Hàng trăm năm trước, quần thể du lịch Tam Cốc- Bích Động thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã nổi tiếng là một danh thắng quốc gia với lời đề tặng “Nam thiên đệ nhị động”. Ai đã đặt chân đến vùng đất này, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp của non nước hữu tình. Mới đây, vùng đất thiêng Ninh Bình lại càng nổi tiếng hơn bởi sự xuất hiện của chùa Bái Đính- ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với nhiều kỷ lục độc đáo.
Cách Thủ đô Hà Nội 100km về phía Nam, khu du lịch Tam Cốc- Bích Động mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước nhờ vẻ đẹp nguyên sơ, với nhiều hang động, di tích gắn với lịch sử, văn hóa và cả những huyền thoại như đền Thái Vi, chùa Bích Động, động Tiên, chùa Linh Cốc…
Tam Cốc được ví như một “Hạ Long trên cạn” bởi phong cảnh núi non đẹp hơn tranh vẽ. Để khám phá Tam Cốc, du khách chỉ có thể đi qua con đường thủy duy nhất bằng cách đi thuyền, phí đi và về 30.000 đồng/thuyền, trong thời gian từ 2 đến 3 giờ.
Mỗi chiếc thuyền be bé chỉ chở được tối đa bốn người, do những người dân địa phương nơi đây “cầm lái”. Những người cầm lái cũng chính là những hướng dẫn viên nghiệp dư, vừa chèo thuyền vừa thuyết minh cho bạn về vẻ đẹp của thiên nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử hay văn hóa của vùng đất này.
Thuyền vừa rẽ nước trước mắt du khách sẽ hiện ra những dãy núi sừng sững, xanh um nối tiếp nhau soi bóng trên mặt nước. Tam Cốc có nghĩa là 3 hang. Trên đường vào hang Cả, khách sẽ đi qua những trái núi có hình dáng tựa như mũ quan văn, quan võ hay mỏm đá có hình dáng như mỏ chim đại bàng…
Càng thú vị hơn khi nhìn lên những lùm cây trên vách núi, khách có thể gặp những chú khỉ đang nhí nhảnh nô đùa hay những con dê đang thong thả ăn lá. Chen giữa núi và nước, những đồng lúa xanh mơn mởn tô điểm cảnh vật thêm hữu tình.
Đầu tiên, khách sẽ vào hang Cả. Đây là hang lớn nhất và cũng là hang đẹp nhất trong ba hang nằm dưới một ngọn núi lớn nằm vắt qua dòng sông Ngô Đồng. Hang Cả dài gần 130m. Cảm giác hồi hộp xen chút sợ hãi của du khách nhanh chóng được xua tan bởi sự thích thú khi lòng hang có khá nhiều thạch nhũ với hình dáng lạ kỳ, lô nhô, lấp lánh. Sau đó, khách sẽ vào hang Hai, hang Ba, những hang này đều ngắn và thấp hơn hang Cả. Đi hết hang Ba là bạn đã hoàn thành chuyến khám phá Tam Cốc. Nhiều du khách nước ngoài và du khách trẻ thích khám phá thì lại tiếp tục hành trình sâu vào dòng Ngô Đồng tới suối Tiên cách hang Ba khoảng 2km rồi leo núi vào đền Nội Lâm.
Gần Tam Cốc là Bích Động, một hang động có cảnh đẹp “đứng thứ nhì trời Nam”, nằm trong dãy núi Ngũ Nhạc Sơn. Đến đây, du khách không chỉ ngẩn ngơ giữa màu xanh của thiên nhiên núi rừng mà còn trầm trồ với hang núi huyền ảo, quanh co. Chùa Bích Động là một ngôi chùa đậm phong cách phương Đông, nửa nằm trong hang động, nửa còn lại nằm lộ thiên. Tại đây có treo một chiếc chuông đồng niên hiệu 1707, đời vua Lê Dụ Tông. Bước vào chùa, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh bởi hình dáng những tiên ông, tiên cô, tiểu đồng và những con vật tứ linh trong dân gian được khắc họa sinh động bằng những nhũ đá muôn hình vạn trạng.
Trong hành trình khám phá non nước Ninh Bình, nhiều du khách không quên viếng thăm chùa Bái Đính. Tuy đang trong quá trình xây dựng nhưng ngôi chùa này đã sớm nổi tiếng với nhiều kỷ lục: Khuôn viên cả khu chùa Bái Đính có diện tích 107ha, trong đó, Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ rộng hàng ngàn mét vuông; tại ngôi chùa này có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn và ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn…
Nhìn từ xa, chùa Bái Đính nổi bật trên nền trời xanh giữa những ngọn núi hùng vĩ. Ngay trên đường lên chùa, du khách đã gặp hai tháp chuông. Tháp lớn có 3 tầng, 24 mái, đặt quả chuông đồng nặng 36 tấn. Nét độc đáo là trên thân chuông có khắc bài kinh Đại Bi Bát Nhã bằng chữ Hán cùng nhiều hoa văn theo chủ đề Thiền học và Phật học. Đặc biệt, 500 tượng La Hán bằng đá trắng nguyên khối – mỗi vị một vẻ mặt khác nhau được những người thợ chạm khắc rất tinh xảo, sống động. Những khối gỗ quý, bức hoành phi, câu đối khổng lồ được sơn son thếp vàng cũng đang trong quá trình hoàn thiện, góp phần cho ngôi chùa càng thêm hoành tráng, rực rỡ.
Tham quan chùa Bái Đính, cũng là dịp khám phá núi Bái Đính. Núi này có ba hang, lưng chừng núi là hang Voi Phục đặt tượng Đức ông mặt đỏ, lên cao hơn nữa, bên phải hang Voi Phục là động Sáng thờ nhiều vị Phật và thần, bên trái là động Tối thờ bà chúa Thượng Ngàn. Các hang động ở đây cũng có nhiều nhũ đá đẹp không kém những hang động ở vịnh Hạ Long.
Dự kiến, đến năm 2010, chùa Bái Đính sẽ hoàn thiện nhưng hiện nay đã trở thành điểm hành hương và du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.