Con đường đầy bụi cách thị trấn Kép chừng 10 km cứ như mất hút sau những bãi đá, lò nung gạch san sát nhau. Chiếc xe máy chợt chồm lên rồi tắt ngóm. Đường xóc quá nảy tung cả cầu chì, buzi… Vừa đẩy vừa hỏi đường vào nhà anh Vũ Văn Lập, thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, người già, trẻ nhỏ hồ hởi hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ… Cứ đến cái sân bóng, nhìn thấy nhà văn hóa, theo đường đất đến tận cuối làng.
Ló ra từ chuồng lợn, người đàn ông trung niên cao, dáng đi hơi khom về trước ngạc nhiên khi có người lạ lao ầm ầm vào sân. Mời khách vào nhà, vội quơ cái vầu gỗ đẩy đám lạc phơi cho được nắng, anh Lập ướm hỏi: “Làm sao các anh lại biết tôi? Qua tỉnh hả. Tôi thì chả biết gì về cổ vật, về lịch sử văn hóa đâu. Nhưng mà mọi thứ như cơ duyên ấy. Mỗi lần lọ mọ ngoài bờ sông Thương, chẳng hiểu vì sao, tôi cứ thích nhặt những mảnh đá, miếng đồng có màu sắc, hình thù kỳ lạ…”.
Xin thôi Chủ tịch xã, về bán… cây cảnh
Tháng 02/1975, chàng thanh niên 18 tuổi tràn căng sức xuân tình nguyện lên đường chiến đấu. Anh Lập được điều động về binh chủng phòng không – không quân, thuộc sư đoàn 372 tiến công và bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất. Rót chén nước, anh cười khà: “Tiếc là tôi chưa góp được nhiều cho chiến thắng lịch sử. Vì thế, mãi đến năm 1982, tôi mới rời quân ngũ về quê hương để… lấy vợ”.
Cũng nhờ sự chững chạc và nhiệt huyết cách mạng được tôi luyện trong quân đội, trong chiến tranh, anh Lập được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX Liên Sơn, rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
“Suốt 15 năm làm cán bộ lãnh đạo, tôi luôn gắng hết sức để bà con yên tâm sản xuất, thêm nhiều nghề phụ cải thiện đời sống, có thể nói, không đến nỗi phải xấu hổ trước bà con. Tuy nhiên, do sơ sảy, vợ tôi lỡ mang bầu cháu thứ ba, nên năm 1996, tôi xin thôi các vị trí lãnh đạo xã, ở nhà trồng, ươm cây cảnh bán.
Lúc đầu cũng vì mưu sinh, tôi hay lên rừng, xuống các bến sông, sang dãy Hữu Lũng, ngược dòng sông Thương để tìm đá, gỗ lũa về tạo dáng. Những lần như thế, tôi bắt gặp rất nhiều viên đá kỳ lạ, có hôm lộ ra dưới cát, bùn đất là những mảnh đồng rỉ xanh đỏ, thấy thích, tôi nhặt về chất đống trong nhà”.
Vợ anh Lập lúc đầu cho anh là gàn, cứ đi nhặt đống đá sỏi về cho… rác nhà, sau quen, chị lại bảo, miễn là anh thích, nhà cửa yên ấm…
Thế mà đã 10 năm có lẻ. Đống “rác” trong nhà anh Lập bây giờ không chỉ dừng ở những phiên bản anh treo đầy trên tường, chặt trong 2 tủ kính.
Cũng chẳng đợi khách hỏi có bao nhiêu hiện vật, anh Lập lôi nào bao tải, ba lô, hộp bánh quy… trong mấy ngăn tủ, dưới mấy gậm giường bày chật 2 gian nhà, toàn đá, cả những khối to bằng nửa thân người in vết hóa thạch của một cây dương xỉ, một gốc trầm hoàng đàn; rồi rìu, bôn, đục cho đến viên đá cuội nhỏ bằng hai ngón tay…
Thú chơi của anh Lập ngày càng “dày” thêm khi nhiều đêm, anh hay mơ mình lang thang về một phương nào đó, tìm kiếm và nhặt nhạnh…
Rồi sáng ra, cứ như “ma làm”, anh lại đi dọc bờ sông Thương, gặp các chủ tàu khai thác cát dò hỏi xem có đồ gì lạ, xin hoặc mua. “Còn nhiều món quý nữa muốn khoe với các anh. Để tôi đi tìm chìa khóa…”.
