Chỉ từ một nắm hạt, gieo trên một lớp giấy ăn, sau vài ngày đã cho một món rau mầm sạch và giàu dinh dưỡng. Cách trồng rau này đang được các nhà khoa học Việt Nam tiến hành và phổ biến rộng rãi đến mọi nhà.
Mầm súp lơ xanh
TS Phan Quốc Kinh (Giám đốc Khoa học Trung tâm Phát triển Hóa sinh Việt Nam) là người đầu tiên công bố cách trồng rau mầm tại Việt Nam năm 1997. Cũng trong năm đó, ông đã giới thiệu sản phẩm này trong cuốn Thực phẩm chức năng và Thực phẩm thuốc do NXB Nông nghiệp phát hành.
Tuy nhiên, chỉ đến khi dịch tả bùng phát tại Việt Nam vào năm ngoái, loại rau này mới được các bà nội trợ chú ý.
Tại nhà TS Kinh và trong phòng làm việc của ông, những khay nhựa trồng rau mầm mơn mởn xanh, nhìn mát mẻ và rất… ngon mắt. Điều lạ là không cần tốn một chút đất hay phân bón nào. Chúng chỉ hít khí trời và uống nước để sống!
“Nhờ thế rau mới sạch, không bao giờ dùng đến hóa chất, thuốc trừ sâu”. – TS Kinh cho biết.
Chỉ vào lớp lót màu trắng mỏng trên khay nhựa – nơi các hạt mầm bám vào và mọc rễ, TS Kinh hóm hỉnh: “Giấy ăn đấy! Giấy ăn mỏng, dễ thấm nước, rễ rau cũng dễ dàng đâm xuyên xuống phía dưới! Vừa làm dài rau, vừa đẹp mắt”.
Cũng theo TS Kinh, cách trồng rau mầm đã có từ hàng chục năm trước ở các nước tiên tiến trên thế giới. Để trồng rau mầm, người ta phải sử dụng các giá thể như xơ dừa, rơm cắt nhỏ, lõi trắng bắp ngô cắt nhỏ. Những giá thể này phải tiệt trùng.
Tuy nhiên, điều kiện Việt Nam khó có thể kiếm những giá thể này, việc tiệt trùng lại càng phức tạp. TS Kinh đã có sáng kiến thay chúng bằng giấy ăn thông thường. Chỉ cần lót ba lớp giấy ăn mỏng lên khay nhựa là có một lớp giá thể cho hạt nảy mầm, bén rẽ.
Ông cũng cải tiến hộp gỗ trồng cây bằng thùng xốp, khay nhựa, đặc biệt là bằng giá nhựa mà các gia đình vẫn dùng xếp bát đũa. Có thể xếp tầng tầng các giá rau như vậy, vừa đỡ tốn diện tích, vừa đỡ tốn công tưới nước vì nước từ giá trên thấm xuống giá dưới rất “bài bản”.
TS Kinh cho biết, hạt nào không độc đều có thể trồng và ăn được. Ông đã trồng nhiều loại rau mầm, từ những loại thông thường như rau muống, đậu tương, đậu đen, rau dền, đến các loại cao cấp như mầm súp lơ xanh, mầm mướp đắng…
TS Phan Quốc Kinh đang quan sát hạt súp lơ xanh nảy mầm. |
Thực phẩm bổ dưỡng
“Có thể so sánh một cách dân dã là hạt đậu tương như quả trứng vịt, còn hạt đậu tương nảy mầm như quả trứng vịt lộn có chứa nhiều sinh chất dinh dưỡng quý giá” – TS Kinh nói.
Trong cây mầm có chứa nhiều Vitamin E và các chất kích thích sinh trưởng. Hàng chục năm trước, các nhà khoa học Mỹ, Nhật đã xác định mầm đậu tương có chứa các phytoestrogen- genistein, daidzein là các nội tiết tố sinh dục nữ thực vật, nhiều hơn hàng chục lần so với hạt đậu tương bình thường.
