Nghiên cứu này của hai nhà khoa học Lê Xuân Phúc và Nguyễn Chí Trung thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) có ý nghĩa thực tiễn cao vì nâng cao được thời gian sử dụng các nhà giâm hom trong năm, đặc biệt nhân được giống cây lâm nghiệp trong mùa lạnh kịp đón thời vụ trồng khi mưa xuống mà không phải lưu cây từ năm trước.
Các nghiên cứu được tiến hành từ năm 2005 đến nay, tại một số địa điểm trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh của gió Lào và gió mùa Đông bắc như: Trạm nghiên cứu Giống cây rừng Ba Vì, Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển lâm nghiệp (Hà Tây); Trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (Đông Hà, Quảng Trị)…
Các giải pháp kỹ thuật mang tính cơ bản và đồng bộ như làm thêm giá thể nhiều tầng, lập hệ thống tưới phun sương mù tạo ẩm theo chế độ tự động hẹn giờ và lưới che sáng di động… khắc phục được những bất lợi của thời tiết với kết cấu đơn giản, giá thành hạ so với các loại nhà kính, nhà nilon.
Chỉ bằng hệ thống lưới che sáng phía trên và vách che di động để giảm sáng và tăng cường thông gió tự nhiên, các nhà khoa học đã làm giảm cường độ ánh sáng và nhiệt độ môi trường giá thể từ 9-10 độ C so với ngoài trời vào mùa nóng. Do kết cấu giá thể giâm nhiều tầng đảm bảo cách nhiệt với môi trường ngoài nên nhiệt độ không khí môi trường giâm hom đạt 17-18 độ C, ấm hơn nhiệt độ ngoài trời trong mùa đông tới 3,5 độ C. Ở các tỉnh phía Bắc, thời gian giâm hom có hiệu quả cho hầu hết các loài cây rừng là mùa sinh trưởng (tháng 4 đến tháng 9,10), nhưng khi tạo được môi trường phù hợp, có thể giâm hom đạt hiệu quả cao cho một số loài cây điển hình là Bách xanh, Keo lai trong thời gian trái vụ là mùa đông lạnh.
Những nghiên cứu này mở ra triển vọng có thể phổ biến rộng rãi mô hình nhà giâm hom cải tiến vào sản xuất lâm nghiệp không chỉ ở các tỉnh phía Bắc mà còn có thể cho các vùng khí hậu nóng ở các tỉnh phía Nam để thay thế việc nhập các nhà kính, nhà lưới hoặc cải tiến các nhà giâm hom cũ./.