Ông có tên hẳn hoi nhưng người ta quen gọi ông là “quan cá”. Thuở trước, ông đi bắt cá bao giờ cũng nhanh hơn gấp nhiều lần người khác. Thuở nay, ông mày mò tự học nuôi cá và nuôi cũng thành công sớm hơn mong đợi. Và cái nghề nuôi cá đẻ, cá giống đã giúp ông từ một nông dân nghèo… “rớt mồng tơi” trở thành triệu phú với gia sản hàng tỷ đồng.
Muốn giàu, nuôi cá…
Đến trang trại cá giống của ông, chúng tôi bất ngờ trước sự bài bản của hệ thống bể cá đẻ, ao cá giống của trại. Nhìn vào hệ thống quy mô đó, chẳng ai hình dung nó được tổ chức từ “cái đầu” của một nông dân chưa học hết cấp 1. Bà con ở xã Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai) khẳng định ông là “ông trùm” nuôi cá giống ở Đồng Nai.
Ông tên Nguyễn Quang Vinh, nhưng thuở nay người ta vẫn thường gọi là ông “quan cá”. Cái danh “quan cá” của ông ra đời là do trước kia người ta phục tài bắt cá nhanh hơn người của ông. Còn bây giờ cái danh này gắn liền với việc ông nuôi cá đẻ, cá bột (cá mới sinh) thành công, và cả việc ông trở thành triệu phú từ cái nghề này. Ông còn có nhiều cái danh mới mà người… hâm mộ đặt cho như “ông trùm cá bột”, “vua cá đẻ”, “hoàng đế cá giống”…
Có “duyên” với cá từ nhỏ nhưng mãi đến năm 1982 ông mới bắt đầu gắn bó cuộc đời mình với con cá bằng việc mua cá giống về bán. Bán cá giống không đủ sống, ông lại tập tành đào ao nuôi cá theo lời dạy của các cụ xưa: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”.
Từ khi chuyển sang nuôi cá thịt, kinh tế gia đình ông đỡ vất vả hơn. Nhưng ngặt nỗi, muốn có cá giống nuôi ông phải về tận Thủ Đức (TP.HCM) hoặc xuôi miền Tây để mua. Sau nhiều chuyến đi mua cá giống đầy gian truân, ông nảy ra ý định nuôi cá đẻ để chủ động nguồn cá giống cho mình và cung cấp cho bà con trong vùng.
Chuyển sang nuôi cá giống, ông thấy việc đi mua thức ăn cũng… gian truân chẳng kém gì việc đi mua cá lúc trước, ông bèn tổ chức cho gia đình làm vườn, nuôi heo theo mô hình “vườn – ao – chuồng” để chủ động được nguồn thức ăn cho cá. Hiện vợ ông nuôi 100 con heo thịt, 10 con heo nái. Ông nói: “Thức ăn cho cá bột (giai đoạn cá mới nở) chủ yếu là phân heo, chỉ có cá chép, trắm cỏ, mè thì phải dùng cám…”.
Sau một vòng đi thăm ao chuồng nhà ông, chúng tôi ngồi lại nghỉ chân bên các bể cá giống, hỏi ông: “Nghe nói nuôi cá giống khó, mà sao bác làm ăn thấy gọn ơ. Hồi đó ai chỉ bác bí quyết vậy?”. Ông cười hề hề: “Mỗi người nuôi cá đẻ đều có bí quyết riêng, họ không cho người ngoài biết đâu. Hồi đó tui cũng đi hỏi, nhưng người ta nói học được nghề này phải tốn ba cây vàng. Khi đó gạo chưa đủ cho đàn con ăn lấy đâu ra tiền mà đưa cho họ để học nghề. Vậy nên tôi phải mất 3 năm lặn lội khắp nơi, nhẫn nhịn học hỏi kinh nghiệm mới biết đó chớ”.
Mà ông kể, mất 3 năm để lần mò học hỏi, nhưng ông chỉ tích lũy được lý thuyết suông, khi bắt tay vào nuôi thì thất bại thảm hại. Sau vài lần thất bại, ông nghĩ, muốn nuôi bài bản thì phải bắt đầu bằng sự bài bản. Lúc đó, nhà thiếu gạo ăn nhưng ông đã đi cùng xóm vay cho được hai cây vàng để xây hệ thống bể. Nhiều người bảo nhau “cha Vinh khùng rồi, không chịu làm ăn mà làm chuyện bao đồng…”. Nhớ chuyện cũ, ông lại cười, nói: “Mà liều thật, xưa nay chỉ có kỹ sư mới nuôi cá đẻ thành công, chứ nông dân ít chữ như mình mà đòi làm bài bản thì đúng là… khùng thiệt, vì chưa nghe vậy bao giờ”.
