ThienNhien.Net – Nước là nguồn tài nguyên cơ bản không thể thay thế. Sự khủng hoảng về nước trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển con người và nền kinh tế, an ninh năng lượng, anh ninh lương thực, cũng như sự ổn định chính trị và sự bền vững của môi trường. Cuối tháng 06 vừa qua, Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (TI) đã đưa ra bản “Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu năm 2008 trong lĩnh vực sử dụng nước”. Bản báo cáo cho rằng cuộc khủng hoảng nước là cuộc khủng hoảng về sự quản lý, trong đó sự tham nhũng là gốc rễ của tất cả các vấn đề.
Sự quan tâm của toàn cầu
Việc quản lý các nguồn nước xuyên quốc gia, do nhiều cơ quan ban ngành và các thành phần kinh tế khác nhau cùng sử dụng hay cùng hưởng lợi là hết sức khó khăn. Vấn đề quản lý nguồn nước liên quan chặt chẽ với sự phân phối nguồn nước một cách hợp lý và bền vững.
Cũng chính vì vậy hoạt động này rất dễ bị hối lộ hoặc tranh giành bằng sức mạnh kinh tế, quân sự. Sự cạnh tranh về nguồn nước ngày càng gia tăng là hậu quả của sự phát triển dân số, sự thay đổi chế độ ăn uống, việc gia tăng các ngành công nghiệp cần nhiều nước và cả sự biến đổi khí hậu. Tất cả những điều này đang góp phần làm tăng nguy cơ tham nhũng nước toàn cầu.
Báo cáo chỉ ra một vấn đề cơ bản đó là ảnh hưởng của sự tham nhũng đối với nước sinh hoạt và các hệ thống vệ sinh. Điều đó dẫn tới việc những người dân nghèo phải đóng góp tiền để bảo vệ sức khoẻ cho mình. Theo thống kê, ở các nước đang phát triển, 80% vấn đề sức khoẻ liên quan đến nước và hệ thống vệ sinh.
Nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra ở tất cả các khâu trong quá trình phân phối nguồn nước, từ việc ra chính sách đến đấu thầu các dự án nước sạch. Theo một nghiên cứu ở Nam Á trong năm 2001 cho thấy, những người đấu thầu thường tìm mọi cách “chạy chọt” để giành được các gói thầu, do đó đã làm tăng chi phí của các công trình nước sạch lên khoảng 25 – 45%. Còn ở Guatemala, hơn 15% bị đơn trong các vụ kiện liên quan đến việc hối lộ trong sự phân phối nguồn nước.
Nạn tham nhũng trong vấn đề nước tưới cho nông nghiệp cũng rất nghiêm trọng, nó chống lại những nỗ lực để giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực. Các vùng đất cần sự tưới tiêu tiêu thụ 70% lượng nước và sản xuất 40% lương thực thế giới. Bản báo cáo giải thích rằng, hệ thống tưới tiêu rất khó để quan trắc và rất dễ gây ra sự tranh giành bởi những người sử dụng. Trong đó, những người nông dân sản xuất nhỏ là chịu thiệt thòi nhất.
Hiện nay, khoảng 1/6 lượng điện thế giới được sử dụng trong lĩnh vực thuỷ điện. Trong khi ngành sản xuất năng lượng nhờ nước đang gây nhiều tranh cãi trên toàn thế giới, người ta vẫn khuyến khích đầu tư ồ ạt xây dựng các nhà máy thuỷ điện (khoảng 50 – 60 tỷ USD/năm).
Bản báo cáo mô tả chi tiết ảnh hưởng của các đập thuỷ điện đối với sự di dân và tái định cư của cộng đồng địa phương, trong đó có nhấn mạnh rằng trong một thập kỷ gần đây, 80 triệu người dân đã buộc phải di cư. Nguồn tiền dành cho các chương trình tái định cư của dự án đập thuỷ điện là nguồn tiền có nguy cơ bị tham nhũng cao.
Chẳng hạn như trường hợp đã xảy ra đối với quỹ tái định cư ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc năm 2004 và 2005, số tiền bị tham ô lên đến 36,4 triệu USD. Ảnh hưởng của sự tham ô là rất rõ ràng. Người dân ở tỉnh Hồ Bắc cho đến này chỉ nhận được 700 USD tiền đền bù tái định cư trong khi đáng ra họ được nhận 5.000 USD.
