Miền Trung với địa hình trải dài, phân chia rõ rệt giữa đồi núi và biển nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị hạn chế, hàng năm lại chịu sự tác động của ngập lụt, xâm nhập mặn, hoang hóa nên ngày càng bị thu hẹp. Không những vậy, còn chịu áp lực khốc liệt từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất nông nghiệp đã hẹp càng eo hẹp.
Lãng phí đất ở cụm công nghiệp
Đến tháng 07/2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 17/18 cụm, điểm công nghiệp – làng nghề (CN-LN), với tổng diện tích là 191 ha, kinh phí đầu tư 52,178 tỷ đồng thực hiện việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng… So với yêu cầu đầu tư thì nguồn vốn này vẫn còn thấp. Tuy nhiên, cũng giúp thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư.
Vậy nhưng, thực tế đầu tư vào các cụm CN-LN này như thế nào? Cụm CN Thiên Bút được phê duyệt giai đoạn 1, với diện tích 25 ha và TP Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào… Nhưng các hạng mục này vẫn đang thi công dở dang; 15 hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường nên chưa giao mặt bằng cho Ban quản lý Cụm CN-LN.
Do đó, mới chỉ có 2 dự án đầu tư, với số vốn là 4 tỷ đồng, mặc dù cụm CN-LN này có vị trí khá thuận lợi là nằm cạnh quốc lộ 1A. Hơn 25 ha đất nông nghiệp rất màu mỡ thu hồi làm cụm CN-LN đang bị bỏ hoang, 60 hộ dân, hơn 240 nhân khẩu mất đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải vào Nam kiếm sống… Đi về phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi, cụm CN-LN Đồng Dinh (Nghĩa Hành) án ngữ trên 10,8 ha đất nông nghiệp của người dân.
3 năm quy hoạch, xây dựng cụm CN-LN, nhưng mới chỉ có 8 doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư, trên diện tích đất 1,86 ha, một số doanh nghiệp là đã đi vào sản xuất nhưng đa phần các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng ở cụm CN-LN này là… xí phần, chiếm chỗ, chứ không có sản xuất gì nhiều.
Cụm CN La Hà (huyện Tư Nghĩa), 25 ha, đã đầu tư 6,3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1. Đến nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp đến đầu tư, với số vốn đăng ký 4 tỷ đồng, phần diện tích còn lại của cụm CN-LN được người dân tận dụng làm… bãi chăn thả gia súc! Nghịch lý là ở chỗ, dù hình thành hàng loạt các cụm CN-LN như vậy, nhưng hàng năm, trên 40.000 lao động chủ yếu tại các vùng nông thôn Quảng Ngãi vẫn vào Nam làm thuê?!
Đô thị hóa – Nông dân thuê đất làm nông
Thành phố Đà Nẵng, hơn 10 năm tách tỉnh được đánh giá có bước chuyển mình ngoạn mục. Việc chỉnh trang đô thị đã làm nên một diện mạo mới cho một Đà Nẵng xứng tầm là “thủ phủ” vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tuy nhiên, với phương châm “đổi đất lấy công trình”, trong khoảng thời gian đó, gần 11.000 hộ nông dân đã giao đất và xem như mất đất. Hàng loạt các KCN, khu dân cư cao tầng, đường phố rộng thênh thang… thay thế những khu nhà ổ chuột, nhà chồ, những “con đường đau khổ”… và theo đó, những làng rau, làng lúa… cũng bị cuốn theo cơn lốc của quá trình đô thị hóa.
Không có đất sản xuất, chính những người nông dân lại phải đi thuê đất để làm nông kiếm kế sinh nhai. Ông Phạm Chỉnh, phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đang tranh thủ xới đất trồng lứa rau cuối cùng trên mảnh đất 2 sào thuê ở cánh đồng Sơn Thủy, phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), để đến đầu tháng 8 tới giao đất cho Dự án Suối khoáng nóng Hoàng Trà. Đây là lần thứ 2, ông phải từ bỏ nghề trồng rau truyền thống của gia đình.
