ThienNhien.Net – Giá nông sản tăng và nhu cầu nhiên liệu sinh học đang nhanh chóng làm giảm diện tích của khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ nào được thực thi thì một nửa rừng Amazon ở Brazil sẽ bị tàn phá hoặc khô hạn trong vòng 20 năm tới.
Sau 3 năm giảm liên tục tình trạng phá rừng Amazon ở Brazil, trong 5 tháng cuối năm 2007 vấn nạn này lại tăng lên một cách đột ngột, gần gấp đôi so với cùng kì năm 2006. Sự tăng lên đột ngột này là do sự bùng nổ tiêu dùng trên toàn cầu. Và điều đó đã làm tan biến những sáng kiến bảo vệ môi trường và những công cụ pháp luật có thể khống chế tình trạng phá rừng ở khu vực nhiệt đới đặc trưng này.
Điều đó cho thấy rằng toàn cầu hoá và tăng trưởng kinh tế phải chịu trách nhiệm về số phận của khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này. Sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Nga, và Brazil trong thời gian qua tạo ra nhu cầu quốc tế về hàng hoá nông nghiệp và góp phần vào việc phá huỷ rừng Amazon.
Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tình trạng trên không được kiểm soát, thì sự phát triển các loại hàng hoá cần nhiều năng lượng cùng với việc đốn gỗ đã có từ trước, hoạt động canh tác nông nghiệp, và những biến động trên diện rộng như cháy rừng, hạn hán sẽ làm cho hơn một nửa diện tích rừng Amazon biến mất trong 20 năm tới. Đặc biệt, với những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến cho rừng Amazon trở nên khô hạn hơn thì tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Tình trạng suy giảm diện tích rừng do phát triển nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, sự nóng lên toàn cầu, và cháy rừng xảy ra thường xuyên – đang tạo ra những áp lực chưa từng có đối với rừng Amazon.Trong lịch sử, rừng Amazon đã được thử thách khả năng đàn hồi với biến đổi khí hậu, và những xáo trộn do con người gây ra.
Chẳng hạn như những biến động do người Colombia tiền sử gây ra, hay một loạt các trận cháy và hạn hán trong suốt 1000 năm xảy ra hiện tượng tương tự như El – Nino. Song, chưa bao giờ rừng Amazon lại phải đối mặt cùng lúc với nhiều nguy cơ gây mất rừng như hiện nay. Nhiều nhà khoa học và nhà bảo vệ môi trường đang thực sự lo lắng bởi vì mất rừng Amazon không chỉ là mất đi một khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao mà còn là mất đi bể hấp thụ cacbon khổng lồ, và điều đó sẽ càng đẩy nhiệt độ trái đất lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Philip M. Fearnside, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Brazil ở Amazon nói: “Phá rừng Amazon sẽ tạo ra một lượng lớn các khí gây hiệu ứng nhà kính, làm cho thời tiết lại càng khô nóng và rừng lại tiếp tục chết. Lượng khí phát thải do cây cối bị khô héo và đất trở nên nóng hơn cũng đóng góp thêm vào hiệu ứng nhà kính.”. Đó là vòng luẩn quẩn trong bối cảnh ấm lên toàn cầu
Nguyên nhân mất rừng Amazon
Khác với những năm 1970, khi sự mất rừng chủ yếu là do các chính sách của chính phủ để thúc đẩy sự khai hoang và định cư của những người nông dân, ngày nay nguyên nhân chủ yếu là do việc thay đổi mục đích sử dụng đất ở Amazon – Brazil, biến nhữngdiện tích rừng rộng lớn thành các vùng sản xuất nông nghiệp và các đồng cỏ chăn nuôi gia súc.
Người Brazil xem Amazon như là một thiên đường nông nghiêp của Nam Mỹ, một đối thủ của miền Trung Hoa Kỳ. Sự thay đổi trong cách tiếp cận như trên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của rừng Amazon – Sự ảnh hưởng đó có thể là do mở rộng của các công trình cơ sở hạ tầng, sự phun thuốc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc hay việc cải tạo các vùng đất chua đặc trưng của vùng thành các nông trại trồng đậu tương quy mô lớn.
Khi trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng, số phận của rừng Amazon sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường lương thực và nhiên liệu sinh học toàn cầu. Và khi đó, sự tăng giá lương thực sẽ đồng nghĩa với việc phá rừng.