Hướng đi
Mặc dù cuộc chiến chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, quyết liệt, nhưng Báo cáo Tham nhũng toàn cầu năm 2008 cho rằng chống lại tham ô trong vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước là vấn đề cấp thiết và nếu nỗ lực chúng ta có thể làm được. Những biện pháp chính mà bản báo cáo đề xuất bao gồm:
Công khai các hoạt động của tất cả các thành phần liên quan và tăng cường sự tham gia của những người hưởng lợi như: công khai công quỹ, ban hành chính sách về việc xuất bản các bản đồ ô nhiễm nguồn nước, kiểm toán các dự án và các hợp đồng…. Việc công khai hoạt động của tổ chức sẽ làm tăng tính minh bạch trong quản lý nguồn nước và cần được nhân rộng trên toàn thế giới.
Tăng cường giám sát: Chính phủ và cộng đồng địa phương cần phải đóng vai trò nổi bật trong giám sát, quản lý nguồn nước. Cần phải giám sát thường xuyên và hiệu quả các vấn đề môi trường, nước và hệ thống vệ sinh, nông nghiêp và năng lượng. Cải cách hành chính và tăng cường năng lực là cách hiệu quả nhất để tăng cường sự giám sát trong quản lý nguồn nước
Đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án về nước: Tất cả những người hưởng lợi phải được quyền tham gia. Các hợp đồng thầu cần phải đảm bảo kết hợp chặt chẽ các giải pháp chống tham nhũng.
Năm 2006, TI phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Viện nước Quốc tế Stockhom, Viện nước Thụy Điển cùng Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường toàn cầu, đã thành lập Mạng lưới Minh Bạch Nước (WIN) nhằm đấu tranh chống lại tình trạng tham nhũng trong trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến nước.
Mạng lưới này đã phát triển rộng khắp, bao gồm nhiều tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới và đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động chống tham nhũng, tạo ra sự liên kết giữa các địa phương, các khu vực trên toàn thế giới. Bản Báo cáo Tham nhũng 2008 chính là sự tổng kết từ những hoạt động của mạng lưới toàn cầu này.
Năm 2003, văn phòng đại diện của TI tại Colombia đã giúp Hội liên hiệp Vệ sinh và Kỹ thuật Môi trường Colombia (ACODAL) đưa ra giải pháp chống tham nhũng trong các hợp đồng mua đường ống dẫn nước. Họ nhận ra rằng trước đây, để đảm bảo nhận được một gói thầu, các công ty cạnh tranh thường phải trả thêm khoảng 12% giá trị của gói thầu đó. Trải qua quá trình đàm phán, cuối cùng 11 công ty thành viên trong ACODAL đã ký kết được một thỏa thuận chống tham nhũng.
Dựa trên Nguyên tắc kinh doanh chống tham nhũng của TI, bản thoả thuận này bao gồm các giải pháp cụ thể để chống lại tình trạng tham nhũng trong phân phối và quản lý nguồn tài nguyên nước. Thêm vào đó, một Uỷ ban Nội Quy cũng được thành lập để giải quyết các vấn đề bất đồng. Cho đến năm 2006, những biện pháp này đã cho thấy hiệu quả, giá của các gói thầu đã giảm xuống đáng kể.
Năm 2005, TI tại Ấn Đô tiến hành xem xét trong số 14.405 đơn thư khiếu nại từ 151 thành phố và 360 làng xã. Kết quả cho thấy nước là một trong những vấn đề dịch vụ công cộng liên quan đến tham nhũng nhiều nhất. Trong số những công ty cấp nước bị kiện, hơn một nửa là có liên qan đến vấn đề tham nhũng và hơn 25 % có sử dụng các biện pháp như hối lộ hoặc gây ảnh hưởng để hoàn thành công việc.
Năm 2007, TI tại Pakistan đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập đối với Dự án Cải thiện Nước cho tỉnh Sindh – một dự án nhằm mục đích cải tiến công suất và hiệu quả của hệ thống tưới tiêu.