Có thể nói, việc nông dân bỏ ruộng phổ biến từ Nam ra Bắc hiện nay là dấu hiệu của quá trình tập trung ruộng đất theo quy luật. Điều cần suy nghĩ là làm sao để một mặt thúc đẩy quá trình ấy thật nhanh nhằm sớm ổn định kinh tế nông nghiệp, một mặt giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực về mặt xã hội của quá trình ấy.
Là vùng đất được khai phá sau cùng nhưng mau chóng trở thành vùng sản xuất lương thực hàng hoá lớn nhất cả nước, Nam Bộ đang bước vào một quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác trước.
Các đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường… vốn có liên tục được bổ sung thêm nhiều yếu tố mới, đồng thời không ngừng được tái tạo trong những kết hợp mới. Nhưng những yếu tố ấy không phải lúc nào cũng tích cực cũng như những kết hợp ấy không phải lúc nào cũng hoàn thiện.
Quan điểm về phát triển nông thônt
Từ 1968 rồi 1992, sự phát triển của nông thôn Nam Bộ đã từng bước được đặt trở lại vào dòng chảy truyền thống của nó, tức trên cơ sở nền sản xuất hàng hoá đã định hình từ trước 1945. Nhưng những hậu quả của 30 năm chiến tranh từ 1945, rồi 10 năm bao cấp sau 1975 chỉ mới được khắc phục một cách tạm thời, chưa triệt để.
Những xáo trộn về quyền sở hữu ruộng đất trong quá khứ còn chưa được điều chỉnh và giải quyết thoả đáng, thì vùng đất này lại mau chóng bị hút vào một quá trình phân bố lại ruộng, đất – thay đổi quyền sở hữu mới gây ra những mâu thuẫn và bi kịch có khi trong từng gia đình, gia tộc, làm nứt rạn những cột trụ lâu đời và thiêng liêng nhất trong quan hệ xã hội truyền thống ở nông thôn.
Trong khi đó kinh tế thị trường được từng bước phục hồi cũng phát huy tác dụng một cách từ từ. Đến khoảng 1996, 1997 nông thôn nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đã xuất hiện tình trạng các hộ nông dân nghèo mất ruộng hàng loạt.
Nhưng đó chỉ mới là khúc dạo đầu, vì đến nay tình hình đã trở nên căng thẳng hơn: ngoài nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư góp phần làm giảm diện tích canh tác, ở đây đã thực sự xuất hiện quá trình tích tụ – tập trung ruộng đất, một quá trình xem ra sẽ phủ định cả khả năng thực thi lẫn hiệu quả thực tế của chính sách hạn điền.
Không thể hô hào lương tâm chay hay nhân đạo suông
Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hoá nền sản xuất vật chất trong đó nổi bật là chuyển đổi – tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, và đó là ngành sản xuất thu hút nhiều lao động nhất trong quốc gia. Nông nghiệp Việt Nam dĩ nhiên phải chịu tác động to lớn và toàn diện của quá trình chuyển đổi ấy, trong đó có việc chiếm hữu – sử dụng ruộng đất.
Nhìn chung ở đây tất yếu phải diễn ra một quá trình tập trung ruộng đất tức hình thành cơ cấu kinh tế mới làm tiền đề cho việc phát triển sức sản xuất trong nông nghiệp. Quá trình ấy luôn có hai kiểu thức là tập trung ruộng đất theo quy luật và tập trung ruộng đất không theo quy luật, tức tập trung ruộng đất phi kinh tế.
Những hiện tượng như quan chức tiêu cực biến thành địa chủ mới ở Cà Mau trước đây hay lối quy hoạch bừa bãi, đền bù bậy bạ mà thực chất là mua rẻ bán đắt ruộng đất của nông dân ở nhiều địa phương vài năm nay chính là biểu hiện của quá trình tập trung ruộng đất phi kinh tế, chuyện đó dĩ nhiên phải kiên quyết ngăn chặn.