Có rất nhiều nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng mất rừng, trong đó nguyên nhân chính trong thời gian gần đây là do giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu do nhu cầu thế giới tăng lên; sự tăng tiêu thụ thịt và ngũ cốc ở các thị trường đang phát triển; và sự quan tâm đến nhiên liệu sinh học do giá dầu tăng cao, sự đầu tư của Hoa Kỳ để trồng ngô lấy nhiên liệu ethanol.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự mở rộng nông nghiệp của Brazil là một dự án trị giá 43 tỷ USD để xây dựng đường giao thông, bến cảng, các đường ống dẫn, các đập thuỷ điện, và các cơ sở hạ tầng khác trong và xung quanh khu vực Amazon.
Thông tin vệ tinh của Brazil từ cuối năm 2007 cho thấy số lượng các đám cháy và sự phá rừng đang tăng lên. Đất rừng nhường chỗ cho các cánh đồng đậu tương và các đồng cỏ chăn nuôi gia súc ở Para và Grosso. Tình trạng mất rừng đã tăng ít nhất 50% so với cùng kỳ năm 2006.
Cùng với đó là tình trạng cháy rừng xảy ra trên diện rộng. Có khoảng 123.000 đám cháy trên khắp khu vực Amazon – Brazil được vệ tinh Terra và AQUA ghi nhận, nhiều nhất từ khi những vệ tinh này bắt đầu hoạt động từ năm 2003. Sự phá rừng trong 5 tháng cuối năm 2007 tương đương với diện tích 7000km2, gấp hơn hai lần diện tích của Đảo Rhode.
Những biến động chính trị và kinh tế, cả ở trong nội bộ Brazil lẫn và nước ngoài đang đóng phần đẩy nhanh viêc mở rộng diện tích nông nghiệp ở Amazon. Chính sách Năng lượng của Hoa Kỳ, với những hỗ trợ ưu tiên cho những cánh đồng ngô làm nhiên liệu sinh học hiện đang thúc ép việc mở rộng diện tích trồng ngô ở Brazil.
Tiến sĩ William F. Laurance, tại Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian, Mỹ đã nói: “Tất cả chúng ta đều đang nhìn thấy có một sự liên quan mật thiết giữa ngô làm nhiên liệu sinh học và tình trạng phá rừng Amazon”.
Còn Tiến sĩ Daniel Nepstad, giám đốc Chương trình Amazon của Trung tâm nghiên cứu gỗ ở Belém, Brazil thì cho hay: “Ở Brazil cây mía đường và đậu tương là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mất rừng Amazon”. Những người trồng đậu tương ở Amazon hiện nay được phép hoãn trả nợ trong hai năm đầu, trong khi đó không có một chính sách ưu đãi nào dành cho những người chăn nuôi gia súc. Điều đó đã buộc những người chăn nuôi gia súc có thu nhập thấp sẽ phải bán đất cho những người trồng đậu tương và dời đến các vùng đệm gần rừng Amazon, khiến diện tích rừng bị thu hẹp lại.
Nhu cầu về nhiên liệu sinh học vẫn tiếp tục tăng, và như vậy thì rất có thể sắp tới đây cây cọ dầu sẽ trở thành loài cây trồng chính ở Amazon – đó là một dấu hiệu đáng ngại vì cây cọ dầu chính là nguyên nhân đang gây ra tình trạng mất rừng trên diện rộng ở Indonesia và Malaysia. Các chuyên gia nhiên liệu sinh học đánh giá Brazil có khoảng 2,3 triệu km2 diện tích đất rừng có thể chuyển đổi thành đất trồng cọ dầu, bằng diện tích rừng dành cho đậu tượng và mía đường cộng lại.
Người ta cũng đã đôn đáo khắc phục những trở ngại về vấn đề vận chuyển sản phẩm nông nghiệp đến thị trường tiêu thụ bằng một loạt các dự án làm đường giao thông được chương trình Avanca Brasil cấp vốn. Tuyến đường cao tốc Transoceanic nối vùng lõi Amazon với cảng Pacific ở Pêru đã kích thích mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn nữa.
Những con đường như Transoceanic sẽ làm cho những người khai thác gỗ, những người đầu cơ đất, các chủ trang trại chăn nuôi, nông dân và những người định cư mới cơ hội tiếp cận những vùng đất xa xôi hẻo lánh. Nhưng những lợi ích kinh tế đó sẽ đi kèm với một hậu quả là diện tích rừng tiếp tục giảm để nhường đất cho các thành phần kinh tế khác.
