Nỗi lòng ngư dân Biển Hồ

Hàng ngàn người Việt đang chen chúc nhau sống trong một ngôi làng nhỏ ở miền Nam tỉnh Pursat, Campuchia. Ở đấy, chỉ có những ngôi nhà nổi làm bằng phên tre, nứa… nằm trôi nổi trên Biển Hồ. Ở đấy, có những gia đình đã qua hơn 3 đời người bươn chãi, vật lộn với nắng gió của vùng Biển Hồ để mưu sinh, và hàng đêm mơ về một một ngôi nhà trên cạn…

Những mảnh đời… lục bình

Vượt hơn 200 cây số từ Phnôm Pênh, chúng tôi hướng về Làng Việt trên Biển Hồ, thuộc xã Kongpuôngluông, huyện Ka-Kô, tỉnh Pursat, Campuchia. Mùa khô ở đây thật khắc nghiệt. Dọc con đường đến Làng Việt là những trảng đất cằn cỗi, đầy những cuống rạ khô nằm quăn queo dưới cái nắng như đổ lửa.

Đến bến đò Kongpuôngluông, chúng tôi thuê chiếc ghe máy rẽ dòng kênh đen ngòm, nồng nặc mùi hôi tanh. Hơn 15 phút trôi qua, Làng Việt trên Biển Hồ nổi lên y hệt như một ngôi làng trên đất liền.

“Nếu đi nơi nào trên đất Campuchia còn e dè, ngại ngùng không biết trao đổi về ngôn ngữ thì đến đây các chú cứ thoải mái nói tiếng Việt, vì ở đây có khoảng 1.000 nóc gia, với khoảng 7.000 cư dân sinh sống, phần lớn là người Việt” – ông Huỳnh Lũy, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Pursat mở lời.

Ghe chúng tôi len lỏi giữa những khu nhà ổ chuột, trong đó có những gương mặt lam lũ, hốc hác. Biết tôi là người của “cố hương” Việt Nam sang nên ông Lý Minh Đợi chân thành thổ lộ: “Đời cư dân Biển Hồ chẳng khác nào con nước ròng, nước lớn. Hễ nước lên nhà lên, nước xuống nhà xuống và thân phận của hàng ngàn người Việt ở đây cũng chìm nổi, lênh đênh như những ngôi nhà này. Mấy tháng nay bị cấm khai thác cá, nhiều nhà đói hẳn, phải bán nhà ghe đi nơi khác làm ăn, qua cơn bĩ cực, đợi mùa mưa về trên Biển Hồ thì họ trở lại! Phận người Việt ở làng biển là vậy, dù có muốn khác hơn cũng không thể nào thay đổi được số phận đâu cậu ạ!”.

Len lỏi trong dãy nhà nổi lụp xụp là những người bán hàng rong. Từ những loại rau, củ quả, thịt cá, quần áo vải vóc, mỹ phẩm… cho đến đồ ăn thức uống đều được bán rong trên những chiếc xuồng ba lá. Ông Lũy cho biết, dân Làng Việt có đến 95% làm nghề cá, còn lại 5% buôn bán.

Ông Trần Văn Thành năm nay đã gần 70 tuổi, đầu để trần, ngồi dưới boong ghe gỡ mấy con cá linh vướng lưới. Vừa gỡ, ông kể: Quê ông ở An Giang, ông theo cha từ Việt Nam sang đây lúc 10 tuổi, gần cả đời người sống trên Biển Hồ, giờ mới thấy nhớ quê hương, nhớ núi Sam xanh vời vợi, nhớ cánh cò của vùng tứ giác Long Xuyên chao lượn trắng xóa vào những mùa nước nổi. Nhưng đã gần 70 năm qua ông Thành phải chôn nỗi nhớ quê da diết bằng những ly rượu đế rẻ tiền.