Cách đây 3 năm, khu vườn rau nhà ông ở Mân Thái giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Nhận tiền đền bù xong, vợ chồng ông chuyển sang buôn bán nhưng ế ẩm, lại quay về với nghề trồng rau. Có người mách bảo, ông xuống Hòa Hải thuê 2 sào dọc sông Cổ Cò đầy cỏ dại, dày công cải tạo mới có được như hôm nay.
Nhìn đám rau xanh tốt, mướt mắt mà giọng bà Nguyễn Thị Cát, ở tổ 3, đắng chát: “Húng tàu mỗi ký 18 ngàn đồng, mỗi ngày thu trên hai chục ký. Nay giải tỏa không biết làm gì để có thu nhập? Được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hơn 2 triệu đồng/sào, nhưng biết chuyển đổi nghề gì bây giờ?”. Còn Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, ông Đoàn Ngọc Vui, cho biết: “300 hộ nông dân của phường mất đất, họ phải lặn lội vào tận Hòa Tiến, Hòa Xuân (Đà Nẵng) và Hội An (Quảng Nam) để thuê đất trồng trọt, mưu sinh…”.
Thống kê của Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho thấy: Đà Nẵng là địa phương có diện tích đất nông nghiệp giảm nhiều nhất so với cả nước với tổng diện tích hơn 2.090 ha, gần 11.600 nông dân không có việc làm, trong khi nhà nước vẫn chưa có cơ chế chính sách rõ ràng cho số nông dân giao đất sản xuất. Rất nhiều lao động nông nghiệp, nhất là số lớn tuổi không có việc làm thay thế khiến nảy sinh nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm.
Đẩy cụm CN-LN lên vùng đất xấu; phát triển nông nghiệp ven đô
“Vấn đề quan trọng nhất quyết định tới tính hiệu quả chính là ngành nông nghiệp đã xác định cụ thể “khung thời vụ” (quỹ thời gian) tránh được bão lũ và khâu chọn giống cho sản xuất hai vụ. Chính từ những bước đi, cách làm phù hợp, năng suất và sản lượng nông nghiệp Quảng Nam hàng năm tăng cao (vụ đông-xuân 2007 – 2008 mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất bình quân vẫn đạt 50 – 60 tạ/ha; khai thác hiệu quả vùng đất bãi bồi ven sông, đưa thu nhập bình quân mỗi hécta canh tác tăng từ 19 triệu đồng lên 42 triệu đồng/ha/năm” ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết.
Bên cạnh đó, các KCN, cụm công nghiệp bố trí ở những vùng đất xấu mà nông nghiệp không phát triển được nên hiệu quả kinh tế từ các cụm công nghiệp này đem lại rõ rệt, đây cũng là bài học cho một số địa phương khi có chủ trương cho quy hoạch các cụm CN-LN.
Ngoài ra, các địa phương chủ động chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi, bước đầu quy hoạch và hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung nhưng diện tích dành cho trồng lúa vẫn hơn 80.000ha, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.
Tuy nhiên – theo ông Quang – để phát triển bền vững, cùng với hành lang pháp lý đã có, Chính phủ nên nghiên cứu định giá đất sản xuất nông nghiệp theo thị trường và chính sách thúc đẩy chuyển đổi nghề nghiệp, tích tụ ruộng đất bằng phương thức chuyển nhượng có sự quản lý của Nhà nước, hoặc người nông dân góp cổ phần bằng giá trị đất để mở đường cho việc hình thành những vùng sản xuất tập trung. Việc tính giá đền bù đất sản xuất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng như hiện nay dựa trên địa tô nông nghiệp là chưa đầy đủ, cần phải tính thêm tô kinh tế, tô xã hội để định lại mức sàn. Có như vậy mới thỏa đáng, mới giúp nông dân có điều kiện phát triển, ổn định cuộc sống.
Vấn đề cơ bản góp phần khuyến khích, thúc đẩy nông nghiệp phát triển chính là sự bắt tay giữa các doanh nghiệp và người nông dân (tạo thị trường phong phú, vững chắc giúp người dân tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ giống, vốn, vật tư và các mặt đảm bảo khác để họ yên tâm sản xuất). Cần có quy hoạch ổn định cho sản xuất nông nghiệp ở vùng ven đô thị, đó là mong muốn của nhân dân các địa phương không riêng Đà Nẵng mà những nơi có nhiều đất canh tác bị giải tỏa.