Mối đe dọa từ nhiều phía
Nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong khi đó Amazon đang phải chịu những thiệt hại chưa từng có do hạn hán, cháy rừng gây ra. Và những hiện tượng này đang ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Tác động của tất cả những nhân tố đó đang đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai của Amazon.
Với những hiểu biết về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đang tìm hiểu những tác động của nó đến khu rừng mưa lớn nhất hành tinh này. Những thay đổi gần đây ở Amazon rất đáng lo ngại. Mất rừng trên diện rộng đã làm mất khả năng giữ nước, tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời và gió sẽ làm cho tầng mùn của rừng trở nên khô hơn. Cành lá khô sẽ rất dễ bắt lửa từ các điểm khai hoang ở gần đó.
Jos Barlow, một nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Lancaster, Vương Quốc Anh và Bảo tàng Paraense Emílio Goeldi, Brazil cho biết: “Xét về trước mắt, những đám cháy này dường như vô hại nhưng thực ra chúng rất nguy hiểm cho hầu hết các loài cây trong rừng mưa nhiệt đới, những loài cây thích kém với nhiệt độ. Kết quả là sau một thời gian dài, những đám cháy này sẽ tiêu diệt khoảng 40% cây rừng”.
Khả năng chứa nước của rừng mưa đã giảm sút – khả năng tuần hoàn nước của rừng Amazon cũng giảm sút. Ít cây hơn thì cũng đồng nghĩa với việc ít mưa hơn. Bên cạnh đó, khói từ các đám cháy cũng tạo thành những màng chắn làm giảm lượng mưa của cả vùng. Và những ảnh hưởng này không chỉ giới hạn ở Brazil. Theo những nghiên cứu của Roni Avissar đến từ Trường Đại học Duke, sự thay đổi của Amazon có thể ảnh hưởng đến lượng mưa của một vùng rộng lớn từ Mexico đến Texas.
Năm 2003, trong một nghiên cứu mô phỏng của Peter Cox và các đồng sự ở Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo Khí hậu Hadley đã gây xôn xao dư luận khi đưa ra dự báo rằng Rừng Amazon sẽ bị hủy diệt phần lớn vào giữa thế kỷ này và hệ sinh thái này sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt trước năm 2100. Dự báo này được đưa ra dựa trên những mô hình tính toán về ảnh hưởng của việc tăng nồng độ cacbon dioxit trong không khí dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa của vùng. Giờ đây, những dự đoán này thậm chí có thể rút ngắn hơn nữa do những tác động của sự thay đổi sử dụng đất.
Trong Kỷ yếu Khoa học Hoàng gia xuất bản đầu năm nay, nhóm nghiên cứu do Daniel Nepstad đứng đầu dự báo: “Nếu tình trạng phá rừng, cháy rừng và biến đổi khí hậu vẫn theo chiều hướng như hiện nay thì khoảng 55% diện tích rừng Amazon sẽ bị hủy diêt do hạn hán và cháy rừng trong 20 năm tới. Và sự hủy diệt này sẽ giải phóng khoảng 15 đến 26 tỷ tấn cacbon vào khí quyển, và như vậy càng làm cho tình trạng nóng lên và mất rừng trở nên nghiêm trọng hơn”.
Thực tế cho thấy Amazon bị hủy diệt là do sự xâm lấn của các trang trại chăn nuôi gia súc, sản xuất đậu tương và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nắm được nguyên nhân đó, chúng ta cũng có lý do để tin rằng Amazon có thể tránh được nguy cơ bị hủy diệt nếu chúng ta có biện pháp tiếp cận phù hợp.
Quá trình công nghiệp hóa của thế giới đã phải trả giá bởi hàng tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển mỗi năm. Giờ đây, chính các ngành công nghiệp phải chấp thuận việc thực hiện các sáng kiến để bảo vệ rừng Amazon khỏi nạn phá rừng và hủy diệt. Một trong những biện pháp được biết đến là REDD (Giảm phát thải do phá rừng và mất rừng). Với cơ chế này, các tổ chức cá nhân cũng như các chính phủ sẽ phải trả cho Brazil và những người dân ở vùng Amazon để họ không chặt phá và đốt rừng. Thị trường REDD sẽ buộc các cơ sở công nghiệp và các quốc gia phát thải khí nhà kính phải trả tiền cho những người bảo vệ các “bể hấp thụ cacbon”.