Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) các nhà khoa học đã quan sát trực tiếp và chụp hình được 12 bầy voọc với khoảng 170 con voọc ngũ sắc, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, thuộc loài nguy cấp, cần bảo vệ.
12 bầy voọc nói trên chia thành nhiều đàn nhỏ lẻ, đàn lớn khoảng trên 20 con, đàn nhỏ với 6 con gồm nhiều con đực, cái và các con non cùng sống trong thiên nhiên hoang dã. Đa số voọc trong bầy voọc mà các nhà khoa học quan sát được là các con non. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy, quần thể voọc đang phát triển rất tốt.
Cuối năm 2007, Ngô Văn Trí – một cán bộ của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật (TP.HCM) đã tiến hành khảo sát độc lập, tiếp cận và quay được gần 2 phút phim về đời sống sinh hoạt của loài voọc này trong thiên nhiên hoang dã.
Theo ông Trí, đây có thể là những thước phim đầu tiên trên thế giới về loài voọc này kể từ lúc phân loài này được khám phá bởi nhà thực vật học, bác sỹ kiêm nhà động vật học Carl Von Linné (Thụy Điển) vào năm 1771.
Voọc chà vá chân nâu còn có tên gọi là voọc chà vá chân đỏ, hay voọc ngũ sắc. Các nhà nghiên cứu về khỉ hầu quốc tế vẫn phong cho loài này tên gọi “mĩ miều”: “Nữ hoàng của các loài voọc”. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư sống gấn bán đảo Sơn Trà vẫn thường gọi chúng với cái tên khá đơn giản là những con giáo hoàng.
Được biết, vùng phân bố của loài voọc ngũ sắc chỉ là Nam Lào và miền Trung Việt Nam, trong đó quần thể voọc ngũ sắc tại bán đảo Sơn Trà chiếm khoảng 60% quần thể voọc trong thiên nhiên được biết đến ở Việt Nam. Theo ông Trí, việc phát hiện quần thể voọc ngũ sắc tại Đà Nẵng, ngoài giá trị bảo tồn, còn mang lại cơ hội rất lớn cho ngành du lịch của địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động bẫy các loài thú khác của con người lại đang là mối đe doạ đối với sự sinh tồn của quần thể voọc nói trên.