Chiều chạng vạng tối, ông Thành trong căn nhà nổi trống hoác nốc rượu ừng ực. Hình như ông muốn say nhanh để cố quên đi hình bóng của xứ sở. “Nghĩ cũng buồn thật, người ta ly xứ để làm ăn, khấm khá rồi trở về lại quê hương cho rạng rỡ, còn thân già này mong mỏi được một lần trở lại quê cha đất tổ để thắp nén nhang cho ông bà, tổ tiên cũng không được. Không biết mai này tôi chết, con cháu có đủ tiền mua được một phần đất để chôn tôi hay không? Nếu đám con cháu không có tiền mua đất chôn thì cũng đành đưa xác ra giữa biển cắm cọc treo lủng lẳng cho thối rữa rồi làm mồi cho cá?” – giọng lão ngư phủ già nua tắt nghẹn. Nói đoạn ông lủi thủi nhóm bếp lửa lên nướng mấy con cá linh vừa giăng lưới được sáng nay để trừ bữa.

Hơn 10 giờ đêm, ánh đèn đỏ từ bình ắc quy của những căn nhà nổi tắt hẳn. Đêm làng biển đen kịch và lạnh lẽo. Tôi cùng anh bạn bản địa cho ghe rảo quanh, thi thoảng tiếng mấy chị bán chè rao lảnh lót giữa đêm khuya thanh vắng.

… Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền trên khuôn mặt nhăn nheo, bà Nguyễn Thị An, trầm ngâm kể lại những tháng ngày lênh đênh trên sóng nước: “Sinh ra và lớn lên ở đây với nghề đánh bắt cá. Khi ở đây có chiến tranh, gia đình dắt díu về Châu Đốc, An Giang sinh sống. Về đó, cả gia đình không biết làm gì ngoài nghề cá, mà cá ở dưới đó không nhiều, vì thế nên khi ở đây hết chiến tranh, chúng tôi lại ngược thuyền về đây sinh sống”.

Đến từng tuổi gần đất xa trời, bà An cũng không biết giờ mình có được bao nhiêu đứa cháu. Nhưng điều bà nhớ rõ nhất là tất cả các đứa con đều nghèo, nghèo đến nỗi không đứa nào dám bén mảng về thăm bà lúc tuổi xế chiều, dù biết bà đang sống cảnh quạnh hiu. Bà cũng biết rõ các con bà đều sống bằng nghề đánh bắt cá quanh Biển Hồ này.

Theo ông Kiều Văn Danh, cán bộ của Hội đồng xã KongPuôngLuông thì số người Việt sống ở đây đều sống trên thuyền hay nhà nổi. 7.000 nhân khẩu chỉ là con số tương đối vì những người đến và đi ở xã này thường xuyên dao động.

“Cuộc đời của người Việt trên Biển Hồ là vậy, tuy mỗi người mỗi cảnh nhưng tất cả đều như con cá lội, nơi nào nước trong, sóng êm thì chạy đến, nơi nào sóng to, nước đục thì bơi đi, cuộc sống cứ lênh đênh, vô định không biết nơi nào là điểm dừng. Ở vùng quê sông nước Việt Nam, thường ví như những mảng lục bình vậy!” – ông Danh ví von.

 
Trẻ con lớn lên trên Biển Hồ đều không biết chữ.

Giấc mơ phu chài…

Ở làng biển, những người làm nghề chài lưới thuê mướn và những đội quân đánh bắt nhỏ lẻ được xem là những phận người “cùng đinh” nhất. Khát khao có được một chiếc ghe nhỏ cỏn con và một khoản tiền chừng hơn 1 triệu ria (khoảng 4 triệu đồng tiền Việt Nam) đóng thuế cho chính quyền địa phương, để trở thành một “ngư dân tự do”, xem ra là giấc mơ trải qua của nhiều thế hệ phu chài mướn ở đây…

Buổi chiều Biển Hồ buông xuống thật nhanh. Anh Ghết, một tay chài lưới chuyên nghiệp nhắm nghiền lại đôi mắt nhảy ùm xuống dòng nước lạnh buốt. Cứ vài ba phút là anh trồi lên để thở rồi lại tiếp tục lặn xuống nước.

Hơi từ luồng gió nam thổi vào làm cho tôi thấy lạnh. Tôi thấy Ghết run bần bật nhưng cũng phải cố ngụp xuống nước để thực hiện công việc của mình. “Làm công ăn lương mà anh, dù thế nào cũng phải thực hiện cho xong công việc mới lấy được tiền chứ. Lạnh thì có lạnh, nhưng riết rồi cũng quen thôi…” – Ghết trần tình.