Nhưng trong không ít trường hợp có thể nói việc nông dân bỏ ruộng phổ biến từ Nam ra Bắc hiện nay là dấu hiệu của quá trình tập trung ruộng đất theo quy luật. Tức sức ép của kinh tế hàng hoá – cơ chế thị trường sẽ buộc một bộ phận nông dân phải chuyển qua làm nghề khác. Việc chiếm hữu và sử dụng ruộng đất sẽ phải chuyển về tay một bộ phận nông dân có vốn liếng và giàu kinh nghiệm sản xuất, biết tổ chức sản xuất và thích ứng tốt với với thị trường.
Những biểu hiện trên bề mặt của quá trình ấy dĩ nhiên rất tàn nhẫn, chẳng hạn một bộ phận nông dân sẽ bị bần cùng hoá về mặt kinh tế, trở thành tầng lớp vô sản nông thôn (nhiều nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007 là thuộc loại này).
Nhưng đó là điều tất yếu. Cho nên điều cần suy nghĩ về vấn đề này không phải làm sao cho nông dân không bỏ ruộng, mà là làm sao để một mặt thúc đẩy quá trình ấy thật nhanh nhằm sớm ổn định kinh tế nông nghiệp.
Một mặt thúc đẩy quá trình ấy thật nhanh nhằm sớm ổn định kinh tế nông nghiệp, một mặt giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực về mặt xã hội của quá trình ấy để bảo đảm đời sống của bộ phận nông dân không còn ruộng và giữ gìn trật tự xã hội ở khu vực nông thôn. Vì trên bình diện xã hội thì bần cùng hoá luôn dẫn người ta tới chỗ lưu manh hoá.
Quyền sở hữu ruộng đất từ góc độ pháp lý
Trên bình diện chính trị thì dĩ nhiên đất đai cũng như sông biển rừng núi ở Việt Nam đều là sở hữu toàn dân, nhưng trên bình diện kinh tế thì một phần tài nguyên ấy lại phải phụ thuộc quyền sở hữu của những pháp nhân cụ thể.
Nhưng quyền sở hữu gồm ba nội dung tức quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền chuyển nhượng, nên trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, nội dung quyền định đoạt trong quyền sở hữu ruộng đất đai là đối tượng cần được pháp luật quan tâm chế tài nhất chứ không phải là quyền chuyển nhượng như tập quán trước nay.
Bởi nhìn từ một khía cạnh khác thì đất đai còn là một bộ phân hữu cơ của môi trường sống ở nông thôn, không phải cứ sở hữu là có toàn quyền định đoạt theo kiểu đào đất để bán hay đào ao nuôi cá, lấy rễ cây cổ thụ, lấy đá… tuỳ ý.
Dĩ nhiên trong phần lớn các nhấn mạnh rằng những kẻ trực tiếp phá hoại môi trường kiểu này luôn đông hơn và thường chính là những chủ sở hữu nghèo.
Bên cạnh đó, tình hình thực tế cũng như số liệu thống kê đều cho thấy mặc dù là vùng sản xuất nông sản hoang hoá lớn nhất Việt Nam, hơn hai mươi năm qua nông thôn Nam Bộ vẫn chưa được đầu tư phát triển một cách tương xứng.
Các chỉ tiêu y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng… ở đây đều thấp nhất so với toàn quốc, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài sẽ có những ảnh hưởng vô cùng bất lợi tới việc nâng cao chất lượng sống của cư dân nông thôn.
“Lên không quá mua 8 bán 10…”
Nhưng còn có một vấn đề đáng lưu ý hơn tức sự phân chia lợi nhuận giữa khâu sản xuất (nông dân) với khâu phân phối (các doanh nghiệp và tư thương thu mua nông sản hàng hoá), vì nó tác động trực tiếp tới mức sống, quyết định mức độ tích luỹ để tái đầu tư của từng gia đình nông dân – đơn vị cơ sở và do đó cũng chi phối tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội lâu dài của nông thôn Nam Bộ.
