Cồn Chim nằm chơi vơi giữa đầm Thị Nại (Bình Định) từng được ví là "đảo Hồng Kông" nhờ một thời vang tiếng về sự giàu có. Nay hàng trăm hộ dân nơi này từng ngày vật vã vì… khát nước!
Một thời vang bóng
Danh tiếng ốc đảo Cồn Chim từng gây chú ý đối với nhiều tổ chức về môi trường trong nước cũng như thế giới. Những thập niên trước, nơi này là khu rừng ngập mặn nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng. Các nhà khoa học đã xác định có khoảng 64 loài động vật phù du, 76 loài cá thuộc 40 họ, 35 loài giáp xác, 31 loài thân mềm; 25 loài cây ngập mặn, 5 loài cỏ biển phân bố trên diện tích 50 ha. Cồn Chim còn là nơi cư trú của hàng chục loài chim, số lượng nhiều đến mức có thể trèo lên cây… bắt sống! Ngành du lịch từng có ý định chọn nơi này làm điểm du lịch phục vụ khách tham quan.
Cồn Chim thuộc địa bàn thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định). Khoảng những năm 1999 – 2002, đời sống người dân nơi đây rất sung túc bởi nghề nuôi tôm siêu lợi nhuận. Họ chi tiêu sang trọng hơn cả… Việt kiều và nhiều người đã ví Cồn Chim là “đảo Hồng Kông bên hông Quy Nhơn”. Thời vàng son qua mau khi quy mô nghề nuôi tôm ồ ạt mở rộng dẫn đến môi trường nhanh chóng suy thoái. Tôm chết triền miên. Nợ nần chồng chất tiền tỉ khó có khả năng chi trả.
Dự án khôi phục hệ sinh thái Cồn Chim đang triển khai hiệu quả đã phần nào nhen nhóm hy vọng vực dậy nghề nuôi tôm. Nhưng một nỗi lo khác lại phát sinh và đang thường trực từng ngày khiến các hộ dân như ngồi… trên lửa.
Khát nước ngọt
Đang những ngày nắng gắt nên chuyện khan hiếm nước ngọt trở thành vấn đề thời sự nhất ở Cồn Chim. Cả ốc đảo có 207 hộ dân, hơn 1.000 nhân khẩu, với mật độ xây dựng ken kín chẳng có cái giếng nước nào. Cứ đặt máy khoan xuống đất là “gặp” mặn. Từng có người gom vàng đem bán, thuê kỹ sư về “bắt mạch” nguồn nước ngọt nhưng vẫn không mang lại kết quả. Nhiều thế hệ trên ốc đảo sống dựa vào nguồn nước lấy từ các khe núi ở bán đảo Phương Mai. Gần đây, do hoạt động khai thác titan và xây dựng hạ tầng công nghiệp, mạch nước ngầm ở phần lớn các khe núi bị cạn kiệt.
Nước ngọt sinh hoạt là mặt hàng đắt đỏ nhất ở Cồn Chim. Bình quân mỗi gia đình tốn gần 10.000 đồng tiền nước/ngày vẫn không đủ nhu cầu sinh hoạt. Tắm gội thường phải dùng nước mặn lấy ở đầm. Các cụ già dường như đã quen với việc… tắm khô (dùng tay kì cọ trước, sau đó chỉ xối một gáo nước ngọt cho đỡ rít). Gia súc, gia cầm “vắng bóng” ở Cồn Chim. Xóm làng luôn thể hiện tình đoàn kết để “chung sống với nước mặn”, nhưng trong một vài gia đình vẫn hay xảy ra lục đục, cũng chỉ vì không có nước ngọt để súc miệng, tắm gội. Ai có tiệc tùng chiêu đãi họ hàng phải dự trữ nước trước cả tuần.
Trên ốc đảo Cồn Chim hiện chỉ còn anh Trương Văn Tân (37 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tâm (35 tuổi) chuyên dùng ghe vượt đầm Thị Nại đi mua nước ngọt về bán. Mỗi khi 2 anh này không may bị cảm sốt, chẳng thể đi chở nước thì người dân cả đảo thấp thỏm lo toan. Nhà nào khi xây dựng cũng phải tính toán chừa không gian đặt bồn, lu, chậu trữ nước. Khả năng dự trữ cũng chỉ đủ dùng một vài ngày chứ mua nhiều cũng không ai có nước mà bán.
Từng có nhiều đơn thư “xin” nước nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp. Bà Nguyễn Thị Lành, 60 tuổi, là đời thứ tư sống ở “đảo Hồng Kông” nói đầy lo lắng: “Lũ trẻ bây giờ tính chuyện vợ chồng thường chọn “đối tác” ở nơi khác để mong có cơ hội thoát khỏi nỗi ám ảnh không có nước. Chắc không bao lâu nữa, nơi đây chỉ còn toàn người già”.