Chiều muộn, khi cơn mưa đầu mùa ngưng hạt thì mảnh trăng non trên cánh rừng phía Đông nhú lên xua tan những màn mây đen kịt. Tôi chưa bao giờ được ngắm cảnh trăng sao của núi rừng, nên mầm sáng non tơ đang lơ lửng trên trời cao có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Trung tá Trần Thanh Danh, Chủ nhiệm chính trị Đoàn B.20 (Binh đoàn 16) gọi mảnh trăng đó là “Lưỡi ngọc của trời”. Đúng là ngọc ngà, thanh khiết và điệu đà đến mê hồn. Ngay cả những cán bộ, chiến sĩ đã từng sống bên dòng suối Đăk Ngo, suối Đăk Sin và Đăk Ru này để giúp bà con trong dự án Kinh tế-quốc phòng, cũng hiếm có lần được chiêm ngưỡng một cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú đến như vậy.
Sau bữa cơm tối đi ra khu vực bệnh xá hóng gió, tôi sững người khi chợt nghe một tiếng khèn Mông vọng tới từ bờ suối Đăk Ngo. Đã được nghe tiếng khèn gọi bạn tình ở Sa Pa, ở phiên chợ Bắc Hà (Lào Cai), nhưng tiếng khèn Mông ở vùng núi Tây Nguyên này nghe là lạ. Vẫn trầm bổng, lắt lẻo, dồn nén bao nỗi niềm với những cung bậc trào dâng, nhưng có lúc lại sôi nổi, náo nức như đón một mùa cà phê, mùa điều, mùa lúa bội thu. Tôi đề nghị đại tá Vũ Văn Mài, Chỉ huy trưởng đơn vị dẫn đi tìm tiếng khèn. Anh Mài nói: “Vừa mưa xong, đường trơn như đổ mỡ, làm sao mà đi nổi…”.
Tiếng khèn gọi bạn lại da diết vọng tới. Nhìn vẻ mặt khao khát, tần ngần của tôi, anh Mài vỗ vai: “Nào thì đi”. Chiếc xe máy của chúng tôi chạy dặt dẹo trên con đường đất đỏ quánh. Lúc đi, lúc đẩy, cuối cùng nó cũng tới được Đội 6, nơi có hơn 100 hộ đồng bào Mông đang sinh sống.
Tới nhà anh Lý Văn Xem ở dốc suối, tôi thấy một số cô gái Mông cứ gióng tai về phía tiếng khèn. Anh Xem nói với tôi: “Tiếng khèn của thằng Thào A Minh đó. Nó bảo, nhìn trăng đẹp quá, nhớ Tây Bắc nên thổi một lúc cho đỡ nhớ”. “Thế A Minh đã có vợ chưa?” – Tôi hỏi. “Chưa đâu. Nó không muốn lấy vợ sớm. Nó nghe lời bộ đội là phải học trồng cây, học bảo vệ rừng, học cái chữ xong mới lấy vợ”.
Buổi sáng, ở nhà trẻ của Đội 6, tôi đã gặp cô giáo người Mông Mùa Thị Rợ. Đó là một thiếu phụ duyên dáng, nói thạo tiếng phổ thông. Hầu hết trong những lớp mẫu giáo ở các đội của người Mông, đều có hai cô giáo, vì đa số các em học sinh người Mông chưa biết tiếng phổ thông. Cô giáo người Kinh thì dạy các em đọc, viết và dạy múa hát, còn cô giáo người Mông thì dịch lại những lời giảng của cô giáo người Kinh. Hai cô giáo hòa quyện với nhau, để các em học sinh nói được tiếng phổ thông, biết viết và biết đọc cái chữ của Bác Hồ.
Cô giáo Mùa Thị Rợ kể với tôi là gái trai Mông lấy vợ, lấy chồng sớm lắm. Con trai, con gái mới 15, 16 tuổi đã có gia đình rồi. Có cô 20 tuổi, mà đã có 3 con. Mùa Thị Rợ lấy chồng năm 21 tuổi mà trong bản người ta đã bảo là ế, may mắn mới lấy được chồng. Vào Đăk Ngo, bộ đội Binh đoàn 16 vận động không nên lấy vợ, lấy chồng sớm, phải học cái chữ, phải biết lao động sản xuất đã thì mới có tiền, có thóc để làm nhà cho con cái ở. Nghe bộ đội, nhiều chàng trai, cô gái Mông 18, 20 tuổi mới tổ chức đám cưới. Cô giáo Mùa Thị Rợ nói: “Cùng dạy với mình có cô giáo Hằng ở Thanh Hóa xinh lắm. Bây giờ đã 23 tuổi mà chưa lấy chồng. Cô Hằng nói, phải dạy cho trẻ em Mông biết nhiều chữ, hát được nhiều bài mới lấy chồng”.
Tôi nghe kể, khi mới chuyển về dự án Kinh tế quốc phòng Đăk Ngo, bà con dân tộc Mông vẫn giữ nhiều hủ tục lạc hậu như không làm nhà vệ sinh, không cho trẻ em đủ tuổi đến lớp, ngủ không mắc màn, nhà có người đau ốm chỉ cúng con ma rừng, sinh đẻ nhiều… Số người bị sốt rét chiếm hơn 60% dân số của 4 đội, nhiều người bị tiêu chảy, đau mắt đỏ, suy nhược, trẻ em bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ Phan Tử Anh, bệnh xá trưởng kể lại: “Nhiều hôm, bệnh xá của đơn vị bị quá tải nặng. Bà con bị sốt rét, trẻ em bị tiêu chảy phải nằm 2 người một giường”.