Đây cũng là tình hình chung trong cả nước, chẳng hạn năm trước ở miền Bắc nông dân trồng vải bị ép giá tới mức chỉ bán được 5000 -3000 đồng/kg!
Ở đây có thể nhắc lại một tổng kết rất đáng suy ngẫm về quan hệ lợi ích giữa nhà nông và người buôn của Kế Nhiên nước Việt thời Xuân thu: “… Sáu năm được mùa thì sáu năm mất mùa, cứ mười hai năm thì có một lần đói lớn. Phàm giá gạo mua hai bán mười thì có hại cho nhà nông, mua chín bán mười thì có hại cho người buôn. Người buôn bị hại thì của cải không có, nông dân bị hại thì cỏ dại không trừ. Lên không quá mua tám bán mười, xuống không dưới mua ba bán mười thì nghề nông nghề buôn đều được lợi, giá gạo ổn định vật dùng đầy đủ, chợ không thiếu hàng, đó là cái đạo trị nước” (Sử ký, Việt vương Câu Tiẽn thế gia, phần Chính nghĩa, dẫn lại từ Việt tuyệt thư).
Dĩ nhiên biên độ từ “mua ba bán mười” đến “mua tám bán mười” nói trên được tổng kết trên cơ sở một thực tiễn kinh tế – xã hội xa xưa, nhưng rõ ràng việc xác định những biên độ tương tự như thế là điều cần thiết cho việc phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở Nam Bộ trong hoàn cảnh Việt Nam hiện tại.
Cần nhắc nhở lại rằng, trong nông nghiệp thì lao động không đồng nghĩa với sản xuất – người nông dân chỉ lao động để tác động chứ không làm chủ được quá trình sinh học của cây trồng và vật nuôi, đây là chưa nói tới những bất trắc nhu dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán.
Người nông dân do đó phải thường xuyên đối diện với mâu thuẫn mà nói cho cùng cũng là một bất công xã hội ấy, thì không thể nói tới việc xây dựng một nông thôn Nam Bộ hiện đại và phồn vinh.
Nông thôn Nam Bộ và phương thức sống
Sau cùng, một vấn đề cần quan tâm trong công việc xây dựng nông thôn Nam Bộ hiện nay là phương thức sống. Bởi vì bước vào thời kỳ đổi mới từ 1986 trở đi, Việt Nam nói chung và nông thôn Nam Bộ nói riêng cũng bước vào một quá trình tái cấu trúc xã hội với những mục tiêu, động lực và điều kiện hoàn toàn khác trước.
Một trong những kết quả của quá trình đang tiếp diễn ấy là cuộc đấu tranh, thoả hiệp và đan xen giữa những phương thức sống, một cuộc đấu tranh phức tạp không thể tóm tắt trong một mệnh đề.
Nhưng dù sao thì Việt Nam cũng phải tiến tới xây dựng một phương thức sống chính thống phù hợp mới có thể khẳng định và bảo vệ được những thành tựu kinh tế xã hội dã, đang và sé đạt được trên con đường đổi mới, nên có thể nghĩ tới vấn đề phương thức sống như một yếu tố cấu thành của đời sông văn hoá – xã hội ở nông thôn Nam Bộ hiên nay. Cần minh định khái niệm phương thức sống.
Nó có chỗ giống với khái niệm lối sống tức có sự độc lập tương đối với mức sống, nhưng cũng có chỗ khác. Nếu lối sống là thái độ lựa chọn mang tính chất chủ động của con người đối với hiện thực xã hội, thì phương thức sống là quy trình tái sản xuất mở rộng hoạt động và chất lượng sống của con người trên cơ sở các phương thức tồn tại vật chất, phương thức sinh hoạt tinh thần, phương thức giao tiếp xã hội và phương thức quản lý xã hội cụ thể xác định.