Đang nói chuyện với tôi bỗng tiếng ông chủ từ chiếc ghe lớn vọng lại: “Hình như đáy lưới bị vướng phải cây đó Ghết, lặn rà theo xem thử coi!”. Ghết lại vội vã trầm mình trong dòng nước lạnh buốt, giữa trời đêm mịt mùng. Những người làm nghề như Ghết cũng thừa biết, nghề này chẳng mấy khi sống thọ, nhưng họ cũng phải lao theo vì chẳng còn cách chọn lựa nào khác. Ghết nói tại chiếc ghe cào này đã có ít nhất 2 mạng người đã ở lại vĩnh viễn với dòng Biển Hồ lạnh giá như thế.

Qua những người bạn làm nghề chài lưới thuê của Ghết, tôi được biết hai tháng trước Ghết có đùm túm con cái về quê ở Thoại Sơn, An Giang nhưng chẳng sống được bao lâu thì đã thấy quay trở lại làm kiếp phu chài trên Biển Hồ. Cuộc sống nhà Ghết bữa đói bữa no, mỗi đêm làm cật lực như vậy thì cũng chỉ kiếm được khoảng 10 ngàn ria (tương đương 40 ngàn đồng). Hôm nào chủ không kêu đi cào thuê thì xem như đói!

Những cơn gió cuối mùa khô ở Biển Hồ bao giờ cũng hung hãn, từng cơn, từng cơn thổi ù ù trên biển. Trong bóng đêm, tôi vẫn thấy lờ mờ những chiếc ghe câu, những chiếc ghe tam bản mong manh chất những cái lọp bắt tép cao ngất rẽ sóng ra khơi xa.

Tôi hỏi Ghết mỗi đêm những người đánh bắt nhỏ lẻ này kiếm được bao nhiêu tiền? Ghết lắc đầu… “cũng chừng 10 ngàn ria như tôi thôi anh ạ. Nhưng dù sao cũng làm chủ được bản thân. Còn những người thuộc thành phần như chúng tôi… là phận phu chài thuê… có muốn như họ cũng không được!”. Giọng Ghết chùng xuống.

Qua Ghết, tôi được biết đối với đội quân phu chài thuê thì giấc mơ của họ là làm thế nào kiếm cho được chiếc ghe cỏn con, và có được khoản tiền chừng 4 triệu đồng đóng thuế để được ra riêng đánh bắt tự do như những chiếc ghe cỏn con kia. Nhưng giấc mơ đó không bao giờ đến với Ghết cũng như hầu hết những anh em làm phu cào thuê ở đây, vì khoản tiền đó ngoài tầm tay của họ.

Trời tờ mờ sáng, sương vẫn còn lãng đãng phủ trắng xóa khắp mặt biển. Đây là thời điểm của “đội quân” đặt lọp tép bắt đầu tất tả kéo nhau về làng, kết thúc một đêm thức trắng để mưu sinh.

Lê Minh Trung, người thanh niên có nước da bánh ít gốc gác ở Tân Châu, Tây Ninh thở phào nhẹ nhõm: “Hôm nay trời yên sóng lặng, tui thu được hơn 20kg tép. Về khu chợ nổi cũng bán được hơn 12 ngàn ria. Số tiền đủ nuôi sống cho 3 miệng ăn được 2 ngày”. Nhiều khi đói quá, Trung cũng muốn đem vợ con bỏ Biển Hồ mà đi. Nhưng đi đâu thì anh không thể nghĩ ra vì trong tay không một đồng vốn.

Bình minh trở lại. Những ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ cùng với đội phu chài thuê bắt đầu được trở về làng nổi. Trông mặt ai cũng hốc hác, mắt quầng thâm và trũng sâu. Họ lếch thếch bước xuống chiếc ghe tam bản để trở về căn nhà ọp ẹp với khoản tiền nhỏ nhoi trên tay. Nhưng đó là niềm hy vọng để họ đón được ngày mai.