Cứ nhìn những cặp chân gà nướng vàng rộm thơm ngon thì chẳng mấy thực khách lại nỡ từ chối món ăn khoái khẩu này. Nhưng đã có ai tự hỏi chân gà nhập từ đâu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không?
Có mặt tại cửa hàng chân gà Mạn số 101, B1 phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội để tìm hiểu con đường vận chuyển chân, cánh, đùi gà được nhập từ đâu thì một chị bán nước bên cạnh cửa hàng này “bật mí”: phải hơn 10h trở ra “chim lợn” mới đến giao hàng.
Sáng ngày 25/06, tới cửa hàng này một lần nữa. Đúng như chị bán nước cho biết, 10 giờ sáng những chuyến xe máy đầu tiên xuất hiện mang theo những thùng to được bọc rất kín, phía ngoài ghi toàn tiếng Trung Quốc.
Vào vai một nhân viên quản lý một khách sạn ở Hà Nội cần mua khối lượng lớn chân gà, tôi hỏi chủ nhân chiếc xe mang biển kiểm soát 33K6 4766: “Ông anh có thể giao cho tôi chân gà hàng ngày không? Nếu chân gà đảm bảo tôi sẽ có hoa hồng cho anh”.
Anh ta ra hiệu cho tôi ra quán nước ngồi chờ. Sau 2 phút, anh ta trở lại quán nước và tự giới thiệu tên Sinh, là nhân viên Công ty TNHH MĐ chuyên cung cấp chân gà, cánh… cho các cửa hàng Mỹ Miều, chân gà Mạn, Lý Văn Phúc, Trịnh Hoài Đức… Theo như Sinh cho biết nếu có nhu cầu thì có thể vận chuyển cả tấn và Sinh có thể vào tận kho chọn cho tôi những thùng hàng ngon nhất.
Theo lời Sinh, bất kể chân, cánh hay đùi sau khi tháo ở thùng ra thì đều phải ngâm trong nước lã từ 1h – 2h cho sạch những hóa chất. Sau đó tiếp tục đổ dấm vào để tẩy, rửa cho chân gà trắng thêm. Công đoạn cuối cùng của khâu này là cho chân gà vào các xô chậu rồi tưới bia hơi lên trên vì chân gà nhập từ Trung Quốc sang để lâu trong kho nên chân gà khô như củi, muốn ngon thì phải ngâm trong bia.
“Đặc sản”… đáng ngờ
4h chiều quán chân gà Mạn (101, B1 phố Phạm Ngọc Thạch) cửa vẫn đóng im ỉm nhưng bên trong không khí chế biến chân gà thật sôi động. 4 chậu chân, cánh gà đang được các công nhân ngâm trong nước lã.
Một nam công nhân tay đeo găng, miệng bịt khẩu trang chân đi ủng đang dùng vòi nước bơm vào các chậu. Chốc chốc, anh ta lại cúi xuống thò hai tay đảo chân gà trong chậu. Mỗi lần như vậy, mùi hăng hắc bốc lên.
Không thể chịu nổi mùi hôi tanh, tôi phải lao ra quán nước ngồi lấy lại bình tĩnh. Ông T, bán nước đối diện cho biết: “Cứ lúc nào mấy công nhân cho chân, cánh vào ngâm trong nước thì cả khu phố phải bịt mũi. Tôi không dám chắc bên trong có hoá chất hay không nhưng mùi thì rất hắc. Vậy mà cánh thanh niên tối nào cũng hò dô suốt đêm. Đúng là đặc sản dành cho người không sợ chết!”
5h chiều bên kia đường đối diện với quán 101, B1 là quán Mỹ Miều cũng đã cất bếp. Bên cạnh mấy thùng chân gà đã ướp sẵn, là chiếc rãnh nước lộ thiên, nước thải chảy lênh láng bốc mùi hôi thối khiến tôi không khỏi rùng mình buồn nôn.
Bước vào quán, lúc này thực khách đã đông, chúng tôi tìm chỗ khuất cho tiện quan sát. Theo quan sát của phóng viên thì chân gà ở cửa hàng này có vẻ ngắn hơn hẳn so với chân gà của phố Lý Văn Phúc và Trịnh Hoài Đức. Thử xé những đốt ngón chân gà thì thấy bên trong các ống xương đã rỗng, mục nát, nhiều chiếc còn có mùi thum thủm lẫn mùi hăng hắc giống hoá chất.
Đưa mắt nhìn theo những công nhân nhí đang miệt mài phục vụ thượng đế khiến chúng tôi phải phát hoảng. Bên đống dưa chuột đã được trộn, hai công nhân nhí một nam một nữ luôn dùng tay không đeo găng bốc dưa chuột đưa lên đĩa rồi chắt nước mang cho khách dùng. Chốc chốc, họ lại thò bàn tay đấy bốc cánh, chân gà. Làm xong chắc không có thời gian họ lại lau tay vào đít quần. Tôi tự hỏi không biết có phải món chân gà này quá ngon mà thực khách không hề để ý đến người phục vụ.
Rời khỏi quán, lúc này đã gần 6 giờ tối dòng người vẫn không ngừng vào quán ăn chân gà nướng. Tiếng í ới gọi chân gà mỗi lúc một tăng lên. Dường như chả mấy ai để ý tới nguồn gốc, xuất xứ rất khả nghi của món đồ ăn vỉa hè này.