Thời gian qua, rất nhiều người tìm về núi Chi Đảy (Sơn La) để xem những hang động kỳ bí vừa được phát hiện. Nhiều người đi về xuýt xoa, nào là "không thể tin được", “chẳng thua Phong Nha – Kẻ Bàng”!
Đổ xô lên núi xem hang động lạ
Đầu năm 2008, khi có thông tin về hệ thống hang đá có nhiều hiện vật lạ ở bản Đán thuộc bản Đán, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La), hàng nghìn người từ khắp nơi trong tỉnh đã “hành hương” về đây để lên núi thưởng lãm. Họ mang theo đồ ăn thức uống, đèn pin, đèn tích điện và cả những đồ cúng lễ. Hàng đoàn xe máy, ôtô bỗng ùn ùn về, làm cho chính quyền xã Yên Sơn “choáng”.
Trong khi chính quyền địa phương từ cấp xã tới cấp tỉnh còn “bàng hoàng” thì những đoàn người về bản Đán tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, theo người dân bản địa thì hệ thống hang động trên núi Chi Đảy không có gì là mới mẻ đối với họ, bởihệ thống hang động này được phát hiện từ lâu.
Để tìm hiểu về vẻ đẹp huyền bí của hang động này, chúng tôi quyết định lên núi xem hang. Từ quốc lộ 6 rẽ vào con đường đi qua xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, rồi tiếp tục vượt qua con đèo Cà Nài khoảng hơn 15 km thì đến bản Đán (xã Yên Sơn, huyện Yên Châu). Sau khi gửi xe ở nhà dân, chúng tôi phải đi bộ qua nương ngô, nương lúa và đoạn đường núi dài khoảng 1,5 km mới tới được chân núi Chi Đảy.
Mặc dù chưa chính thức trở thành điểm du lịch nhưng các hộ dân người bản Đán đã nhao ra mở dịch vụ giữ xe, bán đồ giải khát… Để đến được chân núi, mỗi người phải mất 2.000 nghìn đồng cho người dân với lý do đi “nhờ” qua nương ngô, lúa. Anh Vì Văn Cù, người trông giữ xe cho biết: Chi Đảy là tiếng địa phương, dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là “Sẽ được”.
Với những người hành hương lên đây hương khói chưa biết đã được gì chưa, nhưng anh Cù được khá nhiều từ khi hang Chi Đảy nổi tiếng. Cái “được” của anh Cù chính là nguồn lợi cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người dân nơi đây từ việc trông giữ xe, bán đồ giải khát cho khách.
Anh Cù cho biết, những tháng đầu năm 2008, trung bình một ngày có khoảng trên 200 người vào đây lên núi, riêng những ngày Thứ bảy và Chủ nhật lên tới cả nghìn người. Mỗi xe máy gửi mất 5.000 đồng cộng với 2.000 đồng/người đi qua nương ngô, có ngày gia đình anh thu cả triệu bạc. Anh bảo: “Mình đã được chính quyền cho phép thì mới làm”.
Đường lên núi Chi Đảy mới chỉ là đường đất, nên người dân đã cuốc thành từng bậc. Thế nhưng càng lên đến gần cửa hang thì càng khó đi. Dọc đường, thi thoảng có những thân cây to kích cỡ đến 3 người ôm bị đổ gãy chắn ngang, có đoạn phải bám vào từng hốc đá, tảng đá mới leo lên được.
Tuy đường đi khó khăn như vậy nhưng từng tốp thanh niên vai đeo ba lô hăm hở bám đá đi lên. Trong số người lên hang, ngoài những người trong tỉnh còn có cả một số người từ các tỉnh dưới xuôi cũng lên xem hang.
Anh Đoàn Hồng Sơn, người Hà Nội, đi cùng vài người bạn vừa đi ra từ một hang, cho biết: “Tôi nghe mấy người bạn đồn là hang động có nhiều hiện vật lạ rất đẹp nên lên đây xem. Qủa thật có nhiều hiện vật bằng đá có hình thù muôn hình vạn trạng,
giống y thật mà tôi chưa thấy bao giờ”.
Còn anh Lê Việt Dũng,một người ở ngay thị trấn Yên Châu này, lên hang để cầu duyên. “Lên núi, vào hang mà không thắp hương thì… không lấy được vợ đâu” – anh Dũng phân trần.
Lang thang ở ở khu vực này, chúng tôi nghe được khá nhiều lời đồn đại. Ví dụ như vào đầu năm 2008, có khá nhiều người vào hang, thấy hiện vật bằng đá quá đẹp đã mang về. Nhưng sau đó, nhiều người trong số đó đều tự giác mang trả hiện vật vào hang. Chuyện đồn đại rằng, vì từ khi lấy hiện vật ở hang Chi Đảy mang về, một số người làm ăn thua lỗ, trong gia đình có người ốm…
Rõ ràng, những chuyện thêu dệt như vậy ở các làng quê không thiếu. Đặc biệt là khi phát hiện ra những chuyện lạ thì những lời đồn đại mê tín bay nhanh như cơn gió qua những thung lũng nơi này.
Trước khi khách du lịch các nơi biết đến hang Chi Đảy, một số người dân địa phương cũng đã biết và vào đây chiêm bái. Khi đó hang Chi Đảy còn thuộc bản Đán, xã Chiềng Yên (sau này mới tác ra thêm xã Chiềng On), ông Chủ tịch xã Vì Văn Ỏm đã xin mìn của Công an huyện đánh sập cửa hang để ngăn tệ nạn. Tuy nhiên dù nổ mìn nhưng vẫn không lấp được vì cửa hang quá rộng và đá rắn.
