dung dịch dinh dưõng, nhồi trấu hun vào rọ, xếp các rọ đã đựng trấu lần lượt vào hộp xốp, xếp khít để tránh đổ trấu vãi ra ngoài (chú ý không nên nén chặt tay).
Có rất nhiều công thức để pha dung dịch thuỷ canh, để có công thức thuỷ canh đáng tin cậy được pha trộn từ trước chúng ta có thể liên hệ với Trung tâm giống cây trồng Phú Thọ. Mỗi một túi dinh dưỡng bột sử dụng cho 12 hộp xốp.
Để chia được đều ta pha dung dịch mẹ: Cho túi bột dinh dưỡng vào 6 lít nước lã khoắng đều cho tan hết sau đó cho vào mỗi hộp xốp 0,5 lít dung dịch mẹ và lên mực nước cho đủ 12 lít nước/ hộp xốp và khuấy đều là được dung dịch trồng rau. Trước khi tiến hành gieo hạt cần làm ẩm giá thể để đảm bảo sự duy trì độ ẩm cho hạt.
Sau khi gieo 7 – 12 ngày tùy vụ, khi cây được 2 lá mầm thì đánh cấy vào rọ đã nhồi sẵn trấu hun sau đó xếp vào hộp xốp, mực nước trong hộp xốp ngập 1/3 rọ nhựa để 3 – 4 ngày rồi xếp lên khay đã đục sẵn lỗ cho từng loại rau.
Trong quá trình chăm sóc rau chúng ta phải thường xuyên kiểm tra hộp trồng rau để tránh rò rỉ dung dịch dinh dưỡng; cần bổ sung nước sạch cho đến khi thu hoạch đối với loại rau thu hoạch một lần như rau cải ngọt, rau cải canh… nếu là rau muống hay rau thơm… là rau thu nhiều lần trên cây cần bổ sung lượng dinh dưỡng bằng 30% lượng dinh dưỡng dung dịch mẹ cho ban đầu sau mỗi lần thu hoạch; theo dõi hàng ngày nếu có sâu thì bắt bằng phương pháp cơ học; bổ sung và thay thế những cây xấu, kém, những cây chết, chuyển đổi vị trí cho rau đủ ánh sáng và dinh dưỡng; cắt bỏ lá gốc, lá vàng, tỉa nhánh rễ, vệ sinh hộp sau mỗi lần thu hoạch đối với cây lưu vụ (rau muống, rau húng); mùa hè cần che nắng bằng lưới đen từ 10 giờ đến 16 giờ.