Trong số hơn 25.000 người dân Hà Nội được hỏi, có đến 92% muốn Chính phủ cấm dùng túi nilon hoặc giảm dùng dần vì tác hại của nó. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có nghiên cứu hoặc động thái nào về vấn đề này.
“Lúc nào đi chợ thì tôi xin túi đựng, mà chả xin họ cũng cho, một nghìn hành cũng một cái túi, nửa cân thịt cũng túi, và tất cả những thứ đó lại cho vào 1-2 cái túi lớn hơn, sơ sơ mỗi ngày cũng chục cái túi chứ ít à”, bà Loan, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, kể.
Hầu như tất cả các bà nội trợ hiện nay đều làm giống như bà Loan, nghĩa là đi tay không ra chợ, đến lúc về thì cơ man túi lớn túi nhỏ trên tay, về nhà vứt hết túi vào sọt rác, và hôm sau lại ra chợ xin túi mới. Nếu chỉ tính mỗi hộ dùng 5 túi nilon mỗi ngày, thì với khoảng 18 triệu hộ dân, cả nước đã tiêu thụ đến 90 triệu túi nilon mỗi ngày.
Với số lượng tiêu thụ khổng lồ này, túi nilon đã trở thành vấn nạn của các thành phố lớn cũng như ở nông thôn. Hầu như không có con đường, ngõ phố hay lối xóm nào không có túi nilon phất phơ, vương vãi. Cảnh tượng các ao hồ hay sông ngòi bồng bềnh những túi rác đã trở nên quá quen thuộc.
Ông Norihisa Hitara, chuyên gia về mảng Phân loại rác tại nguồn của Dự án 3R-HN (Dự án giảm thiểu – tái sử dụng và tái chế rác, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica hỗ trợ Hà Nội) cho biết, dựa trên nghiên cứu tại Hà Nội thì loại túi nilon khó phân hủy này chiếm khoảng 5-10% thể tích.
Túi nilon nguy hiểm cho môi trường ở chỗ nó có độ bền cơ học cao nên rất khó phân hủy. “Chúng hầu như không phân hủy khi chôn xuống đất, trừ phi bị đốt hay có phản ứng hóa học nào đó”, ông Hitara cho biết. Vì thế, túi nilon được xem là một trong những loại rác khó phân hủy nhất thế giới. Những chiếc túi bồng bềnh làm tắc nghẽn sông hồ, cống rãnh, làm chết nhiều loài thủy sinh, làm đất “ngạt thở” và là nơi trú ngụ và phát tán của côn trùng, bệnh tật, gây ô nhiễm nặng nề.
Đã có vài giải pháp được đưa ra, như tái chế hoặc sản xuất túi tự phân hủy, nhưng tỷ lệ thành công chưa nhiều, giá thành còn cao, hoặc chất lượng chưa bằng với túi nilon thường. Chính vì thế, ở Việt Nam, phần lớn rác nilon và các loại nhựa khó phân huỷ khác được xử lý bằng cách chôn lấp (gây chiếm thể tích bãi rác rất lớn). Số còn lại vương vãi khắp nơi, vừa gây mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Hitara, đã đến lúc nên vận động người Việt Nam chấm dứt sử dụng loại nilon này, vì vấn đề rác thải và môi trường rất gần gũi với chúng ta.
“Nếu chúng ta vận động người dân dùng các loại túi dễ phân hủy thay cho túi nilon, họ sẽ ý thức hơn về điều đó. Hiện tại, túi nilon khó phân hủy vẫn đang được sử dụng tại Nhật Bản. Nhưng nhiều cửa hàng đã ủng hộ cuộc vận động của chúng tôi. Một số cửa hàng bán túi nilon cho khách, buộc họ phải mang túi ở nhà theo. Số khác tạo ra những loại túi thiết kế đẹp, thay túi nilon”, ông nói.
Chính người dân cũng đã bắt đầu có ý thức về sự nguy hiểm, ô nhiễm và mất mỹ quan của túi nilon. Cuộc khảo sát mới đây trên 25.000 người dân cho thấy, chỉ có 7,2% là thấy cần phải giữ lại loại sản phẩm dai dẳng này.
Một số siêu thị, chẳng hạn như Metro, gần đây cũng ngừng phát túi nylon cho khách và kêu gọi mọi người sử dụng loại túi đựng nhiều lần khi mua hàng.
Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cũng đã tuyên chiến với nạn “ô nhiễm trắng”. Chẳng hạn từ năm 2007, Đài Loan đã cấm tất cả các cửa hàng, siêu thị, tiệm ăn nhanh sử dụng túi nilon nói riêng. Mới đây nhất, Trung Quốc đã nghiêm cấm việc vứt bỏ các túi nilon đựng đồ và kêu gọi quay trở lại với túi vải cổ truyền.
Tại Nam Phi, Ireland, Bangladesh, chính phủ cũng hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách đánh thuế vào người đi chợ sử dụng. Còn năm ngoái, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm dùng các túi nhựa làm từ dầu mỏ trong các cửa hàng tạp phẩm lớn. Ở Pháp, các chuỗi siêu thị cũng đã bắt đầu e dè khi cấp túi nilon và các cửa hàng ở Đức buộc phải trả một khoản phí tái chế nếu họ muốn cung cấp chúng.
Tuy nhiên đến nay Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có chính sách hay quy định cụ thể nào về việc giảm sử dụng túi nilon. Trao đổi vầ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “chúng tôi sẽ sớm làm cuộc điều tra lại về sự đồng thuận của công chúng, và nếu tỷ lệ ủng hộ cao, chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này để đưa ra chiến lược giảm sử dụng túi nilon. Tất nhiên phải theo lộ trình chứ chưa thể cấm hoàn toàn ngay được, và cũng phải xem loại cần cấm”.
Cũng theo ông Tài, thực ra vấn đề cấm sử dụng túi nilon khó phân hủy một số nước đã làm rồi, và Việt Nam nên làm theo. “Nếu khảo sát của các bạn cho thấy người dân ủng hộ thì tôi tin sẽ thực hiện thành công thôi”, ông nói.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng, một số người dân đã chủ động nói không với túi nilon. Chị Hoa, trú tại quận Hoàng Mai, lúc nào cũng trung thành với cái làn đỏ cũ kỹ của mình. “Mang làn vừa tiện, vừa đựng được nhiều thứ, lại đỡ phải tha nilon về nhà, chỉ tổ thêm rác”, chị nói. Và tất cả người nhà chị đều “thấm nhuần” phương châm này.