Lôi trong hộc tủ một bảo bối, anh giới thiệu bộ xương răng hóa thạch cỡ lớn, không biết của cá voi hay một loài voi khổng lồ, có cả một đốt xương sống cổ to đúng bằng chiếc bát chiêu. “Những thứ này đều lấy lên từ lòng sông Thương. Hôm đó, đang ở nhà thì anh em đội tàu cùng xã gọi. Ra đến nơi nhìn thấy bộ xương răng cỡ lớn, tôi sướng quá, gạ mua song họ hét giá cao, đành về”. Tối đó, anh Lập không ngủ được, chị vợ cũng thấy không yên gặng hỏi mãi, hóa ra chỉ vì chiếc… xương.
Chẳng ai như cái anh gàn, cứ thích nhặt xương với cốt về chất đầy nhà. Tiền thì đã cạn, nhưng rồi chiều chồng, sáng ra chị vợ gọi người bán khoảnh lúa non ngoài đồng lấy tiền đưa cho anh Lập.
Đồ gốm anh Lập sưu tập được khi đi dọc sông Thương tìm đá. |
Khi “rác” biến thành đồ cổ
Từ những viên đá, mảnh đồng, anh Lập chuyển dần sang chơi cả những đồ gốm, tiền xu, cung nỏ… Hễ ao, đất nhà nào đào xới có vật lạ, là thấy anh Lập.
Có người quý thì cho cái bát mẻ, có người đa nghi thì bắt… trao đổi. Đến cả bọn trẻ trong xã, cũng trở thành những “tích cực viên” sưu tầm hộ anh Lập.
“Bản thân tôi có biết chút gì đồ cổ đâu. Có những chiếc rìu đá, qua đá được đẽo gọt công phu với những hoa văn rất tinh xảo, cứ nghĩ là một món đồ đẹp, lạ, thích thì sưu tầm, chơi. Thêm nữa, ở quê sống với nhau bằng tấm lòng, khi thì cái kẹo, khi thì vài chục nghìn đồng biếu tặng những người giúp mình, chứ thú thực, nếu biết đấy là đồ cổ, có đống tiền chưa chắc người ta đã bán, chưa chắc tôi đã có được”.
Mãi cách đây 2 năm, mấy cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đi tìm hiện vật qua đây, thấy anh Lập có nhiều đồ lạ, ghé qua, nghe họ nói, hướng dẫn, anh mới biết mình bao năm đã tìm kiếm và gìn giữ rất, rất nhiều đồ cổ.
Hiện bộ sưu tập của anh Lập qua sàng lọc đã có gần 300 di vật bằng đá là những dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của cư dân hậu kỳ thời đại Đồ đá mới: rìu, bôn, đục, cuốc, vòng, chày nghiền, bàn nghiền…
Những hiện vật thời đại Đồ đồng độc đáo cách nay gần chục nghìn năm: mũi tên, cuốc, rìu, gương đồng… Và tất nhiên bộ sưu tập quý nhất chính là các hiện vật hóa thạch có niên đại hàng vạn năm,
Nhớ những ngày nhặt những mảnh đồng, viên đá lấm láp chất đống trong nhà, để bây giờ, trở thành kho hiện vật vô giá, anh Lập hãnh diện lắm. “Tôi chẳng bán đâu. Cơ mà quý ai thì tặng, để lại cho người biết gìn giữ, trân trọng những giá trị văn hóa”.
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cũng ghi nhận công sức của anh Lập, Giám đốc Trần Văn Lạng cử cán bộ về phân loại, sắp xếp, định hướng giá trị, hướng dẫn cách trưng bày và xúc tiến làm thủ tục xây dựng bảo tàng tư nhân cho anh Lập.
Một niềm vui với người nông dân vùng quê nghèo, anh Lập vừa được cấp thẻ hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam chi hội Bảo tàng Bắc Giang. Nhiều món đồ “rác” của anh được in trong cuốn sách “Di sản văn hóa Bắc Giang – Khảo cổ học” vừa xuất bản.