Ông kể, lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc nuôi cá của ông trầy lên trật xuống. Khi thì ông tiêm thuốc kích thích đẻ cho cá không đúng khiến cá chết hoặc… “tịt” đẻ. Lúc thì cá đẻ được nhưng trứng bị ung, lắm khi trứng nở ra cá bột rồi nhưng thiếu oxy nên chết hết. “Cho cá đẻ không thành, xót của vợ mắng liên tục. Những lúc như thế tôi muốn bỏ quách hết cho xong” – ông nói.
Muốn khá, truyền nghề
Nhưng trời thương người kiên trì, nên đến một ngày ông đã “ép” được cá đẻ, và đến mức, ông muốn cá đẻ khi nào thì… nó đẻ khi đó. Giờ thì ông có thể cung cấp cá giống các loại theo đơn đặt hàng của các hộ nuôi cá thịt khắp trong tỉnh ngoài vùng. Nhất là những tháng mùa mưa (độ từ tháng 5 đến tháng 10 Âm lịch), trước nhà ông, xe cộ khắp nơi xếp hàng dài từ nhà ra đường chờ mua cá giống. Tuy đông khách nhưng ông Vinh không bao giờ tham bán cho ai nhiều để thu lợi nhanh.
Trước khi bán cho ai ông luôn hỏi diện tích ao hồ, nước có ra vô được ao không… để bán số lượng cá giống hợp lý. Ông kể: “Có một người ở Long Khánh đòi mua 50 kg cá giống để thả, nhưng sau một hồi hỏi han về hiện trạng ao của anh ta, tôi quả quyết “ao anh chỉ cần 5kg cá giống”. Ông khách rất ngạc nhiên. Nhưng sau khi tôi thuyết phục là nuôi cá không được ham, phải cân đối lượng cá trong ao mới cho năng suất cao, thì khách rất tin tưởng”.
Từ Nam Định, ông vào Đồng Nai lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Làm lụng vất vả ở “vùng đất mới” một thời gian, ông tích lũy tiền mua được 2 sào đất, vừa làm nhà ở, vừa đào ao thả cá và trồng trọt. Từ 2 sào đất này, ông lại tổ chức cho gia đình làm kinh tế. Sau nhiều năm kiên trì làm theo lời dạy: “muốn giàu nuôi cá…” của ông bà, giờ ông… giàu thiệt. Ông mua được 5 ha đất, xây được 10 ao cá giống các loại như cá chép, trắm cỏ, mè, diêu hồng…, cung cấp một lượng lớn cá giống cho các hộ nuôi cá thịt ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Mỗi năm ông xuất khoảng 20 tấn cá giống, trừ mọi khoản chi phí, ông còn lời từ 300 – 350 triệu đồng/năm. Cả 5 người con trai và hai người con gái của ông khi ra riêng đều được ông xây nhà to rộng làm quà.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Vinh còn hướng dẫn giúp nhiều bà con trong xã nuôi cá giống nhỏ của ông thành cá giống lớn để bán lại kiếm lời, hoặc tự nuôi thành phẩm cá thịt từ những loại cá giống của ông. Khi khuyên ai đó lập nghiệp từ nghề nuôi cá giống, ông chỉ nói với họ một câu đơn giản: “Cá là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của mỗi nhà. Mà cá sông cá bể đâu phải lúc nào cũng có, phải nuôi cá thịt mới đủ. Mà muốn có cá thịt phải có cá giống, nên nghề nuôi cá đẻ của mình không bao giờ sợ không có đầu ra”. Vì lời khuyên giản dị, chân tình đó của ông mà nhiều gia đình trong xã trước đây khó khăn, sau khi học được cách nuôi cá bột thành cá giống thì chỉ vài năm sau đã vươn lên khá giả.
Hiện ông đang nghiên cứu cách nuôi cá lóc, cá trê đẻ – những loại cá này từ trước đến nay bà con muốn nuôi đều phải xuống tận miền Tây mua giống với giá cao. Ông Vinh cũng đã cho cá cảnh diêu hồng Nhật đẻ thành công. Ông tính toán: “Loài cá Nhật này rất đẹp và có giá. Vì thế, khi tìm được đầu ra, nhất định tôi sẽ cho cá đẻ đại trà để kiếm thêm nguồn thu”.
Chúng tôi biết, khi ông kiếm được đầu ra cho giống cá mới, ông lại truyền cho những nông dân nghèo bí quyết và rồi cũng khuyên họ câu dạy của ông bà: “muốn giàu nuôi cá…”. Chúng tôi cũng biết, khi ông truyền “bí kíp”, ông cũng chẳng đòi họ phải có ba cây vàng, vì ông là ông “quan cá”.