Trong mầm đậu tương còn chứa hàm lượng cao chất GABA (acid gamaaminobutyric) là chất điều tiết hoạt động hệ thần kinh trung ương của người và động vật. Sữa đậu nành làm từ mầm đậu tương ngon, thơm, đậm đà và giàu giá trị dinh dưỡng hơn sữa làm từ hạt đậu tương.
Gần đây, các nhà khoa học của Trường đại học Y John Hopkins (Hoa Kỳ) đã xác định mầm hạt súp lơ xanh (Broccoli sprouts) có chứa chất phòng chống ung thư Sulforaphan nhiều hơn 30 lần so với súp lơ xanh đã trưởng thành.
Sulforaphan được đánh giá là chất chống oxy hóa rất có hiệu quả để bảo vệ da. Nhiều chế phẩm thực phẩm chức năng có chứa cao mầm hạt súp lơ xanh đã được sản xuất và lưu hành ở Âu Mỹ để hỗ trợ phòng và điều trị một số loại ung thư.
Ngoài ra, mầm mướp đắng ăn cũng rất thơm ngon và đã được chứng minh tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
“Người ta còn gọi cây mầm là cây “sơ sinh”. Chúng chứa nhiều chất điều chỉnh sinh học, chống độc, chống đột biến… lại rất dễ được tiêu hóa, hấp thụ vào cơ thể. Chỉ cần ăn một lượng nhỏ rau mầm là có giá trị tương đương với một lượng lớn rau đã trưởng thành”. – TS Kinh khẳng định.
Dễ trồng và tiết kiệm!
TS Kinh hướng dẫn cách trồng rau mầm rất đơn giản. Hạt rau giống có thể mua ở chợ hoặc các cửa hàng bán giống cây. Chỉ với giấy ăn, nước sạch và nơi trồng là … gầm giường, góc nhà, với ánh sáng đạt từ 10 – 30% ánh sáng ngoài trời, các gia đình có thể tự trồng rau sạch để ăn.
Hạt giống sau khi ngâm vào nước ấm 30oC trong 2 – 4 giờ, đem rải đều lên lớp giấy ăn đã trải sẵn trên khay nhựa (trải 2-3 lớp). Lấy mảnh vải hay giấy phủ lên trên, phun nước cho ẩm đều.
Để chỗ tối 2 – 3 ngày thì hạt nảy mầm, cứ 3 – 4 giờ thì phun nước làm ẩm cho hạt. Sau đó bỏ mảnh vải, đem các khay đặt gần cửa sổ có nhiều ánh sáng hơn. Sau 7–8 ngày thì thu hoạch được rau mầm cao từ 8 – 12 cm.
Cứ 100g hạt củ cải giá 2.500 đồng thì nhận được 700 – 1.000g rau mầm sạch. 200g rau mầm có giá trị dinh dưỡng như 700 – 800g rau đã trưởng thành. Rau mầm sau khi rửa sạch có thể ăn sống, trộn xa lát hay nấu súp, xào với thịt bò…
“Từ ngày biết cách trồng rau mầm, ngày nào gia đình tôi cũng có rau sạch để ăn. Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi gia đình ở thành phố chỉ cần 7 – 14 khay luân phiên thay nhau trong tuần (mỗi ngày 1 – 2 khay) là đã có một lượng rau sạch, bổ dưỡng, an toàn cung cấp cho chính gia đình mình, không còn lo lắng mua phải rau không sạch ở các chợ, cửa hàng. So với giá rau trên thị trường hiện nay, trồng rau mầm còn có hiệu quả kinh tế.” – Anh Lưu Đình Khoa ở TT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, cho biết.
Với các loại rau cao cấp như mướp đắng, súp lơ xanh, các bà nội trợ có thể chịu đắt hơn một chút. 10g hạt súp lơ xanh giá 50.000đ, cho ra 40 – 50g rau mầm.
Tuy nhiên mỗi bữa chỉ cần ăn 5g mầm rau súp lơ xanh là đảm bảo giá trị dinh dưỡng và phòng chống ung thư. “Thế nên vẫn rẻ!” – TS Kinh cười hồ hởi khi bê ra một mẻ rau mầm súp lơ xanh mơn mởn đã đến ngày thu hoạch.