Nông thôn mới “đất chín rồng”

Với phương châm “phát huy nội lực” trên cơ sở được trung ương đầu tư cơ bản, phong trào xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm qua đã đạt được những thành tựu lớn. Trên 90% hộ được sử dụng điện, 98% hộ có phương tiện nghe nhìn, 73% hộ được sử dụng nước sạch… Tuy nhiên, ĐBSCL là vùng có nhiều kênh rạch chằng chịt; mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn; mùa mưa ngập lũ… nên nông thôn ĐBSCL luôn gặp khó khăn trong tiến trình phát triển: tỷ lệ hộ nghèo còn cao (13,4%); lao động nông nhàn tăng; phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều…

Khởi sắc bộ mặt nông thôn

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL có sau 30-4-1975 nhưng từ năm 1990 tới nay mới phát triển mạnh. Năm 1992, khi mới tái lập tỉnh Sóc Trăng, ông Đinh Thiên Cần (Sáu Cần), lúc đó là Bí thư Huyện ủy Long Phú, dẫn đầu một đoàn ra Nam Định, Thái Bình học tập kinh nghiệm.

Trở về, Huyện ủy Long Phú có nhiều cuộc họp bàn, huy động sức dân, làm đường, bắc cầu, kéo điện về những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Đặc biệt là Cù Lao Dung (đã tách ra thành lập huyện mới cách nay 5 năm)… làm nhiều người ngỡ ngàng vì 2 trụ điện cao ngất ngưởng nối đường dây cao thế từ đất liền vắt qua sông Hậu. Những con đường bê tông “vệ tinh” đến được hầu hết các hóc hẻm như Cồn Sỏ, Cồn Chén…

ĐBSCL có rất nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả cao như Cù Lao Dung. Tuy là đất cù lao nhưng Bến Tre có phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt giao thông nông thôn vào loại bậc nhất ĐBSCL. Hai xã Quới Sơn và An Hóa đi đầu phong trào làm giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành.

Ông Hà Phước Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Quới Sơn, khoe: “Xã chúng tôi làm giao thông nông thôn mạnh lắm. Các tuyến đường từ ấp 1 đến ấp 9 có chiều dài trên 14km đều trải nhựa, trên đó có 92 cây cầu bê tông kiên cố”. Mô hình Quới Sơn được nhân rộng. Theo UBND huyện Châu Thành, toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn đã được nhựa hóa với chiều dài 373km, trong đó có 100km đường nội ấp.

Nhiều mô hình làm giàu, xóa nghèo

Ấp Tổng Cán, xã Liêu Tú, huyện Long Phú, Sóc Trăng được xem là một trong những chiếc “nôi” của phong trào nuôi tôm sú công nghiệp. Hàng ngàn héc-ta trồng lúa trước kia và đất hoang hóa dọc 2 bờ sông Mỹ Thanh ra tới cánh đồng Năn, cửa biển Mỏ Ó xã Trung Bình, Lịch Hội Thượng giờ đã thành vuông tôm công nghiệp. Hàng ngàn hộ nông dân vùng này trước đây nghèo khó, quẩn quanh cây lúa không đủ sống, nhờ nuôi tôm sú đã trở thành tỷ phú, triệu phú.

Biển Ba Động, Trà Vinh không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch mà còn là nơi có hàng chục tổ hợp tác nuôi nghêu hiệu quả. Anh Trần Phú An, Phó chủ nhiệm tổ hợp tác nuôi nghêu ấp Nhà Mát, xã Tường Long Hòa, huyện Duyên Hải, khoe: “Năm 2004, tổ thành lập, có 198 hộ tham gia với số vốn ban đầu 820 triệu đồng. Năm 2005 thu hoạch vụ đầu tiên đem về lợi nhuận gấp 10 lần (8 tỷ 210 triệu đồng). Năm 2008 này đã nâng lên 700 hộ tổ viên với số vốn trên 100 tỷ đồng. Cả trăm hộ tổ viên chỉ mới vài năm trước đây nghèo khó, sống bằng nghề te, xịp; khi được vay vốn ngân hàng góp vào tổ hợp tác, nay thu nhập gấp hàng chục lần”.

Anh Hai Ẩn ở ấp Đất Mới, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, là “tay tổ” trong nghề nuôi tôm càng xanh mùa lũ, cho biết: “Năm 2002 chỉ có 5-6 hộ như Hai Ẩn, Năm Sơn, Tám Danh… “gồng mình” nuôi thử 9 ha tôm càng xanh. Chỉ sau vài tháng mùa lũ, một ha thu được gần 1,5 tấn tôm càng xanh, bán với giá 85.000 đồng/kg, mỗi gia đình thu lợi gần 100 triệu đồng. Thế là, phong trào lan rộng ra cả vùng tứ giác Long Xuyên rộng lớn. Riêng huyện Vĩnh Thạnh nuôi 600 ha tôm càng xanh; thu lợi nhuận 100 triệu đồng/ha là chuyện thường.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cũng có phong trào nuôi tôm càng xanh mùa lũ với diện tích trên 1.400 ha, sản lượng mỗi mùa trên 2.000 tấn. Ở vùng lũ An Giang, Đồng Tháp… còn xuất hiện nhiều mô hình làm ăn sôi động, mang lại hiệu quả cao như: trồng ấu, làm nấm rơm, nuôi cá rô, cá lóc, đặt lờ lợp, thu hoạch bông súng, bông sen, bông điên điển… Các làng nghề “ăn theo” như đóng xuồng, đan lờ lợp… cũng “hái ra tiền” nhờ “phục vụ” cho làm ăn mùa lũ…

Chưa xuất hiện mô hình hiện đại hóa nông thôn

Phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở ĐBSCL đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên về lâu dài, khó đáp ứng kịp với xu thế hội nhập, trong khi trung ương đầu tư chưa xứng với tiềm năng vùng trọng điểm nông nghiệp cả nước, đặc biệt là giao thông- một trong 4 tiêu chí cần thiết là điện, đường, trường, trạm- còn chắp vá và yếu kém. Chỉ riêng Bạc Liêu có cả chục tuyến đường “huyết mạch” và hàng chục cây cầu quan trọng thi công kéo dài 5- 7 năm rồi bỏ dở. Giao thông cách trở là nguyên nhân chính không thu hút được đầu tư.

ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục và y tế . Mùa khô ở các vùng ven biển, nông dân thiếu nước ngọt trầm trọng cả trong sản xuất và sinh hoạt. Trình độ dân trí thấp dẫn đến việc làm ăn tự phát, không theo quy hoạch nên việc “trồng – chặt”, bỏ hoang ao nuôi tôm, treo hầm cá tra… là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: Trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, chỉ khá trong lĩnh vực sản xuất lúa.

Có tới 80% lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo nên số lao động dư thừa khó tìm việc làm tại khu vực phi nông nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển vùng ĐBSCL, cho biết: “Đến nay, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn quá thấp, chỉ chiếm 4% ngân sách mỗi tỉnh, thành. Ở ĐBSCL vẫn chưa xuất hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn để nhân rộng”.