Trên dòng Mêkông, một ngày phiêu bạt

Từ cửa khẩu Chiang Khong – Thái Lan, bước xuống đò ngang hướng sang cửa khẩu Houay Xay nước Lào. “Mêkông, mùa này nước kém, dân bản địa ít ai đi thuyền cao tốc vì sợ đâm vào đá ngầm, nên tốt hơn hết hãy chuyển sang xe đò để được an toàn”. Đó là lời khuyên của chị Ninh, quê ở Sơn La, lấy chồng người Lào hiện đang lập nghiệp tại Houay Xay tỉnh Bo Keo, khi được hỏi thăm đường về Luang Phrabang.

Tiếc thay, nếu sử dụng xe đò thời gian phải mất gần 20 tiếng, gấp ba lần thời gian ngồi thuyền cao tốc, ngoài ra xét mức độ nguy hiểm, vất vả thì đôi bên ngang nhau bởi xe chạy ban đêm qua nhiều đèo dốc, hiểm nghèo. Thôi đành chọn dấn thân trên giang trình Mêkông dù giá vé xuýt xoát 55 USD/khách.

Sáng sớm, tôi đã rời khách sạn đón xe tuk tuk chạy thẳng xuống bến thuyền cách chợ Houay Xay chừng 5km, kịp đi chuyến 8h30 và là chuyến duy nhất khởi hành trong ngày. Tuy nhiên phải chờ đến gần 9h30 mới có lệnh xuất bến, khi số lượng hành khách vừa đủ 8 người, ngồi chật cứng đến nỗi không thể xoay người hoặc duỗi chân ra phía trước. Hành lý, ba lô thì chất đống ngay mũi thuyền dưới tấm lưới chằng chịt, để tránh bị rơi xuống nước. Trước đó viên cảnh sát Lào chịu trách nhiệm kiểm tra hộ chiếu kiêm luôn công việc bán vé tại bến tàu, cảnh báo cho mọi người: tốc độ của thuyền sẽ đạt trung bình ở mức 80km/h. Để đảm bảo an toàn, khách được phân phát áo phao, nón bảo hiểm và phải cam kết sử dụng suốt chặng đường dài 400km.

 
Bình minh trên Tam Giác Vàng.

Chỉ mới rời bến, con thuyền nhỏ nhắn, mảnh mai lao thẳng phía trước với tốc độ kinh hồn đồng thời xé mặt sông thành hai vạt nước tung toé lên không trung. Gió và nắng nóng hầm hập táp thẳng vào mặt chúng tôi. Nước cạn, dòng chảy trôi lững lờ giữa núi rừng hiu quạnh như mang nhiều nỗi trầm tư, nhưng dấu vết xói mòn để lại hai bên vách đá đôi bờ đã minh chứng cho sự hung dữ, ầm ĩ của nó vào mùa mưa lũ. Chưa kịp thích nghi, thuyền tiếp tục gầm rú tăng tốc khi đến Paktha, nơi dòng sông Mêkông vĩ đại lấn sâu vào lãnh thổ xứ Triệu Voi và chấm dứt sứ mệnh phân chia biên giới Thái – Lào như lâu nay vẫn thế.

Bất ngờ ở trước mặt, lộ diện dãy rừng đá lởm chởm giăng kín cả mặt sông và dòng nước vốn dĩ trong xanh, hiền hoà nay biến dạng thành những vùng xoáy sục sôi trước khi đổ dồn theo dạng thắt cổ chai vào ghềnh thác nổi đầy bọt trắng. Cứ tưởng, tài công sẽ giảm tốc độ, tìm luồng rạch vượt qua ngờ đâu anh ta lả lướt ngoằn ngoèo giữa hàng loạt khe đá sừng sững rồi tăng tốc bay thẳng vào xoáy nước sâu hoẳm. Tức khắc, con thuyền bị hất tung lên cao, trong chớp mắt lại chúi nhủi thật nhanh xuống vực, kế tiếp nó nghiêng ngả, chòng chành liên tục tưởng chừng muốn quay cuồng lật úp.

Càng về sau, địa hình sông Mêkông càng bí hiểm, bất trắc và chúng tôi không thể nào đếm xuể đã vượt qua bao nhiêu vực nước nguy hiểm giữa những cánh rừng đá xù xì hoặc bãi đá ngầm trong suốt cuộc hành trình. Song chắc chắn một điều là mỗi lần đối mặt với chúng là mỗi lần chúng tôi thật sự kinh hoàng, khiếp đảm. Đôi lúc, tôi nghĩ dại, nều chẳng may máy móc hỏng hóc ngay lúc “bay” trên ghềnh thác hay tài công chỉ cần chút sơ sẩy, thì cầm chắc con thuyền sẽ bị xoáy nước cuốn mất xác dưới đáy sông hoặc vỡ tan tác vì đâm vào đá. Cậu thanh niên người Pháp, ngồi cạnh tôi, thường xuyên xuýt xoa: “Thật khó tìm được chuyến đi nào mạo hiểm hơn bởi sự nguy hiểm đã đạt tới mức tột đỉnh”.

Giữa trưa, thuyền tấp vào một nhà hàng nổi thuộc thôn ấp Pak Beng nằm kề cận bờ sông, chuẩn bị đổi thuyền, tiện thể để khách dùng bữa, giải lao. Gọi tên nhà hàng nhưng thực ra nó là khung nhà bè nuôi cá được tận dụng mở quán cơm và làm trạm trung chuyển. Có điều đáng ngạc nhiên là tận nơi “thâm sơn cùng cốc” này ma tuý vẫn len lỏi, chuyền tay bán lẻ tới tận tay khách Tây ba lô.

 
Chùa cổ Wat Xieng Thong, Luang Phrabang, Lào.

Thuyền giảm tốc khi tiến vào ngoại vi cố đô Luang Phrabang. Trời đã về chiều, ánh nắng hoàng hôn đang nhạt nhoà trong sương núi buông mờ. Một ngày sắp qua đi được báo hiệu bằng hình ảnh người dân ra sông hồn nhiên tắm mát. Cánh thanh niên nam nữ thì kéo nhau xuống ngã ba sông, nơi nhánh sông Nậm Khan hợp lưu sông Mêkông để nô đùa bay nhảy. Xa xa sau hàng dừa xanh ven bờ là Wat Xieng Thong ngôi chùa mái dày sáu lớp toát lên vẻ đẹp cổ kính đến huyền hoặc, xa hơn nữa phía chân trời nổi bật ngọn tháp Wat Tham Phoussi vẫn sừng sững trước bao thăng trầm của thế sự.

Một ngày phiêu bạt trên Mêkông, chưa đủ để biết nhiều hơn ngoài bao điều tai nghe mắt thấy, nhưng chuyến đi đã giúp tôi trở về với miền thiên nhiên hoang dã, những vùng đất xa xôi, hãi hùng mà có tưởng tượng cũng không thể hình dung ra được, cả những cảm xúc mà lúc này dường như vẫn còn vương vấn đâu đây.