Có lẽ không đâu như ở Yên Bái, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác khoáng sản chỉ mất… một ngày, dù rằng nơi họ định "đào khoét" đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh!
Xin cấp phép khai thác khoáng sản – chuyện nhỏ!?
Để có được một giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật sẽ phải trải qua rất nhiều tuần tự, thủ tục như: Thẩm tra khu vực mà doanh nghiệp xin khai thác, kiểm tra khả năng của doanh nghiệp, “hiệp thương” với các cơ quan chức năng… Thế nhưng, ở Yên Bái lại khác, tất cả thủ tục xin được cấp phép khai thác khoáng sản chỉ cần giải quyết trong một ngày (!?).
Ngày 02/05, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái nhận được đơn, hồ sơ xin khai thác khoáng sản của Công ty Phúc Thọ (có trụ sở tại TP Yên Bái). Cùng ngày, ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh đã ký công văn số 202/TTr-STNMT gửi UBND tỉnh Yên Bái về việc cho phép công ty Phúc Thọ được phép thu nhặt quặng sắt tại khu vực núi Chàng Rể, xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình.
Trong văn bản này, ông Lâm khẳng định “đã thẩm định hồ sơ”, “kiểm tra thực địa” và cũng đề cập: Đây là khu vực nằm trong khu du lịch hồ Thác Bà đã được Bộ VHTT (nay là Bộ TT-VH-DL) công nhận là di tích danh lam thắng cảnh.
Tuy nhiên, ông giám đốc Sở lại cho rằng: “Qua kiểm tra thực địa, khu vực xin thu nhặt quặng sắt nằm trong thung lũng, xung quanh có núi che khuất, điểm quặng chủ yếu là quặng lăn lộ thiên, dạng cuội, kích thước nhỏ nên việc khai thác dễ dàng bằng lao động thủ công, hoàn toàn không phải sử dụng vật liệu nổ, không gây ồn ào và cảnh quan trong khu vực”.
Có thể thấy, Công văn số 202 đã thể hiện sự “vội vàng” của ông Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Là một cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý về tài nguyên, môi trường và khoáng sản, hẳn ông GĐ Sở TN&MT không thể không biết núi Chàng Rể nằm trên mặt nước hồ Thác Bà đã được công nhận là di tích danh lam, thắng cảnh tại Quyết định số 2410-QĐ/VH ngày 27/9/1996.
Xin được nói rõ: Chỉ nguyên thời gian đi thực địa đã phải mất đến vài ngày thì không hiểu việc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái thẩm định kiểu gì? Nhiều ý kiến cho rằng: có thể cơ quan này đã đi thực tế trước? Cũng có thể Sở TN&MT đã bỏ qua việc kiểm tra thực địa mà chỉ ghi văn bản báo cáo lên cấp trên nhằm hoàn tất hồ sơ cho khai thác khoáng sản?
“Dưới” nhanh thì “trên” cũng nhanh!
Không chỉ riêng Sở TN&MT tỏ rõ sự “nhanh chóng” trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản mà ngay cả lãnh đạo của tỉnh Yên Bái cũng tỏ ra… “mau mắn” không kém.
Cụ thể, cũng trong ngày 02/05/2008, ngay sau khi Sở TN&MT có công văn số 2002, ông Hoàng Thương Lượng – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 725/UBND-TNMT về việc: “Cho phép Công ty Cổ phần khoáng sản Phúc Thọ được thu nhặt quặng sắt tại khu vực núi Chàng Rể thuộc xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.
Quyết định này còn liệt kê rõ địa bàn khai thác khoáng sản của Cty Phúc Thọ gồm 9 điểm, trong tổng diện tích 3,6 ha với thời hạn thu nhặt là 18 tháng. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại tỉnh Yên Bái.
Phải khẳng định rằng, các lãnh đạo tỉnh Yên Bái đều biết nơi Công ty Phúc Thọ xin khai thác khoáng sản là khu vực đã được công nhận là di tích danh lam, thắng cảnh. Ngay trong văn bản đề xuất “Cho phép Công ty Cổ phần Khoáng sản Phúc Thọ được gom nhặt, tận thu khoáng sản tại điểm quặng sắt thuộc xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình”, ông Giám đốc Sở TN&MT Trần Đức Lâm cũng đã ghi rõ: “Khu vực khoáng sản này nằm trong lòng khu du lịch hồ Thác Bà đã được Bộ VHTT công nhận là di tích danh lam thắng cảnh…”.
Việc UBND tỉnh Yên Bái cho phép Công ty Phúc Thọ thu nhặt quặng sắt tại vùng ven hồ Thác Bà đã vi phạm nghiêm trọng “Quy chế Quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà” được chính cơ quan này đã ban hành tại Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 26/05/2008!
Quyết định này cũng do ông Hoàng Thương Lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký. Theo đó, quy chế này có nêu: “Các đảo đá trên hồ, các sườn núi phía tiếp giáp với mặt nước hồ Thác Bà tính theo đường phân thuy, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực này để bảo vệ cảnh quan trong vùng hồ…”.
Khu vực núi Chàng Rể cũng được đưa vào danh sách “vùng đất, mặt nước hồ và các đảo hồ thuộc địa dư của 31 xã ven hồ Thác Bà” cần được bảo vệ và nhất là “nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản” trong văn bản này.
Mặc dù đã quy định “nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản” trong vùng hồ Thác Bà trên, nhưng quy chế của UBND tỉnh Yên Bái có thêm một đoạn: “Hoạt động khoáng sản tại vùng hồ Thác Bà (điều tra địa chất, khảo sát, khai thác và chế biến khoáng sản) phải tuân theo quy định về quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chỉ được phép tiến hành hoạt động khi có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, tuân thủ theo đúng quy định của giấy phép đã được cấp; không làm ảnh hưởng xấu đến di tích lịch sử- văn hoá, danh lam, thắng cảnh và rừng phòng hộ vùng hồ Thác Bà; phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác theo đúng quy định…”.
Ngay từ sự lấp lửng trong quy chế đã gây sự hoài nghi thì những hành xử thực tế của cơ quan quản lý Yên Bái trong quản lý khoáng sản có khó hiểu thì cũng là điều… dễ hiểu.