Nông nghiệp đồng bằng sông Hồng: Mô hình gia trại

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất đai trên đầu người tương đối lớn và người nông dân đã quen đi làm thuê từ trước năm 1975, việc tích tụ ruộng đất tương đối dễ dàng.

Ở đồng bằng sông Hồng, do diện tích đất canh tác trên đầu người chỉ hơn một sào, cộng với truyền thống gắn bó với đất đai, nên quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra khó hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch mặt trận xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, cho biết, trong số 1.850 hộ chỉ có 46 hộ có trang trại, chủ yếu nằm ở vùng đất chua trũng, xa làng, nuôi lợn, nuôi vịt, hoặc thả cá. Còn lại đa phần người dân xã ông nuôi lợn, gà vịt, hay thả cá ngay trong khuôn viên đất ở của mình.

Nhà ông Sơn nuôi 20 con lợn thịt, cứ ba tháng xuất một lần. Trừ vốn mua lợn giống và tiền thức ăn, một năm ông bà “bỏ lợn đất” được 10 triệu. Ông bà nuôi thêm khoảng 1.500 con gà mua từ lò ấp, cứ khoảng 25 – 30 ngày lại gọi bạn hàng đến chở đi. Tiền lãi tính ra được 1.000đ/con, một năm cũng cất được 18 triệu, nếu không dính đến dịch. “Nhà tôi có bốn sào, mỗi sào được ba tạ thì được hơn một tấn lúa. Nhưng nuôi bốn lứa lợn lãi gấp đôi cấy lúa cả năm”, ông Sơn nói.

Nhưng hay nhất là nhà ông lại dùng phân lợn làm biogas, từ đó sấy (sưởi) gà quanh năm, sấy lợn vào mùa rét bằng đèn biogas. Vợ ông không phải nhễ nhại mồ hôi, mặt mũi lấm lem như khi còn thổi cơm bằng rạ nữa (mấy năm nay mùa gặt nào ông cũng để rạ lại ngoài ruộng làm phân bón luôn, ngoài phân gà và phân NPK mua thêm). Vụ rét vừa rồi, 2/3 số hộ trong xã ông không phải cấy lại do không bón phân đạm, mà dùng phân chuồng, cây lúa không phổng lên nhưng lại khoẻ cây.

“Nhà tôi trước đây phải mua chín tấn than về nấu rượu, có bếp gas chỉ còn phải mua bốn tấn thôi. Tính ra một năm tiết kiệm được bốn triệu rưỡi, đầu tư hệ thống biogas chỉ cần một năm là đủ tiền gốc”, ông Sơn nói.

Ông cho biết cả xã ông có 100 hộ nấu cơm bằng bếp biogas. Ông hàng xóm của ông Sơn còn chơi sang, bỏ ra 6 triệu đồng mua cái máy phát điện chạy biogas. “Nghe đài truyền thanh xã thông báo thiếu điện vào mùa khô mặt mũi hắn cứ tỉnh khô”, ông Sơn kể.

Ông Phạm Văn Toán, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, cũng nấu rượu, nhưng rượu nếp Kim Sơn của ông không chỉ tiêu thụ trong phạm vi xã như ông Sơn, mà còn chuyển ra Hải Phòng, hay vào các khu công nghiệp phía Nam, nơi tập trung nhiều người gốc Kim Sơn. Một ngày ông nấu 16 lít loại rượu 52 độ, lãi được 32 nghìn. “Mỗi ngày nấu ba nồi, cũng vất vả, cả tháng chỉ được gần một triệu, nhưng cái lãi chính là lấy bã rượu để nuôi lợn”, ông Toán nói.

Nhà ông Toán đang nuôi 18 con lợn, nuôi từ lúc 10 – 12 cân đến ngoài 80 cân thì xuất chuồng. Ông Toán kể rằng nếu không có bã rượu thì phải cho ăn tới 30kg cám ngô một ngày, thay vì 12kg như hiện nay, và với giá 45 nghìn/yến như hiện nay một tháng ông tiết kiệm được 2,4 triệu tiền thức ăn cho lợn. “Người ta cứ nói chuyện lợn tai xanh ở đâu đâu chứ còn ở đây nhà nào nuôi bằng bã rượu lợn khoẻ lắm, cấm thấy bệnh tật gì”, ông Toán nói.

Ông Toán bảo xã ông có phong trào xây bể biogas từ 4 – 5 năm nay rồi, nếu đang nấu cơm hết gas chỉ cần đợi khoảng 15 phút gas lại lên. “Chứ không như nhà thằng cháu tôi ở Hà Nội phải gọi điện thoại rồi chờ nửa tiếng mới có người mang chở tới”, ông nói. Ông chỉ tiếc là khi xây bể không làm hai ngăn như nhà ông Hán bên cạnh, thành ra không có phân lợn bón ruộng, chứ không thì tiết kiệm được tới 50% phân đạm, mà không lo đất bị bạc màu.

Ông Phùng Văn Hán, người mà ông Toán giới thiệu, làm hai bể thông nhau với cái ống xây kiểu giao thông hào, phân mới vào thì phân cũ thải ra. Ông nuôi tới 80 con lợn, nên phân lợn thải ra bón cho một mẫu ruộng không hết, dân trong xóm ông cứ đến xin vô tư.

Nhà ông còn làm nghề chạy máy xay xát liên hoàn, tức là mua lúa bán gạo, một ngày xát hết 1 tấn lúa, dư vô khối trấu. “Trấu mình chở về đánh lẫn với phân lợn thải ra từ bể biogas làm phân bón rất tốt. Tôi đã đề nghị với xã là tôi bán một xe công nông khối rưỡi, có tác dụng tương đương với 30kg kali, lấy một trăm nghìn, chủ yếu là tiền trấu và công chở về đây, chứ phân vẫn cho không”, ông Hán nói. Cả xóm ông có chừng 100 hộ thì chỉ mới có 8 cái gia trại, mà theo ông nói chỉ vì không có tiền vốn.

“Nói thật với anh, nông dân biết cần phải làm gì cho có lãi nhất. Bao đời nay làm nông nghiệp rồi, chúng tôi không thiếu kinh nghiệm. Cái chúng tôi thiếu chỉ là tiền thôi, mà Nhà nước hình như chưa quan tâm mấy. Tôi lên ngân hàng Nông nghiệp huyện định vay đôi trăm triệu để mở rộng sản xuất mà họ nói đến một triệu họ cũng không có”, ông Hán, vừa là bí thư chi bộ và đội trưởng sản xuất của xóm 8 này, vừa nói vừa giơ hai cuốn sổ đỏ kẹp trong tờ báo Nhân Dân mà ông đã mang lên ngân hàng để định thế chấp vay tiền.