Lúc đó, bệnh xá của đơn vị đã cử 85% quân số cùng với Ban chính trị xuống vận động đồng bào làm nhà vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, tẩy uế, dọn dẹp thôn bản. Các chiến sĩ còn đến từng nhà để cấp màn, hướng dẫn bà con phòng chống muỗi. Lúc đầu bà con không làm theo. Có người còn lý sự: “Người Mông ta ngàn đời nay vẫn sống như vậy mà. Bộ đội đừng bắt bản ta phải ngủ màn, phải làm cái nhà vệ sinh”. Không nản, các chiến sĩ tìm đến những già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong bản, trong dòng họ để giải thích, vận động. Một ngày, hai ngày…, một tuần, ba tuần và nhiều tháng nữa, cuối cùng thì các gia đình đã hiểu và nghe theo hướng dẫn của bộ đội.
Chỉ hơn một năm sau, tỷ lệ sốt rét trong các bản Mông đã giảm xuống còn 0,8%, không có người bị tiêu chảy nữa, các gia đình trẻ sinh con giảm hơn trước từ 3-4 cháu. Đáng mừng hơn là việc cưới xin, ma chay không phức tạp, tốn kém như trước, mà thực hiện theo nếp sống mới do bộ đội hướng dẫn. Lần trước xuống đội 8, tôi được già làng Hạng Seo Vảng kể: “Ngày mới đến đây, người già, người trẻ uống rượu nhiều lắm. Nhiều đứa trẻ còn đánh bạc suốt ngày. Nếu cứ để như vậy thì lại đói thôi. Bộ đội đã cùng mình vận động bà con không đánh cờ bạc, không uống rượu say, không hút thuốc phiện. Mấy đứa thanh niên nó nghe lắm”.
Trong cụm dân cư 4 đội của người Mông, đi đến đâu tôi cũng thấy bà con chăm chỉ lao động, sản xuất và rất tiết kiệm. Không phải xa quê hương cũ, mà những phong tục, tập quán tốt đã mất dần. Những ngày tết của người Mông, gia đình chị Giàng Thị Nụ, cùng 45 hộ gia đình ở bản Thống Nhất, vẫn tổ chức làm bánh, chọn đồ lễ để cúng Giàng.
Chị nói: “Bao giờ đến Tết của người Mông, bộ đội đến bản mình, tha hồ mà uống rượu, xem tụi mình múa hát, xem đám con trai thổi khèn. Ở đây người Mông không bị đói, nhà ai cũng có xe máy để đi, cũng có cái ti vi để xem. Tết Đăk Ngo vui chẳng kém gì Tết ở Sa Pa, Bắc Hà đâu”.
Ông Dương Văn Phông ở Bắc Mê-Hà Giang vào đây từ năm 2003 lại hào hứng khi được bộ đội mời lên đón giao thừa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ông thích nghe bộ đội hát, thích xem bộ đội múa, bộ đội kể chuyện về Bác Hồ. Những ngày lễ ấy, con trai, con gái Mông được bộ đội mời tham gia ca hát, thi kéo co. Bộ đội chúc bà con luôn mạnh khỏe, lao động-sản xuất giỏi để nhà nào cũng được mùa, để nhà nào cũng có con cái học cao.
Ông Phông hồ hởi nói: “Bộ đội của thủ trưởng Mài tình cảm lắm. Bà con mình ốm là về liền à. Đứa nào cũng hiểu cái bụng người Mông. Chúng nó quý người Mông ta như anh em ruột thịt đấy”. Song điều tâm đắc nhất của ông Phông khi bộ đội giúp bà con theo đạo Tin Lành làm nhà cầu nguyện, hướng dẫn mọi người hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Cảm động trước tình cảm của bộ đội, ông và mọi người bảo nhau không được nghe lời kẻ xấu, không giữ và đọc sách báo, hình ảnh, băng nhạc nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu bộ đội và tuyên truyền những điều nhảm nhí.
Mảnh trăng đã đậu ở trên cây dầu trước bản. Tiếng khèn Mông đã ngưng bên dòng suối vắng, chỉ còn tiếng nước chảy róc rách như tiếng hát của thiếu nữ Đăk Ngo những năm xưa. Rừng bắt đầu đi ngủ. Tôi theo đại tá Vũ Văn Mài trở lại khu doanh trại mà lòng vẫn vấn vương với tiếng khèn gọi bạn. Nằm trên giường, mà tôi không tài nào chợp mắt được. Vẳng đâu đây, tôi hình như vẫn còn nghe thấy tiếng của già làng Hạng Seo Vảng: “Người Mông mình ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn bộ đội nhiều lắm. Mặc dù đã nghe lời bộ đội, nhưng các bản vẫn còn không ít đứa lấy vợ, lấy chồng quá sớm. Mình khuyên nhiều, mà chúng nó vẫn đẻ 3, 4 đứa. Mình và bộ đội phải tiếp tục vận động thôi”.
Trong giấc ngủ chập chờn, tôi bỗng mơ thấy mình được thổi khèn gọi bạn bên dòng suối Đăk Ngo. Xung quanh tôi, những thiếu nữ Mông váy áo sặc sỡ cứ chúm chím môi cười. Họ nói: “Bản Mông mình giàu đẹp rồi. Mùa xuân, bộ đội lại về bản thổi khèn nhé”.