Hà Tĩnh: Sống giữa nhà máy nước, người dân vẫn "khát"!

Sau 4 năm thi công và trải qua 3 "đời" chủ tịch huyện, đầu năm 2008, Nhà máy nước sạch huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được đem vào sử dụng. Thế nhưng, chỉ sau ít tháng hoạt động, nhà máy này lại nằm "đắp chiếu"!

Hoàn thành nhưng không hoạt động!

Dự án “Nước sạch thị trấn huyện Can Lộc” được đầu tư bằng nguồn vốn JBIC (Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản), khoảng 12,8 tỉ đồng, khởi công từ năm 2004 với công suất 3.000m3/ngày, phục vụ cho khoảng 3 nghìn hộ dân. Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành đầu tháng 12/2007.

Từ ngày dự án này đi vào hoạt động, hơn 3 nghìn hộ dân ở thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) hết sức vui mừng vì từ nay sẽ chấm dứt được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi lo đã ập tới, khi người dân biết rằng, muốn có được nguồn nước sạch dùng thì mỗi gia đình phải đóng tiền lắp đặt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/hộ.

“Gia đình chúng tôi đều làm nông nghiệp thì lấy đâu ra một khoản tiền lớn như thế để nạp. Từ mấy chục năm nay, những ngày bình thường người dân trong xóm này muốn có nước sạch dùng thì phải lặn lội đi lấy cách nhà hơn 2 km, còn về mùa hè này để kiếm được vài lít nước là cả một vấn đề nan giải. Cứ tưởng, sau khi nhà máy hoàn thành thì dân sẽ có nước sạch dùng, nhưng ai ngờ giá lắp đặt lại quá cao như thế thì làm sao dân nghèo chúng tôi lo nổi. Hoàn thành mà kiểu như thế thì cũng bằng không!” – bà Nguyễn Thị Lan (xóm 5, Bắc Nghèn, Can Lộc) tâm sự.

Theo tìm hiểu, khi tiến hành dự án này, theo thỏa thuận, nguồn vốn từ Ngân hàng JBIC chỉ đáp ứng phần đường ống dẫn cấp I, còn mạng cấp II và III thì huyện phải có trách nhiệm hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế khi đường ống cấp I được phía dự án làm xong thì UBND huyện Can Lộc không chịu thực hiện những điều đã cam kết ban đầu, nên đã dẫn đến việc các hộ dân muốn có nước thì phải lo cả đường ống của mạng cấp II và III. Giá lắp đặt tất yếu bị đẩy lên cao hơn từ 2 đến 3 lần. S ở K ế ho ạch

Ông Trần Đình Hoà – Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết: “Khi thực hiện dự án này, huyện Can Lộc đã cam kết rất chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án rằng huyện sẽ chịu trách nhiệm đầu tư mạng cấp II và III để đưa nước tới từng hộ dân, còn dự án chỉ đầu tư xây dựng nhà máy và đướng ống cấp I”.

“Đem con bỏ chợ”!

Nhà máy nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng cả mấy ngàn hộ dân ở thị trấn Nghèn vẫn chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện bắt nước, vì giá quá cao. Trước đó, sợ nguy cơ nhà máy phải đóng cửa khi chưa hoạt động, được sự “tư vấn” của UBND huyện và thị trấn Nghèn, lãnh đạo Nhà máy nước đã nghĩ ra một phương án cứu nguy bằng cách vận động những hộ gia đình có điều kiện, sống gần mạng cấp I tự bỏ tiền ra lắp đặt.

Sau một thời gian khá dài vận động, thuyết phục, toàn thị trấn có 80 hộ và 7 cơ quan đơn vị tiến hành đăng kí lắp đặt với giá 1.250.000 đồng/hộ và từ 2 triệu đến 20 triệu đối với các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, sau khi đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ lắp đặt để mong có nước sạch dùng thì các “thượng đế” này lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười khác.

Bà Hoàng Thị Tiệm (xóm 1, Nam Sơn, Can Lộc) bức xúc: “Khi đến nhà thuyết phục chúng tôi lắp đặt, họ cam kết là nguồn nước đã qua kiểm tra, đảm bảo chất lượng nhưng suốt thời gian qua, khi nào mở van cũng chỉ thấy một dòng nước vàng khè, có mùi hôi chảy ra nên chẳng dùng được vào việc gì cả. Sau 3 tháng cung cấp nước, không hiểu tại sao đến tháng 5 vừa qua bỗng nhiên nhà máy ngừng cung cấp nước của tất cả khách hàng mà không một lời giải thích. Thế là chi phí hơn 1,2 triệu đồng bỏ ra lắp đặt bây giờ đành bỏ không. Nước thiếu vẫn thiếu”.

Cùng chung cảnh ngộ như bà Thiết, một cán bộ công tác tại Bệnh viện huyện Can Lộc cay đắng: “Chúng tôi đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng lắp đặt toàn bộ hệ thống chỉ mong có nguồn nước sạch để dùng ai ngờ bây giờ họ lại làm ăn tắc trách như thế?”.

Giải thích cho việc làm khó hiểu này, ông Nguyễn Văn Tính – Giám đốc Nhà máy nước huyện Can Lộc cho biết: “Do đường ống cấp I làm bằng sắt lâu ngày không hoạt động nên đã bị hoen rỉ, chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Cũng do lượng khách hàng quá ít nên tiền thu về không được bao nhiêu, trong khi đó để nhà máy hoạt động được thì phải chi rất nhiều khoản. Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, chúng tôi đã tiêu tốn hết 20 triệu đồng tiền điện”.

Nhưng còn ngạc nhiên hơn khi ông Thiết nói: “Thu không đủ chi nên chúng tôi đã phải tạm cho nhà máy ngừng hoạt động. Trong thời gian này chúng tôi phải tạm dùng giải pháp tình thế là dùng xe ô tô tải chở nước… đi bán cho những hộ có nhu cầu”

“Chúng tôi đang tìm cách”

Được biết, để hoàn thành mạng cấp II và III cho Nhà máy nước huyện Can Lộc, cần 1 khoản kinh phí khoảng 3 tỷ đồng (theo tính toán của ông Nguyễn Văn Tính). Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế, thì việc này không phải chuyện có thể thực hiện ngay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Xuân Hải – Chủ tịch UBND Thị trấn Nghèn tỏ ra khá thờ ơ: “Trong dự án này chúng tôi chỉ là những người hưởng lợi, không tham gia vào quá trình triển khai dự án. Nếu nhà máy nước cần đầu tư thêm và có ý kiến của UBND huyện thì chúng tôi sẽ huy động tiền đóng góp của dân và ngân sách để đưa nước về cho dân”.

Còn ông Ngô Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thì nói: “Trách nhiệm của chúng tôi là hoàn thành mạng cấp II và III nhưng hiện nay do ngân sách quá eo hẹp, UBND huyện không thể hoàn thành kịp như đã cam kết. Vừa qua, trong cuộc họp HĐND, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc một cách nghiêm túc. Trước mắt, chúng tôi sẽ vay 1 tỉ đồng để đầu tư cho nhà máy, trong một thời gian ngắn nữa, bà con trên địa bàn thị trấn Can Lộc sẽ có nước sạch để dùng…”.