Tận mắt “Đệ nhất tiên cảnh động”
Hệ thống hang trên núi Chi Đảy gồm 3 hang động lớn, trong đó 2 hang nằm kề nhau, còn 1 hang nằm cách xa khoảng 100 mét đường núi. Hang sâu nhất khoảng 400m, hang ngắn nhất cũng khoảng 200m. Những cái hang này “mọc” ra từ độ cao khoảng trên 100 mét tính từ chân núi.
Cũng giống như bao hang động khác, nhũ đá của các hang động đây trong quá trình kiến tạo tự nhiên chảy dài từ trên đỉnh hang rủ xuống. Tuy nhiên, những nhũ đá ở đây có rất nhiều hình dáng giống đồ vật ngoài đời đến kỳ lạ. Chủ yếu là hình dáng của những củ, quả, sản vật nông nghiệp và hình thù một số con vật.
Hang đầu tiên được người dân bản địa gọi là hang Cha Đảy, ngoài những cụm nhũ đá trắng rủ từ trần hang xuống, dưới lòng hang là vô số những hòn đá tròn có hình thù giống hệt quả na với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác dưới nền đá. Nhiều quả na đá này được ai đó xếp lại với nhau hay đặt lên tảng đá to, với vô số chân hương cắm xung quanh.
Có lẽ do quá khâm phục vẻ đẹp do thiên nhiên ban tạo, một du khách nào đó ngẫu hứng viết vào vách đá trên cửa hangnhững dòng chữ đầy xúc cảm như: “Đệ nhất tiên cảnh động” hay “Thuỷ phủ động đình”. Còn theo như anh Nguyễn Quý Đôn, cán bộ Phòng văn hoá huyện Yên Châu đi cùng tôi, thì ngẫu hứng gọi đây là “Yên Sơn đệ nhất động”.
Đi sâu vào bên trong, hang tối dần, dưới nền đất là vô số những hòn đá tròn nhỏ như quả mận rải khắp nơi. Có người gọi vui đó là “bãi bánh trôi”. Phía dưới bãi đá nhỏ nàylà những thửa đá có bờ,trông giống như ruộng bậc thang của người dân vùng cao. Xen giữa các gờ đá này là những vũng nướctrong vắt.
Dọc lối đi trong hang là vô số những khối đá có hình thù giống con rùa, cây bụt mọc, toà sen…Trong hang có những chỗ khá rộng. Trong ánh sáng mờ ảo, những khối đá với vô số hình thù, chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh.
Nhưng kỳ thú nhất là hang Thẳm Lượm, nằm cách hang Cha Đảy khoảng hơn 100 mét. Trong hang này có khối đá trắng với hàng trăm dải nhũ đá rủ xuống, nhìn từ xa trông giống con voi trắng khổng lồ.
Mỗi khi ánh sáng chiếu vào, khối đá lại ánh lên tia lấp lánh. Du khách vào đây rất thích dùng đèn pin soi vào khối đá để ngắm nhìn. Nhiều người sau khi chiêm ngưỡng đều ngỡ ngàng, không thể tin “con voi trắng” do thiên nhiên tạo lên.
Càng vào sâu trong hang càng tối, lòng hang rộng ra, ghập ghềnh. Anh Đôn nhận xét rằng: “Sau 2 lần thăm hang, chúng tôi tưởng tượng cả một thế giới trong hang đâu đâu cũng bắt đầu từ… sản xuất nông nghiệp”.
Hệ thống hang động chưa được xếp hạng
Hiện nay, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, nhiều du khách vào hang sau khi ăn uống, thắp đồ cúng bái đã vứt đầy rác từ ngoài cửa hang vào đến bên trong, gây mất vệ sinh. Trước tình hình có nhiều du khách đổ về thăm hang trên núi Chi Đảy, UBND huyện Yên Châu đã ra quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích danh lam thắng cảnh hang Chi Đảy.
Ông Lò Ngọc Phớ, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá huyện Yên Châu cho biết: “Chúng tôi tạm thời giao cho UBND xã Yên Sơn quản lý, bảo vệ. Chính quyền xã đã thành lập đội bảo vệ an ninh, bảo vệ các hiện vật bằng đá trong hang và chống mọi hành vi mê tín dị đoan. Hiện chưa có sự đánh giá quy mô nào về hệ thống hang động Chi Đảy cũng như chưa có kế hoạch đầu tư khai thác du lịch”.
Với “kinh nghiệm” tiếp xúc với rất nhiều khách du lịch từng đến đây, anh Vì Văn Cù, người trông giữ xe dưới chân núi Chi Đảy mạnh dạn: “Huyện và xã cũng cho phép người dân nơi đây đầu tư nhưng nếu không làm được thì để doanh nghiệp vào đầu tư”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện Sở đang làm báo cáo đề xuất UBND tỉnh Sơn La cách thức quản lý và đề xuất cho một số doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Sở cũng chỉ đạo Bảo tàng tỉnh khảo sát và lập hồ sơ để sớm đưa hang động Chi Đảy vào danh sách xếp hạng danh lam thắng cảnh, xem xét quyết định giao cho huyện Yên Châu quản lý”.