Hiện nay, các nguồn phóng xạ được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực y tế. Với hơn 2.000 cơ sở X quang và gần 200 cơ sở sử dụng các nguồn phóng xạ trong cả nước, vấn đề an toàn bức xạ là không thể xem nhẹ bởi ai cũng hiểu những hậu quả nghiêm trọng của nó nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Chưa có đánh giá an toàn bức xạ với bệnh nhân
TS Đặng Thanh Lương – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (KS & ATBXHN ) – Bộ KH-CN cho biết: “Hiện nay việc đánh giá an toàn bức xạ với bệnh nhân, đặc biệt là trong chẩn đoán X quang y tế mới chỉ được thực hiện trong một vài đề tài nghiên cứu khoa học ở phạm vi hẹp nên chưa phản ánh được bức tranh tổng thể. Cần lưu ý là 90% liều bức xạ mà con người nhận được từ các nguồn nhân tạo là do chiếu xạ y tế gây nên”.
Ngoài ra, hiện có khoảng 3.000 bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với nguồn phóng xạ đang được kiểm soát, theo dõi liều chiếu xạ hàng quý theo đúng pháp lệnh. TS Lương cũng cho biết đã ghi nhận một số trường hợp liều phóng xạ vượt quá mức cho phép, nhưng khi xác minh lại thì không đúng như vậy mà nhiều khi do nhân viên để quên liều kế trong phòng máy khiến chỉ số của liều kế tăng cao…
Các nguồn phóng xạ đang được kiểm soát ra sao?
Cuối năm 2006, Cục KS&ATBXHN đã phối hợp với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thực hiện chương trình “Giảm thiểu nguy cơ bức xạ toàn cầu”, gồm có việc đảm bảo an ninh với các nguồn phóng xạ loại 1, 2 trong đó có các nguồn phóng xạ sử dụng trong y tế như nguồn Cobalt – 60 có hoạt động phóng xạ rất lớn từ khoảng 3.000 – 7.000 curie.
Ngoài xây dựng các buồng chiếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn che chắn còn phải lắp đặt hệ thống an ninh trong các khoa xạ trị như camera, đầu dò chuyển động…. Các hệ thống đã được lắp đặt tại các BV K, Bạch Mai, T.Ư Huế, Đa khoa Phú Thọ (TP.HCM) nhưng còn nhiều cơ sở y tế khác chưa có những hệ thống kiểm soát nguồn phóng xạ hiện đại.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử và sẽ có hiệu lực từ 1.1. 2009. Tuy nhiên, khi thực hiện các văn bản pháp luật vẫn có một số bất cập trong hệ thống văn bản như có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản… Cán bộ chuyên trách quản lý về ATBX khá mỏng (ở TP.HCM chỉ có 3 cán bộ theo dõi gần 300 cơ sở X quang, tại Hà Nội 2 người/gần 200 cơ sở X quang)…
Một vấn đề được đặt ra là việc xử lý các nguồn phóng xạ sau khi đã phân rã hết hiện chưa có kho lưu trữ quốc gia để cất giữ như các nước vẫn làm (mới chỉ một số ít BV có kho cất giữ).
Một biện pháp khác phổ biến trên thế giới là trả lại cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, điều này cũng không đơn giản. Theo kiến nghị của Công ty NEAD – một Công ty trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KHCN) chuyên XNK các thiết bị phục vụ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thì hiện nay, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam chưa cho phép vận chuyển nguồn phóng xạ từ Việt Nam ra nước ngoài, kể cả các nguồn đã phân rã. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho người sử dụng nguồn, đặc biệt là các nguồn xạ trị y tế hoạt độ đến cả nghìn curie.
Cảnh báo nguy cơ mất an toàn phóng xạ
Theo Cục KS&ATBXHN thì hiện cả nước chỉ có khoảng 1,78 cán bộ chuyên trách về vấn đề này/đơn vị cấp sở; trong đó cán bộ được đào tạo cơ bản về vật lý hạt nhân hoặc công nghệ hạt nhân chỉ chiếm 6,1%. Đối với trang thiết bị, hiện chỉ có 85% cấp sở có thiết bị đo suất liều PX. Chỉ có 6 sở (9%) là có bộ kiểm tra thiết bị X quang y tế và liều kế cho cán bộ quản lý.
Tính đến quý I/2008, Hà Nội đã phát hiện 17 cơ sở X-quang vi phạm, TP.HCM có 3 cơ sở vi phạm… Tuy nhiên theo đánh giá thì với hạn chế này, các cơ quan quản lý khó lòng kiểm tra nổi cho hết các cơ sở. Còn theo đánh giá của Bộ Y tế thì đến năm 2005 đã có 872 trường hợp có bệnh nghề nghiệp liên quan đến PX và 7 trường hợp nhiễm xạ nghề nghiệp.
Đặc biệt, tình trạng mất an toàn rất cao khi chỉ có khoảng 85% vị trí ngoài phòng X quang đạt tiêu chuẩn cho phép, nhiều nơi liều suất vượt cao tới 40 lần – 500 lần…
Theo TS Vũ Mạnh Hùng, Viện phó Viện KHKT Bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐVN), nguồn phóng xạ trong lĩnh vực y tế có thể phân làm 2 loại: Một nguồn từ máy X quang nghĩa là dùng tia X để chẩn đoán và điều trị bệnh.
Máy X quang chỉ phát xạ khi được nối với nguồn điện và đây là loại máy khá phổ biến tại các cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân. Một nguồn nữa là sử dụng các đồng vị phóng xạ để điều trị bệnh. Các máy có sử dụng đồng vị phóng xạ như máy Cobalt (sử dụng đồng vị Co-60), máy gia tốc, dao phẫu thuật bằng tia gamma… phần lớn chỉ có ở các BV đầu ngành như BV K, BV Bạch Mai.. bởi giá thành của những loại máy này không hề nhỏ (từ 1 triệu tới vài triệu USD).
Các triệu chứng lâm sàng khi bị tổn thương bức xạ. Các triệu chứng lâm sàng khi bị tổn thương bức xạ trong trường hợp bị chiếu xạ toàn thân gồm có: Buồn nôn, mệt mỏi, có thể bị sốt kèm theo tiêu chảy. Tiếp theo là thời kỳ ủ bệnh với thời gian khác nhau đặc trưng bởi các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, các bệnh liên quan đến đường ruột, cơ quan tiêu hóa.
Trong trường hợp bị chiếu xạ cục bộ lên một bộ phận cơ thể, tùy thuộc liều chiếu, nạn nhân có thể bị các triệu chứng, dấu hiệu như ban đỏ, phù nề, bỏng rộp khô/ướt, tróc da, rụng lông, tóc hoặc có thể bị hoại tử…
Những sự cố về phóng xạ ở thế giới và VN. Từ năm 1944 – 1999, trên toàn thế giới đã xảy ra 405 tai nạn, sự cố bức xạ và gây tổn thương cho khoảng 3.000 người, trong đó 120 người đã chết. Tại VN chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào.
Tuy nhiên, thời gian gần đây có xảy ra một số sự cố mất nguồn phóng xạ như vụ Viện Công nghệ xạ hiếm mất nguồn Eu-152 trong khi sửa chữa trụ sở, sau đó đã tìm thấy nguồn tại một cửa hàng phế liệu ở Bạch Đằng. Hai vụ mất nguồn tại Hà Nam và Hòa Bình đều là Cs – 137 dùng trong việc đo mức xả nhiên liệu của nhà máy ximăng. Hiện cả 2 nguồn này vẫn chưa được tìm thấy…