Được quy định bởi nhiều yếu tố như vậy, phương thức sống một mặt phản ánh các quan hệ xã hội chính xác hơn, một mặt thể hiện các khuynh hướng xã hội rõ ràng hơn. Dĩ nhiên ở đây cũng tồn tại một không gian cho sự lựa chọn mang tính chất chủ động của mỗi cá nhân hay nhóm xã hội.
Nhưng sự lựa chọn ấy không hàm chứa ý nghĩa đạo đức và cá nhân nhu trong lối sống mà mang tính liên thông xã hội rất lớn, chẳng hạn nó hạn chế tối đa những sáng kiến lập dị cũng như những biểu hiện cức đoan có thể ảnh hưởng bất lợi tới các lợi ích công cộng.
Tuy nhiên việc xây dựng một phương thức sống phù hợp ở nông thôn Nam Bộ hiện nay đang gặp nhiều trở ngại, mà ở đây chỉ đề cập tới khía cạnh phương thức tồn tại vật chất của một bộ phận nông dân nghèo.
Nguy cơ đánh mất mối dây liên hệ truyền thống và lợi ích cộng đồng
Nếu trở lại với những nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007, có thể thấy hầu như họ đều không có hay không còn ruộng đất. Không có cái tư liệu sản xuất cơ bản mà cũng là ngày cuối cùngnày, toàn bộ kinh nghiệm hoạt động kinh tế trước đó của họ cũng trở thành vô nghĩa, đồng thời toàn bộ quan hệ xã hội phục vụ hoạt động kinh tế vốn có của họ cũng trở thành thừa thãi.
Bị vô sản hoá về mặt tư liệu sản xuất, họ cũng đồng thời bị cô lập hoá về mặt quan hệ xã hội. Gần như hoan toàn bị gạt ra khỏi mọi quy trình tái sản xuất mở rộng, họ đã đi tới một phương thức sống chỉ co cụm lại ở mục tiêu kiếm ăn, hay nói cho ít tàn nhẫn hơn là kiếm sống.
Nhiều thiếu nữ nông thôn nhà nghèo ít học ở nông thôn Nam Bộ nhắm mắt lấy chồng Đài Loan, Han Quốc chính đã hành xử trên căn bản phương thức sống ấy. Nhiều người khác không xuất ngoại mà tới các đô thị làm đủ mọi nghề từ bán vé số tới gái mại dâm cũng hành xử trên căn bản phương thức sống ấy.
Mất đi quá khứ, họ cũng không cần có tương lai! Mà trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì bị gạt ra khỏi các quy trình tái sản xuất mở rộng cũng đồng nghĩa với việc bị gạt ra khỏi nền sản xuất xã hội, và đó là cách thức tốt nhất để người ta đánh mất mối liên hệ với truyền thống cũng như đứng ngoài những lợi ích của cộng đồng.
Không cần chứng minh nhiều hơn là phương thức sông ấy đã tạo ra rất nhiều nạn nhân, đưa tới rất nhiều thảm kịch, nhưng có rất nhiều người như thế, và hơn thế nữa, chưa có bằng chứng nào để nói rằng số người ấy đang không tiếp tục gia tăng.
Kinh tế thị trường đã rút ngắn đáng kể khoảng cách về trình độ tiêu dùng giữa các nhóm xã hội và vùng miền có năng lực tiêu dùng khác nhau trên toàn quốc, nhưng chính vì vậy mà xã hội tiêu thụ đang tạo ra nhiều bất ổn trong phương thức tồn tại vật chất của phần lớn cư dân ở nông thôn Nam Bộ.
Như đã nói ở trên, hoạt động sản xuất của nông dân bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên vốn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc, nên họ không thể giữ đươc mức tăng trưởng thu nhập ngoạn mục liên tục trong nhiều năm.
Tập tính kinh tế thiên về tiêu dùng hơn là tiết kiệm của con người Nam Bộ nói chung và nông dân Nam Bộ nói riêng đang chống lại họ trong bối cảnh xã hội tiêu thụ, điều này đã được chứng minh qua rất nhiều trường hợp nông dân được tiền bù, giải toả đất đai.