Vượt qua những chặng đường thử thách, Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng thế giới, khi bước vào vị trí Chủ tịch Hội Đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Về mặt kinh tế, xuất nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam có cơ hội vươn ra thị trường toàn cầu, cạnh tranh với hàng hóa trong và nước ngoài.
Để có sức cạnh tranh mạnh, hàng hóa phải có hai tính chất chính là chất lượng cao và giá thấp. Trong các mặt hàng xuất khẩu hiện nay, nông và thủy sản chiếm một tỷ lệ đáng kể, nhất là lúa gạo – sản phẩm của nông dân, chiếm tỷ lệ cao trong dân số.
Với đà phát triển hiện nay, đời sống của người nông dân chưa được hội nhập xứng đáng với đà hội nhập của đất nước.
Nhìn về những nơi sản xuất lúa gạo ở nước ta, rõ ràng nơi nào có “nền sản xuất lớn”, đồng ruộng ít bờ đê, cơ khí hóa được áp dụng… thì nơi đó sản lượng cao hơn và nông dân có đời sống sung túc hơn. Ruộng đồng ở đồng bằng Bắc Bộ có quá nhiều bờ đê, chiếm khá lớn diện tích canh tác, và khó áp dụng cơ khí vào những thửa ruộng nhỏ, trong khi ruộng đồng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thênh thang hơn nên đã là một trong những yếu tố làm sản lượng lúa gạo cao hơn hẳn .
Nguy cơ khác là hiện tượng đang xảy ra tại một số nơi, các khu “bờ xôi ruộng mật”, đất canh tác biến thành những khu bỏ hoang chờ làm khu công nghiệp. Những mảnh ruộng màu mỡ đang sản xuất lúa gạo bị trưng dụng cho những khu công nghiệp nhỏ lẻ của từng địa phương do tập quán suy nghĩ công nghiệp hóa theo tư duy tiểu nông nhỏ lẻ.
Làm sao để tiến lên hiện đại hóa nông thôn từ những sản xuất cá thể tiểu nông này? Làm sao để bảo vệ nông dân, bảo vệ đất ruộng khỏi các cách “công nghiệp hóa mang tư duy tiểu nông”?
Có nhiều quốc gia Á Châu cũng ăn cơm như ta, và đã thành công trong việc hiện đại hóa đất nước họ. Thí dụ như Nhật Bản và Hàn Quốc, cơ cấu tổ chức tại nông thôn của họ là những thí dụ điển hình để chúng ta có thể tham khảo và áp dụng vào thực tế nông thôn của Việt Nam (VN).
Trong bất kỳ cơ cấu sản xuất tối ưu nào, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu: quản lý, kỹ thuật, sản xuất đại trà và giao tiếp thương vụ, sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, từ đó lợi nhuận và mức sống của người sản xuất (nông dân) được nâng cao.
Quản lý – yếu tố quyết định
Khâu quản lý là khâu quan trọng nhất, chiụ trách nhiệm tổng quát vì giữ nhiệm vụ lãnh đạo tổ chức. Một trong những nhiệm vụ của nó là việc bảo vệ “bờ xôi ruộng mật” giữ bình ổn diện tích canh tác, tổ chức kêu gọi nông dân tham gia tổ hợp sản xuất để từ những cá thể tiểu nông sản xuất cá thể trở thành người lao động nông nghiệp có kỹ năng, thiết bị hiện đại thông tin khoa học để làm việc với một hiệu quả cao nhất.
Khâu quản lý cũng có nhiện vụ tổ chức nhưng khóa huấn luyện kỹ thuật cho nông dân về vấn đề sản xuất theo nhu cầu biến động của thị trường quốc tế.
Ngoài ra, khâu quản lý còn phải lo đến sự bình ổn cuộc sống, thu nhập qua hệ thống tín dụng (ngân hàng tư hoặc ngân hàng nông nghiệp) của từng thành viên.
Một khi khâu quản lý yếu kém, buông lỏng quản lý, mà ta có thể thấy rõ khi xảy ra thí dụ trong ngành đánh bắt thủy sản là sự xuống cấp của tập đoàn này, từ những tàu đánh cá trở thành những thuyền thúng cá thể đi đánh bắt hải sản giữa biển khơi mênh mông trước sự đe dọa của bão tố.
Để không bị gạt ra bên lề phát triển: tập hợp lại!
Khâu khoa học kỹ thuật là khâu phải cung cấp đầy đủ kỹ thuật cho người sản xuất (nông dân) nhanh chóng và kịp thời theo nhu cầu của thị trường được khâu quản lý thông báo.
Người sản xuất là người nông dân dùng sức lao động, cần mẫn để sản xuất nông sản theo yêu cầu với kỹ năng đã được huấn luyện.
Khâu giao tiếp, thương vụ là khâu phải lo đầu ra và đầu vào cho toàn tồ chức, như các thông tin về nhu cầu/giá cả, về biến động của hàng hóa trên toàn cầu để lo tròn nhiệm vụ là nâng cao thu nhập cho tổ hợp, tránh những trường hợp cùng một mặt hàng của một quốc gia phá giá lẫn nhau khi xuất khẩu .
Ngày nay chúng ta đã hội nhập quốc tế, đất nước ta như tàu ra biển lớn, chúng ta không thể ra biển bằng những chiếc thuyền thúng cá thể mà có thể thoát được những cơn sóng dữ ngoài đại dương. Chúng ta phải biết tập hợp lại để bảo vệ quyền lợi chung. Hãy mau chóng từ bỏ lối suy nghĩ tiểu nông, tiểu thương, làm ăn cá thể.
Hãy tập hợp lại, kết đoàn tiến ra biển lớn.