Trong năm 2007, sau khi thoát khỏi đợt “đóng băng” tại thị trường đồ gỗ Trung Quốc, đồ gỗ gia dụng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã dần khôi phục và khẳng định ưu thế phát triển ổn định, đặc biệt là đối với thị trường đồ gỗ gụ gia dụng.
Tháng 10/2007, tại Hội chợ Caexpo được tổ chức ở Nam Ninh (Trung Quốc) có tới 171 gian hàng triển lãm đồ gỗ gia dụng của các nước ASEAN, trong đó, riêng Việt Nam có tới 63 gian hàng, đứng đầu các nước ASEAN. Thông qua Caexpo, khách hàng ngày càng có ấn tượng hơn về đồ gỗ gụ Việt Nam.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ gụ gia dụng truyền thống lớn nhất. Phần lớn nguyên liệu gỗ gụ của Trung Quốc được nhập từ các nước ASEAN. Mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng đồ gỗ gụ của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế nổi trội. Chỉ trong năm 2007, xuất khẩu đồ gỗ gia dụng của Việt Nam sang nước này đạt trị giá hơn 135,4 triệu USD.
Cùng với sự phục hưng văn hoá truyền thống Trung Quốc, “văn hoá gỗ gụ” ngày càng đi sâu vào lòng người dân nước này. Nhờ hình dáng phù hợp với thẩm mỹ truyền thống của người Trung Quốc và chất lượng bền lâu, đồ gỗ gụ đang được người dân nước này rất tin dùng. Có chuyên gia cho rằng, với tình trạng khan hiếm tài nguyên gỗ, cộng với nhu cầu ngày một lớn, trong tương lai, đồ gỗ gụ gia dụng sẽ vẫn duy trì tiềm năng tăng giá và là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư.
Những năm gần đây, thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc không ngừng tăng lên, điều kiện nhà ở được cải thiện và nhu cầu đối với đồ gỗ gia dụng tăng mạnh, trong đó có trào lưu dùng đồ gỗ giả cổ.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với đồ gỗ gia dụng. Nhờ vậy, lượng đồ gỗ gia dụng nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng mạnh. Đặc biệt, tại Trung Quốc, đã dấy lên cơn sốt thu mua và sưu tầm đồ gỗ gia dụng Việt Nam. Tỉnh Quảng Tây, địa phương giáp ranh với Việt Nam, nhờ ưu thế tổ chức Caexpo, đã tiên phong trong việc nhập khẩu đồ gỗ gia dụng của nước ta.