Lâm Đồng: Có nên mở rộng diện tích nuôi cá tại hồ Tuyền Lâm?

Khu du lịch (DL) Tuyền Lâm, trong đó có hồ Tuyền Lâm – di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng, được xây dựng thành một “Đà Lạt thứ hai” với hàng loạt dự án, công trình lớn hiện đang được triển khai. Thế nhưng, theo một “kế hoạch” khác, hồ Tuyền Lâm đang có nguy cơ trở thành cái “ao” nuôi cá…

Nuôi thử nghiệm

Khu DL hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ khoảng 5km, được quy hoạch thành một khu DL hiện đại, sang trọng; là một trong 7 khu DL chuyên đề cấp quốc gia. Hơn một năm qua, tại hồ Tuyền Lâm, được sự cho phép của cơ quan chức năng, Công ty TNHH cá tầm Việt Nam (VN) đã nuôi thử nghiệm một giống cá nước lạnh có tên là cá tầm Nga và bước đầu đã thành công. Trong tương lai, nếu được sự đồng ý của UBND tỉnh Lâm Đồng thì số lượng lồng cá (cùng các cơ sở hạ tầng khác) sẽ tăng lên nhiều lần chứ không dừng lại ở con số gần 60 lồng (tương đương 2.000m2) như hiện nay.

Theo ông Trần Văn Tuấn, người quản lý và trông coi việc nuôi cá tầm tại hồ Tuyền Lâm, vào nửa đầu năm 2007, Công ty TNHH cá tầm VN đã hai lần nhập trứng giống cá tầm từ nước Nga về để ấp nở và tiến hành nuôi thử nghiệm tại hồ Tuyền Lâm. Đến nay, tại hồ Tuyền Lâm có khoảng 60.000 con cá tầm Nga (50 tấn) được nuôi trong hồ.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: “Việc thử nghiệm này là nhằm theo dõi khả năng thích nghi của giống cá tầm Nga – giống cá quý của Nga, đang đứng trước nguy cơ mất giống – tại môi trường tương đương là Đà Lạt, để có kế hoạch phát triển giống cá nước lạnh tại VN”. Và, sau một năm nuôi thử nghiệm, Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã công nhận sự thành công của mô hình.

Có nên mở rộng?

Hiện tại, theo dự án đầu tư sản xuất cá giống và phát triển nghề nuôi cá tầm tại Lâm Đồng, Công ty TNHH cá tầm VN đang đề nghị tỉnh Lâm Đồng cho phép xây dựng tại hồ Tuyền Lâm một trung tâm sản xuất cá giống và một trung tâm nghiên cứu cá tầm có quy mô không chỉ của VN mà còn của cả châu Á. Theo đó, đơn vị này sẽ sử dụng khoảng 0,7% diện tích mặt nước (diện tích lồng bè 20.000m2) hồ Tuyền Lâm để triển khai kế hoạch “dài hơi” vừa nêu.

Cụ thể hơn, Công ty TNHH cá tầm VN đang đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép sử dụng lâu dài đập tràn sự cố, mặt bằng xung quanh đập tràn, eo hồ và một số địa điểm “hợp lý” trong hồ… để phục vụ việc phát triển cá tầm ở VN.

Để đảm bảo sự phát triển cho 60.000 con cá tầm Nga hơn một năm tuổi (đã nuôi từ tháng 5.2007; thời gian khai thác cá thịt: 2 năm, con trưởng thành nặng khoảng trên 10kg, khai thác cá con giống: 4 – 5 năm) thì mỗi ngày phải “quẳng” xuống hồ Tuyền Lâm khoảng 700kg – 1.000kg thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế. Vậy, thử hình dung với quy mô được mở rộng lên khoảng 10 lần thì lượng thức ăn cho cá cùng nhiều thứ chất thải khác được thải ra buộc hồ Tuyền Lâm phải “gánh lấy” chắn chắn là cả một vấn đề không nhỏ.

Ngoài chức năng DL, hồ Tuyền Lâm trong tương lai gần còn là nguồn nước được khai thác của Nhà máy nước Tuyền Lâm (cuối năm 2008 được đưa vào hoạt động) để cung cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn người dân nơi đây.

Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng thì hiện tại, hồ Tuyền Lâm chưa bị ô nhiễm nhưng trong tương lai, nếu dự án nuôi cá tầm của Công ty TNHH cá tầm VN được triển khai thì chắc chắn môi trường của hồ Tuyền Lâm sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Hơn nữa, Lâm Đồng cần xác định hồ Tuyền Lâm là hồ nước phục vụ DL và là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân chứ không phải là nơi nuôi cá thịt. Như vậy, việc có biến điểm di tích lịch sử văn hóa quốc gia hồ Tuyền Lâm thành cái “ao” nhà để nuôi cá hay không vẫn còn đang phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng.